Hiệp hội chủ hàng: Các hãng tàu vẫn bắt tay nhau tăng cước
Các hãng tàu nước ngoài cứ cách vài tháng thông báo tăng giá cước hoặc phụ phí hàng trăm đô la Mỹ mỗi container hàng hóa xuất nhập khẩu với những lý do chung chung và mơ hồ. Đầu tháng 4 này các hãng tàu lại tiếp tục tăng giá cước. Hiệp hội chủ hàng Việt Nam (VNSC) cho rằng việc tăng giá cước đã làm đội chi phí và giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
TBKTSG Online đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thông, Tổng thư ký VNSC xoay quanh vấn đề này.
TBKTSG Online: Mới đây, các hãng tàu lại tiếp tục tăng giá cước các tuyến đi châu Âu và Mỹ lên hàng trăm đô la Mỹ/một container. Ông nhận xét gì về tình hình này?
-Ông Phan Thông: Quá trình tăng giảm cước hay các phụ phí có thể nói là thường xuyên và không có quy luật. Tất cả đều phụ thuộc vào tình hình kinh tế chung và các biến động nhiên liệu, tiền tệ… liên quan đến hoạt động vận tải.
Việt Nam cũng không phải ngoại lệ và từ trước đến nay vẫn như vậy. Vấn đề là việc tăng cước, phát sinh phụ phí không được kiểm soát. Tăng cước còn được thông báo trước nhưng áp dụng các phụ phí ra sao thì không được kiểm soát. Các chủ hàng không nắm được lý do vì sao phát sinh và áp dụng trong bao lâu. Kinh tế càng khó khăn, cạnh tranh càng nhiều thì sự thiếu minh bạch để thu lợi càng nhiều.
Hiệp hội đã hoặc sẽ có những đề xuất hoặc giải pháp như thế nào với cơ quan quản lý để cải thiện tình hình và thực hiện đúng và đủ vai trò đối trọng với các hãng vận tải trong những vấn đề liên quan đến cước hàng, phụ phí, chi phí…?
- Hiệp hội đã đề cập đến xây dựng cơ chế kiểm soát việc áp dụng cước và các phụ phí. Mức cụ thể là do cơ chế kinh tế thị trường điều tiết và thỏa thuận trên từng hợp đồng giữa chủ hàng và hãng tàu nhưng thể thức áp dụng cần được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước liên quan để kiểm soát và tình hình thực hiện cần được Hiệp hội Chủ hàng thay mặt cho các chủ hàng, chủ yếu là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam, thương lượng và theo dõi để đảm bảo quyền lợi cho mình.
Cách đây vài tháng Hiệp hội Chủ hàng châu Á, mà Hiệp hội chủ hàng Việt Nam là một thành viên, thông tin về việc Hiệp hội chủ hàng Sri Lanka ban hành luật hạn chế việc thu phí và xếp dỡ tại cảng và một số loại phụ phí của các hãng tàu. Thông tin đó mang thông điệp gì và có thể gợi ra những giải pháp nào cho tình hình các hãng tàu thu phụ phí ở Việt Nam, thưa ông?
- Các hãng tàu được tự do định giá trong thương mại vận chuyển bằng đường biển là nguyên nhân khiến Chính phủ Sri Lanka ban hành lệnh cấm nói trên. Đấu tranh cho việc minh bạch cước và các phụ phí đường biển luôn là đề tài tại mỗi cuộc họp của các hiệp hội chủ hàng quốc gia, châu lục. Thông tin tích cực kể trên do Hiệp hội Chủ hàng châu Á thông báo cho các hiệp hội chủ hàng quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.
Tôi cho rằng việc ban hành luật trên có thể thấy quyết tâm không ngừng nghỉ của Sri Lanka. Hiệp hội chủ hàng của nước này đã làm đúng phương pháp hướng tới mục tiêu bảo vệ những doanh nghiệp xuất nhập khẩu trước những cái có thể cho là “bắt tay” của các hãng tàu cùng tăng giá cước.
Chủ hàng các nước cũng đã nhiều lần lên tiếng về các hãng tàu liên kết định giá cước nhưng tình hình đến nay chưa có nhiều cải thiện, chủ hàng vẫn phải “bấm bụng” trả tiền sau mỗi lần hãng tàu thông báo tăng giá cước, theo ông nguyên nhân là vì đâu?
- Trong thương mại vận chuyển đường biển, thế mạnh đang thuộc về các hãng tàu, còn các chủ hàng chưa có đủ lực để cân bằng trong khi Chính phủ chưa quan tâm đúng mức đến các chủ hàng xuất nhập khẩu.
Tác hại của những cái “bắt tay” giữa các hãng tàu và độc quyền trong quyết định giá cước phí vận tải là gì?
-Chi phí lưu thông hàng hóa cao, ảnh hưởng đến các hợp đồng mua bán xuất nhập khẩu và làm giảm sức mua của người tiêu dùng. Với các biến động khó lường trong phụ phí, những người làm xuất nhập khẩu còn bị động trong các đàm phán và hợp đồng ngoại thương. Thu lợi của các hãng tàu nhiều lên nhưng tiền cước chuyển về hãng tàu mẹ nên các quốc gia có hoạt động vận tải biển cũng không thu được lợi gì từ thuế.
Xin cảm ơn ông!
Thái Hằng
TBKTSG
|