Công nghiệp hỗ trợ: Vẫn loay hoay câu chuyện giải pháp
Giữ vai trò quan trọng đối với công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, tuy nhiên việc phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam vẫn đang yếu thế khi phần lớn sản phẩm công nghiệp hỗ trợ vẫn phải nhập khẩu.
Sản xuất động cơ cho các loại máy nông nghiệp. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)
|
Đây là rào cản cho mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, giảm sự hấp dẫn của môi trường đầu tư và là trở ngại lớn trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia phấn đấu tới năm 2020 đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp.
Mặc dù câu chuyện về giải pháp cho công nghiệp hỗ trợ đã được đặt ra từ nhiều năm nay, song cho đến lúc này, các chuyên gia kinh tế cho rằng sự hạn chế phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ chủ yếu do các chính sách về công nghiệp hỗ trợ còn thiếu và chưa đủ mạnh.
Nỗi lo vẫn còn
Mặc dù trong năm 2013, cả nước nhập siêu 500 triệu USD, trong hai tháng đầu năm nay, cả nước xuất siêu 244 triệu USD nhưng trong cơ cấu hàng nhập khẩu, các doanh nghiệp đang lệ thuộc vào nguồn vật liệu nhập ngoại. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu chủ yếu là làm gia công nên xuất khẩu càng cao thì nhập khẩu lại càng lớn. Điều này giải thích nguyên nhân vì sao ngành dệt may, giày dép, đồ gỗ có tới 80-85% nguyên liệu sản xuất đầu vào đều phải nhập khẩu. Đơn cử như nguyên liệu bông nhập khẩu cho ngành dệt may hiện chiếm đến 99% nhu cầu, trong khi nguồn bông trong nước chỉ đáp ứng 1%. Do đó, nếu lấy kim ngạch xuất khẩu trừ đi kim ngạch nhập khẩu thì giá trị gia tăng của các ngành này mang lại không cao.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội da giày-túi xách Việt Nam cho biết hiện, tỷ lệ nội địa hóa ngành chỉ chiếm 40-45% (chủ yếu là giày và chỉ khâu và một phần da nguyên liệu sản xuất hàng trong nước). Chính vì thế mà các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu trong ngành hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Australia và Canada...
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng thừa nhận, việc cải thiện năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp hỗ trợ đang trở nên khó khăn, vì không còn hàng rào bảo hộ các doanh nghiệp sản xuất trong nước như trước. Trong bối cảnh này, nếu chính sách nhà nước không phù hợp thì công nghiệp hỗ trợ không phát triển được.
Ông Tuyển cho rằng hệ thống chính sách dành cho ngành công nghiệp hỗ trợ cần phải gắn chặt với các chính sách về cơ cấu kinh tế và phát triển vùng. Trước thực tế đó, Bộ Công Thương đã đề ra một loạt giải pháp kiềm chế nhập siêu nhưng lại chỉ tập trung vào nhóm hàng hóa cần hạn chế và cần kiểm soát nhập khẩu, trong khi tỷ trọng của hai nhóm này chỉ chiếm 16.9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.
Ngược lại, nhóm hàng cần nhập khẩu (gồm máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, kể cả sản xuất hàng xuất khẩu...) chiếm tỷ trọng khoảng 87,7% kim ngạch nhập khẩu nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu trong việc giảm nhập khẩu đối với nhóm này.
Đi tìm giải pháp
Để có thể giảm nhập siêu mặt hàng nguyên liệu dành cho sản xuất hàng xuất khẩu thì việc quy hoạch, phát triển công nghiệp hỗ trợ là điều cần thiết. Bên cạnh đó, cần gia tăng xuất khẩu những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh về nguyên liệu như mặt hàng nông, lâm, thủy sản.
Theo tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, Chính phủ đã quan tâm đến phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng quan trọng là các ngành, các lĩnh vực phải xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ cho từng lĩnh vực. Mặt khác, các ngành cần có định hướng rõ ràng rằng sản phẩm làm ra cung cấp cho ai, làm sao tham gia vào chuỗi cung ứng. Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách vốn vay để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ, tạo hành lang pháp lý cho các vụ tranh chấp thương mại, bảo vệ sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, chính sách thuế cũng cần thay đổi để khuyến khích đầu tư công nghiệp hỗ trợ.
Ông Lê Quang Lân - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng ngành công thương nên chọn 20 nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn để khuyến khích sản xuất trong nước chứ không nên quá chú trọng việc hạn chế những mặt hàng tiêu dùng có giá trị nhập khẩu không nhiều. Ngoài việc đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, việc đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế về nguyên liệu cũng là giải pháp giảm nhập siêu hữu hiệu.
Tuy nhiên, để giảm nhập siêu, ông Lân cho rằng giải pháp quan trọng hơn cả là phải giảm dần việc nhập khẩu nguyên liệu sang nhập khẩu máy móc hiện đại từ thị trường các nước phát triển. Việc làm này là động thái nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩuViệt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ theo hướng phát triển các chuỗi giá trị khi mà sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp này sẽ là đầu vào của doanh nghiệp khác. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp bớt phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập ngoại và tạo sự gắn kết và có cơ hội trở thành nhà cung cấp linh kiện cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, qua đó tiếp thu chuyển giao công nghệ ngay ở trong nước...
Ông Hirokazu Yamaoka, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO) khuyến cáo Việt Nam cần có các chính sách đào tạo nhân lực bài bản để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng chuỗi cung ứng toàn cầu. Không những thế, Việt Nam là một nước đang phát triển nhưng nếu hội tụ đủ những điều kiện kinh tế nhất định, biết tận dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, nắm được thời cơ và chọn đúng hướng đầu tư với quy mô và bước đi thích hợp, với sự hỗ trợ về chính sách của Chính phủ và sự nỗ lực của các doanh nghiệp thì công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ có bước phát triển mới.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng cũng như các ngành công nghiệp khác, ngành công nghiệp hỗ trợ cũng rất cần mặt bằng để phát triển, vì thế Chính phủ nên dành quỹ đất hợp lý cho các khu công nghiệp hỗ trợ, trong đó có đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ như nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ kiểm định chất lượng, dịch vụ tài chính...
Hơn nữa, cần xây dựng các cụm công nghiệp hỗ trợ tập trung ở một số khu vực, địa phương. Tuy nhiên, nhân tố chính trong phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn là doanh nghiệp. Vậy nên, doanh nghiệp cần đa dạng hóa trong hợp tác, hỗ trợ, tận dụng thế mạnh, kỹ năng của nhau để đưa ra được các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và tăng liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài... để có thể tham gia vào chuỗi cung cấp sản phẩm. Đã đến lúc ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần một tâm thế sẵn sàng cho “cuộc chơi” mang tính quốc tế./.
Uyên Hương
vietnam+
|