Chuyển giá: “Lỗ hổng” từ chính sách
Nhiều doanh nghiệp (DN) đang khai thác triệt để những kẽ hở của luật pháp trong quản lý, điều hành nhằm giảm tối đa chi phí, tăng lợi nhuận. Trong đó, hoạt động chuyển giá được không ít DN FDI lợi dụng.
Chống chuyển giá còn hạn chế
Điều tra mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có 20% DN đã thực hiện chuyển giá. Trong đó, hành vi này được thực hiện bởi 65,1% DN được khảo sát có lợi nhuận lớn hơn 20% và 44,5% DN lợi nhuận từ 10-20%... Kết quả điều tra cũng cho thấy 90% DN hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm; 70% DN lĩnh vực sản xuất dệt may; 51% DN lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô... thực hiện chuyển giá.
DN thực hiện chuyển giá chủ yếu do chính sách thuế hay thay đổi và cao hơn các nước khác của Việt Nam. Phần lớn các hoạt động chuyển giá đang diễn ra xuất phát từ việc DN muốn chuyển lợi nhuận về nước để được hưởng thuế suất thấp hơn.
Có 3 luồng chuyển giá chính. Luồng thứ nhất, do hàng hóa tiêu thụ trong nước rất khó để có thể tăng giá tùy tiện so với mặt bằng chung, vì vậy họ phải tìm cách nâng chi phí đầu vào. Có nhiều chỗ để họ nâng giá như thiết bị vật tư, nguyên liệu, định mức tiêu hao vật tư trên đơn vị sản phẩm, chi phí phân bổ từ công ty mẹ. Luồng thứ hai, họ né bằng cách hàng sản xuất Việt Nam được xuất qua một nước trung gian, từ công ty nước trung gian đưa vào châu Âu. Những nước trung gian này là những nước có thuế suất thấp. Hiện có hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ có thuế suất thuế thu nhập DN bằng 0. Luồng thứ ba, họ vận dụng cả 2 hình thức trên. Nguyên liệu do công ty đưa vào, công ty mẹ lại bao đầu ra nên khi gia công 1 cái áo là có giá 2USD, công ty mẹ chỉ ký hợp đồng gia công 1,5USD nên sinh ra lỗ, không thể trả lương cho công nhân là lao động trong nước cao.
Thực tế, chuyển giá diễn ra ngày càng phổ biến, tinh vi, đa dạng, trở thành thách thức không chỉ đối với cơ quan thuế, mà cho cả nền kinh tế. Bởi chuyển giá không chỉ gây thất thu ngân sách, mà còn làm méo mó môi trường đầu tư, cạnh tranh không bình đẳng với DN trong nước, lãng phí tài nguyên, khoáng sản của đất nước.
Trong khi đó, chống chuyển giá đang kém hiệu quả. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, một phần do ngành Thuế chưa có điều kiện đầu tư đầy đủ cho xây dựng cơ sở dữ liệu, trong khi đây là lĩnh vực hết sức phức tạp. Cơ quan thuế địa phương chưa bố trí nguồn nhân lực riêng, thiếu sự phối hợp với các cơ quan có liên quan như hải quan, ngân hàng, thống kê... khi thực hiện chống chuyển giá. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động chuyển giá mới chỉ thực hiện trên phạm vi hẹp tại một số địa phương.
Cần duy trì luật thuế ổn định
Nhận thức được vấn đề, Bộ Tài chính đã sớm xây dựng khung khổ pháp lý về công tác quản lý thuế, đồng thời phê duyệt chương trình kiểm soát chống chuyển giá. Tổng cục Thuế cũng thành lập tổ nghiên cứu xây dựng biện pháp nghiệp vụ chống chuyển giá, làm cơ sở để chỉ đạo thực hiện thông suốt từ trung ương đến địa phương. Qua thanh tra, cơ quan thuế đã ấn định lại doanh thu và truy thu thuế, điều chỉnh giảm lỗ đối với nhiều trường hợp vi phạm. Đến nay, toàn ngành thuế đã rà soát đưa vào quản lý 3188 DN có giao dịch liên kết phải thực hiện việc kê khai thông tin; hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc quản lý thuế đối với hoạt động chống chuyển giá.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần bổ sung Luật Quản lý thuế, việc cho phép áp dụng phương pháp xác định giá trước, nghĩa là DN nộp thuế và cơ quan thuế thỏa thuận phương pháp xác định giá với giao dịch liên kết trong một khoảng thời gian nhất định. Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng cần rà soát, điều chỉnh theo hướng thu hẹp khoảng cách về các ưu đãi thuế giữa các ngành, lĩnh vực và vùng miền, địa phương. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông dữ liệu, thông tin về DN FDI trong các cơ quan chức năng của Việt Nam để có sự phối hợp đồng bộ.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, ông Edmund Malesky, Trưởng nhóm nghiên cứu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) về hoạt động chuyển giá trong DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) cho rằng, một trong những giải pháp tốt đó là giảm thuế thu nhập DN xuống mức thấp hơn hoặc xóa bỏ thuế thu nhập DN và đánh thuế thu nhập cá nhân cao hơn. Đấy là chiến lược mà các quốc gia như Ireland và Singapore đã thử nghiệm. Còn nếu không, điều đơn giản nhất mà Việt Nam nên làm là duy trì luật thuế ổn định.
Nguyễn Hải
công thương
|