Lỡ một phút, mất bạc tỷ vì thủ tục hải quan?
Thời gian là tiền bạc, song, với một quy định mới trong thủ tục hải quan sẽ áp dụng từ ngày 1/4 tới, các doanh nghiệp xuất khẩu lo ngay ngáy vì nguy cơ lỡ tàu, chậm gửi hàng, án phạt hợp đồng sờ sờ trước mặt.
Mới đây, ngày 11/2, Bộ Tài chính có công văn gửi các đơn vị hải quan, đổi ngược lại quy trình mở tờ khai hàng hóa so với thủ tục hải quan điện tử hiện hành. Theo đó, kể từ ngày 1/4, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải tập kết hàng hóa tại các địa điểm quy định, như cảng biển, cửa khẩu, kho ngoại quan, kho của doanh nghiệp… rồi mới làm thủ tục mở tờ khai hải quan.
Ngay lập tức, thủ tục chặt chẽ này đã bị các doanh nghiệp rào rào phản đối, trong đó, lên tiếng mạnh mẽ nhất là ngành dệt may.
Xuất khẩu dệt may sẽ gặp khó với thủ tục hải quan mới (ảnh: P.H)
|
Trong một công văn ký ngày 4/3 gửi Tổng Cục Hải quan, Tổng công ty May 10 lo ngại, “nguy cơ lỡ tàu rất cao, trong khi, việc sản xuất, xuất khẩu của công ty luôn trong tình trạng gấp gáp”.
Theo phân tích của công ty May 10, hầu hết, các công ty dệt may thường xuyên phải vừa hoàn thiện, vừa kiểm hàng, vừa đóng gói. Doanh nghiệp một mặt lo hoàn thành thủ tục, mặt khác phải chủ động tính toán các phương tiện, tránh tối đa rủi ro lỡ tàu.
Với 30% các lô hàng xuất tại cửa khẩu Nội Bài, kho ngoại quan và chuyển phát nhanh, công ty này luôn phải đồng thời vừa mở tờ khai, vừa vận chuyển và giao chứng từ cho bên vận tải mới kịp giao hàng cho khách.
Hiện nay, một đơn hàng của May 10 thường được sản xuất tại nhiều xí nghiệp khác nhau, tại các tỉnh khác nhau. Thông thường, số hàng này sẽ được vận chuyển thẳng đến cảng để tiết kiệm thời gian chi phí. Thế nhưng với quy định mới, toàn bộ các lô hàng sẽ phải vận chuyển tập kết chung về địa điểm theo quy định.
Công ty May 10 băn khoăn, cách làm như vậy sẽ phát sinh thêm cung đường vận chuyển, làm mất thời gian, chi phí, nâng hạ, bốc xếp…., nên rủi ro lỡ tàu càng cao.
Một đơn vị khác là Công ty cổ phần Tex-Giang cũng có những lo lắng tương tự.
Công ty này chia sẻ, doanh nghiệp chúng tôi đóng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, cách các Cảng biển và kho ICD tại TP.HCM tới 70-80km. Nếu phải tập kết hàng hóa để mở tờ khai hải quan trước khi xuất khẩu thì chúng tôi sẽ bị phát sinh thêm thời gian vận chuyển và các khoản chi phí khác. Điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi phải giao hàng sớm hơn theo quy định thời gian cắt máng của lô hàng, như vậy, sẽ làm giảm năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty.
TEX- Giang cũng cho biết thêm, đối với những lô hàng xuất khẩu qua đường hàng không, quy trình mới của hải quan sẽ rất dễ dẫn tới việc chậm chứng từ xuất khẩu đi kèm với lô hàng của khách hàng, doanh nghiệp có thể bị phạt và mất uy tín .
Ngoài ra, đặc thù hàng xuất tàu biển thường cao điểm vào khoảng 2 ngày cuối trong tuần, thứ 5 và thứ 6, nếu doanh nghiệp không chủ động khai báo trước thì sẽ gây tắc nghẽn quá trình làm thủ tục cho cả doanh nghiệp và hải quan. Chưa kể, đường truyền và phần mềm khai điện tử hiện nay hoạt động chưa tố. Khi hàng loạt doanh nghiệp tập trung mở tờ khai như vậy việc tắc nghẽn mạng, sẽ càng càng trở nên khó khăn hơn cho các hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Cũng là một trong số các doanh nghiệp phản đối quy trình trên, tổng công ty may Đức Giang cho biết, mỗi ngày, công ty có hàng chục lô hàng xuất tại nhiều cửa khẩu, cảng biển khác nhau như Hải phòng, Hồ Chí Minh, Đà Nang, cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất...và cũng có nhiều loại hình xuất khác nhau như : đóng hàng nguyên container, đóng ghép chung container với các doanh nghiệp khác, giao hàng lẻ , hàng máy bay , bưu điện…
Do vậy, chỉ có quy trình thủ tục hải quan điện tử như hiện nay, các doanh nghiệp được mở tờ khai trước rồi đóng hàng, mới thuận lợi trong việc xuất khẩu hàng hóa, tránh được rủi ro lớn về việc lỡ tàu…
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thời gian giao hàng quyết định không nhỏ tới sự thành bại của doanh nghiệp. Nhưng quy định mới sẽ đẩy doanh nghiệp đến cảnh phải giao hàng chậm ít nhất 1 chuyến tàu. Hệ lụy sau đó là sẽ có hàng loạt các rắc rối khác làm khó cho doanh nghiệp.
Hiệp hội dệt may Việt Nam cũng nhấn mạnh, Bộ Tài chính muốn quản lý chặt các doanh nghiệp gian lận nhưng rốt cục, lại thành ra gây khó cho các doanh nghiệp làm ăn đứng đắn.
Tuy nhiên, theo Tổng Cục Hải quan cho biết, vì quy định hiện nay quá thông thoáng nên đã có hiện tượng, một số doanh nghiệp lợi dụng, khai báo xuất khống, xuất khẩu hàng hóa thực tế không đúng chủng loại, số lượng như khai báo để được hưởng hoàn thuế….
Vì vậy, quy định phải tập kết hàng trước rồi mới mở tờ khai hải quan là nhằm phòng chống hành vi gian lận như trên.
Phạm Huyền
vietnamnet
|