Dệt may đón đầu TPP: Ngoại đến ồ ạt, nội có đuổi kịp?
Trong khi nhiều doanh nghiệp dệt may nước ngoài đang tăng tốc đầu tư vào Việt Nam nhằm đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để hưởng thuế suất nhập khẩu 0% thì các doanh nghiệp trong nước còn dè dặt và bị động.
Hiệp định TPP nếu được ký kết sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam bởi có tới 60% kim ngạch xuất khẩu của ngành này được xuất vào các nước thành viên TPP. Tuy nhiên, quy định xuất xứ “từ sợi” (yarn forward) của TPP buộc doanh nghiệp dệt may xuất khẩu phải sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước thành viên TPP khác (không có Trung Quốc vốn là thị trường cung cấp nguyên phụ liệu dệt may cho Việt Nam).
Doanh nghiệp ngoại ào ạt đến
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp dệt may của Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông... đã nhanh chóng đầu tư vào Việt Nam xây nhà máy sợi, dệt, nhuộm... để đón đầu TPP. Và không như các doanh nghiệp trong nước chỉ thực hiện những khâu đơn giản tạo giá trị thấp, các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam với kế hoạch sản xuất khép kín từ việc tạo nguồn nguyên liệu đến khâu thành phẩm cuối cùng để xuất khẩu.
Đơn cử tại TPHCM - địa phương không “mặn mà” với các dự án dệt may hay da giày vốn thâm dụng nhiều lao động phổ thông, mới đây cũng đã có hai nhà đầu tư lớn. Công ty Forever Glorious thuộc tập đoàn Sheico (Đài Loan) cam kết đầu tư 50 triệu đô la Mỹ để triển khai một dự án hoàn chỉnh từ dệt vải đến sản xuất các sản phẩm may mặc chuyên dụng cao cấp cho thể thao dưới nước. Công ty Gain Lucky Limited thuộc tập đoàn Shenzhou International (Trung Quốc) sẽ đầu tư 140 triệu đô la Mỹ để phát triển dự án Trung tâm Thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm may mặc cao cấp.
Ở khu vực phía Bắc, tập đoàn Dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) vừa được chính quyền tỉnh Nam Định cấp phép đầu tư nhà máy theo quy trình khép kín từ sản xuất sợi, đến dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu đô la Mỹ. Một nhà đầu tư của Hồng Kông cũng đã đề xuất dự án khu công nghiệp dệt may quy mô 1.000 héc ta tại địa bàn tỉnh này.
Hàng loạt doanh nghiệp dệt may nước ngoài có nhà máy ở Việt Nam cũng đã nhanh chóng mở rộng sản xuất.
Giữa năm ngoái, Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long thuộc tập đoàn Dệt may Texhong (Hồng Kông) đã khánh thành giai đoạn 1 của dự án nhà máy sản xuất sợi 300 triệu đô la Mỹ tại tỉnh Quảng Ninh, nâng số nhà máy của Texhong tại Việt Nam lên bốn nhà máy.
Giới phân tích cho rằng nếu như trước đây, các dự án đầu tư vào Việt Nam của Texhong là nhằm tận dụng giá lao động và giá bông rẻ thì đích nhắm quan trọng của việc mở nhiều nhà máy thời gian gần đây là đón đầu TPP.
Tương tự, TAL (Hồng Kông) sau gần 10 năm đầu tư nhà máy dệt may ở tỉnh Thái Bình, từ hơn nửa năm nay đã tìm thêm cơ hội phát triển tổ hợp sản xuất mới với vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ. Động thái này của TAL cũng được cho là bước đón đầu TPP. Hiện TAL đã có nhiều sản phẩm xuất đi Mỹ với các thương hiệu như Burberry, Banana Republic, Tommy Hilfiger...
Không chỉ những doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Đài Loan, hay Hồng Kông, nhiều doanh nghiệp dệt may lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí từ Mỹ, cũng đang hướng đến các dự án sản xuất ở Việt Nam để tận dụng cơ hội từ TPP. Các doanh nghiệp này còn tận dụng nguồn lao động giá rẻ để sản xuất nguyên liệu tại Việt Nam sau đó xuất ngược về nước họ.
Thách thức cho doanh nghiệp nội
Sau nhiều vòng đàm phán TPP, cho đến thời điểm này, dệt may vẫn là một trong những vấn đề gai góc nhất. Điểm yếu nhất của ngành dệt may Việt Nam là ở lĩnh vực dệt - nhuộm để tạo vải - một phân khúc nguyên liệu quan trọng trong chuỗi sản xuất hàng dệt may. Nhiều người e rằng với quy định xuất xứ từ sợi, doanh nghiệp trong nước khó lòng hưởng lợi từ TPP do ngành dệt may vốn phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc và một số nước ASEAN.
Câu chuyện đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ đã được bàn tính từ lâu, nhưng đến nay, lĩnh vực dệt - nhuộm vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Theo lãnh đạo tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Nghị quyết 31 của Chính phủ và chương trình 1 tỉ mét vải đã được triển khai thực hiện từ nhiều năm qua nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu mong muốn.
Theo ông Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may Việt Nam dự báo cần trên 10 tỉ mét vải mỗi năm trong 10 năm tới. Nếu được đầu tư đúng mức, các nhà sản xuất trong nước cũng chỉ sản xuất được tối đa 5 tỉ mét vải, 50% còn lại vẫn phải tiếp tục nhập khẩu.
Ông Ân cho rằng rào cản quan trọng trong sản xuất vải hiện nay là ở vấn đề môi trường. Địa phương nào cũng lo sợ các dự án nhuộm gây ô nhiễm. Dự án dệt - nhuộm của Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn từng bị từ chối vì doanh nghiệp chỉ có khả năng đầu tư xả thải ở mức B (nước có thể trồng rau, nuôi cá) trong khi địa phương yêu cầu tiêu chuẩn nước thải loại A (nước có thể uống được).
Các doanh nghiệp cho biết họ sẵn sàng đầu tư vào dệt nhuộm nếu Nhà nước hỗ trợ khâu xử lý nước thải. Theo ông Nguyễn Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Vinatex, đầu tư vào dệt nhuộm đòi hỏi bí quyết công nghệ và vốn lớn. Hiện một nhà máy dệt nhuộm cần mức đầu tư từ 20-30 triệu đô la Mỹ, trong khi đó, đầu tư một xưởng may chỉ cần 1-2 tỉ đồng.
Rõ ràng, các doanh nghiệp nước ngoài với lợi thế cả về tài chính, công nghệ lẫn thị trường đang bỏ xa các doanh nghiệp trong nước. Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, thách thức lớn nhất của việc tham gia TPP là làm thế nào xác định lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước và tăng giá trị cho các sản phẩm xuất khẩu. Nếu không chuẩn bị tốt, rất có thể Việt Nam sẽ trở thành cứ điểm sản xuất hàng hóa của những nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục làm gia công cho họ như trong thời gian qua.
TPP: Thách thức về nguồn nguyên liệu
Mỹ đang là thị trường lớn, chiếm gần 48% tổng xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong năm 2013. Dù TPP vẫn còn trong vòng đàm phán, nhưng không ít khách hàng Mỹ đã chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp cho biết các đối tác Mỹ đang muốn tăng tỷ trọng hàng nhập khẩu từ Việt Nam trong tổng nhập khẩu của họ.
Tuy nhiên, việc đáp ứng quy định xuất xứ từ sợi của TPP đang là mối quan tâm lớn của doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Từ năm 2012, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đã có kế hoạch đầu tư vài triệu đô la Mỹ cho dự án nhà máy sản xuất bông nhằm đáp ứng nhu cầu tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của TNG cũng như các công ty khác trong ngành. Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG, đối với vải và các nguyên phụ liệu khác, công ty có thể tìm mua tại Việt Nam và đưa cho khách hàng đánh giá. Chẳng hạn như vải lót (vốn chiếm tỷ trọng 30% giá trị của một chiếc áo) hay vải 100% cotton, hiện nhiều nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài đã sản xuất được các vật liệu này.
Theo ông Nguyễn Ân, Tổng giám đốc Công ty Garmex Saigon, tỷ lệ cung nguyên vật liệu giũa nội địa và nhập khẩu của công ty này hiện là 5:5. Với các khách hàng lớn, nguồn nguyên phụ liệu chủ yếu là họ tự phát triển và chỉ định cho doanh nghiệp Việt Nam mua, bao gồm mua tại Việt Nam và nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Một số khách hàng có quy mô nhỏ hơn thì muốn doanh nghiệp Việt Nam tự tìm nguồn nguyên phụ liệu.
Vải và nguyên phụ liệu nhập của Trung Quốc hiện có giá rẻ hơn 10-15% so với trong nước. Nhưng theo ông Ân, nếu TPP được thông qua, hàng may mặc xuất khẩu vào Mỹ được giảm thuế từ mức hơn 17% xuống còn 0%. Như vậy, doanh nghiệp vẫn có thể có lợi nếu mua nguyên phụ liệu trong nước.
Vấn đề mà ông Ân lo ngại là sức cung vải cũng như nguyên phụ liệu ở trong nước và trong khu vực TPP liệu có đáp ứng nổi nhu cầu tăng cao? Khi ấy, giá nguyên phụ liệu chưa chắc chấp nhận được so với tương quan ưu đãi thuế suất có được từ TPP. Ông Ân cho biết thực tế hiện nay, việc mua nguyên phụ liệu trong nước cũng như nhập khẩu đang gặp khó khăn, có thể do nhu cầu hàng may mặc trên thế giới tăng cao. Hiện Garmex Saigon đang mua vải của một số công ty vốn nước ngoài sản xuất tại Việt Nam, nhưng có vẻ như các công ty này cũng đang quá tải.
T.Thu
|
Quốc Hùng
tbktsg
|