Những kiến nghị lạc lõng
Việc sửa đổi Luật doanh nghiệp (DN) năm 2005 đã chính thức triển khai. Ban soạn thảo đã công bố dự thảo lần thứ 2 của Luật DN sửa đổi để xin ý kiến nhân dân và cộng đồng DN.
Cần tiếp tục tạo môi trường thông thoáng hơn, giảm thiểu những thủ tục hành chính không cần thiết để người dân, DN thuận lợi hơn trong gia nhập thị trường.
|
Ban soạn thảo đưa ra định hướng cho việc sửa đổi Luật DN gồm: Tiếp tục kế thừa và phát huy tinh thần của Luật DN 2005; tiếp tục mục tiêu Luật DN 2005 đã đề ra nhưng chưa đạt được; bãi bỏ, sửa đổi các nội dung quy định hiện hành không còn phù hợp hoặc không còn hợp lý so với sự phát triển kinh tế - xã hội, thông lệ quốc tế tốt và bổ sung quy định điều chỉnh một số vấn đề thực tiễn mới xuất hiện... Điều đó có nghĩa là, cần tiếp tục tạo môi trường thông thoáng hơn, giảm thiểu những thủ tục hành chính không cần thiết để người dân, DN thuận lợi hơn trong gia nhập thị trường.
Tuy nhiên, trong việc góp ý cho dự thảo Luật DN sửa đổi vẫn có không ít ý kiến khá lạc lõng cho rằng, phải siết chặt hơn nữa, kiểm tra chặt chẽ hơn nữa việc thành lập DN, lý do: Lợi dụng sự thông thoáng của Luật DN, trong thời gian qua đã có không ít DN thành lập chỉ để mua, bán hóa đơn; khai gian vốn điều lệ; gian dối cả về thành viên góp vốn/cổ đông sáng lập...
Cần tiếp tục tạo môi trường thông thoáng hơn, giảm thiểu những thủ tục hành chính không cần thiết để người dân, DN thuận lợi hơn trong gia nhập thị trường.
|
Đó là những kiến nghị đi ngược lại xu thế và thông lệ quốc tế hiện nay. Theo khảo sát của Euro Charm, có tới 45% số DN được hỏi cho rằng các thị trường khác trong ASEAN là điểm kinh doanh tốt hơn Việt Nam. Theo Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, thủ tục hành chính luôn là rào cản lớn nhất cho các DN FDI; khối DN trong nước đang yếu đi rất nhiều so với những năm trước, đã có rất nhiều thủ tục mới phát sinh, chỉ để “hành” DN. Vì vậy, Luật DN sửa đổi không thể tạo thêm những rào cản đối với việc thành lập DN.
Thêm nữa tại Hiến pháp 2013, Điều 33 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Khoản 3 Điều 51 Hiến pháp 2013 ghi nhận: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, DN và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh...”.
Như vậy, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo đúng tinh thần của Hiến pháp rất cần được lưu ý.
Hơn nữa, hiện tượng DN “thành lập chỉ để mua, bán hóa đơn; khai gian vốn điều lệ; gian dối cả về thành viên góp vốn/cổ đông sáng lập” là có thật. Nhưng, số đó chỉ chiếm phần trăm rất nhỏ trong khoảng 500.000 DN đang hoạt động hiện nay. Vì vậy, “siết chặt hơn” tức là “đánh nhầm hơn bỏ sót”! Nguyên tắc đó không thể chấp nhận trong quản lý kinh tế nói chung, quản lý DN nói riêng.
Điều không bình thường là cho đến nay, không ít cơ quan quản lý nhà nước vẫn mang nặng tư duy “không quản được thì cấm”. Bản chất của tư duy đó chỉ nhằm tạo ra những thuận lợi cho cơ quan quản lý, đẩy khó khăn cho DN. Thậm chí, không hiếm trường hợp ra sức bảo vệ cho việc “đẻ” thêm thủ tục là vì lợi ích cục bộ, không xem xét đến quyền lợi DN.
Thực tiễn đòi hỏi cần nhanh chóng sửa đổi, khắc phục những bất hợp lý nhiều năm của Luật DN, Luật Đầu tư 2005, bảo đảm sự đồng bộ của các chính sách có liên quan đến DN.
Việc có những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược trong một vấn đề lớn như sửa đổi Luật Đầu tư, Luật năm 2005 là có thể hiểu được. Tuy nhiên, những yếu kém trong quản lý kinh tế, quản lý DN tích tụ nhiều năm được bộc lộ rõ ràng hiện nay đang đòi hỏi cần có sự đổi mới triệt để trong tư duy để tạo ra những đột phá mới, đáp ứng sự kỳ vọng cả các nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước
Luật gia Vũ Xuân Tiền
Công thương
|