Ngành Da giày: Tăng đơn hàng xuất khẩu, có tăng lợi nhuận
Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, trong tháng 1-2014, kim ngạch XK da giày, túi xách đạt trên 1,3 tỉ USD, tăng trên 12% so với cùng kì năm 2013. Năm 2014, đơn hàng của ngành da giày khá dồi dào. Tính đến thời điểm hiện nay, phần lớn các DN đã có đơn hàng đến tháng 6, tháng 7, nhiều DN đã có đủ đơn hàng để sản xuất trong 8 tháng đầu năm.
Năm nay phần lớn các DN trong ngành da giày đều phải bắt tay vào sản xuất sớm hơn mọi năm do đơn hàng nhiều. Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư kí Hội da giày TP.HCM cho biết, hoạt động XK của ngành da giày năm nay khá khả quan.
Đến thời điểm này phần lớn các DN đã có đơn hàng đến tháng 6, tháng 7, nhiều DN đã có đủ đơn hàng đến tháng 8-2014. Theo bà Trần Ngọc Liên, Giám đốc Công ty Giày Liên Phát, tuy sản lượng XK tăng cao trong tháng đầu năm là thường lệ của ngành da giày trong nhiều năm nay nhưng trong thực tế đơn hàng XK của ngành da giày trong năm 2014 cũng rất dồi dào, dự báo có thể tăng từ 15-20% so với năm 2012, 2013.
Nguyên nhân là do các DN từ Nhật Bản và Mỹ đã tập trung nhiều đơn hàng sang Việt Nam để đón đầu Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bên cạnh đó, hiện tại sản xuất da giày tại Trung Quốc không còn phát triển mạnh như trước đây nên các đơn hàng từ Trung Quốc phải chuyển sang các nước Đông Nam Á khác mà chủ yếu là Việt Nam do Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động.
Mặc dù vậy, theo nhận định của các DN, XK da giày, năm nay có nhiều khả năng tăng trưởng cao về sản lượng, đơn hàng, tuy nhiên khả năng tăng trưởng kim ngạch thì còn hạn chế do giá XK da giày không tăng. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tăng trong khi giá gia công không tăng cũng đang ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của các DN da giày.
Theo ghi nhận của Hội da giày TP.HCM, tình hình lao động sau Tết của các DN da giày nhìn chung khá ổn định. Phần lớn lao động đã trở lại làm việc ngay sau kì nghỉ Tết. Tuy không xảy ra tình trạng biến động lao động như mọi năm nhưng nhiều DN da giày vẫn có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động để mở rộng sản xuất.
Theo bà Trần Ngọc Liên, năm nay nhu cầu về lao động của ngành da giày, dệt may đều khá cao do đơn hàng về nhiều. Bước sang năm mới, hầu hết các DN da giày, dệt may tại tỉnh Bình Dương đều tuyển dụng thêm lao động và mặc dù lượng lao động đến đăng kí tuyển dụng khá dồi dào nhưng một số DN cũng phải cạnh tranh mới tuyển được lao động phù hợp.
Năm 2014, cũng được đánh giá là một năm thuận lợi cho hoạt động XK da giày nhờ tác động tích cực từ các Hiệp định ưu đãi thuế quan từ các thị trường NK chính như EU, Mỹ và ASEAN. Đặc biệt, trong khuôn khổ đàm phán TPP, bên cạnh dệt may, giày dép được xem là mặt hàng sẽ được hưởng lợi nhiều và kì vọng gia tăng XK thông qua cơ hội tiếp cận thị trường Hoa Kì, Nhật Bản hay các thị trường tiềm năng mà Việt Nam chưa kí kết các Hiệp định thương mại tự do như Canada, Mehico, Peru…
Với các cơ hội như trên, mục tiêu kim ngạch XK được ngành da giày, túi xách đặt ra năm 2014 ít nhất sẽ phải đạt 12 tỉ USD, tăng khoảng 15% so với năm 2013.
Nguyễn Huế
hải quan
|