Hiệp định TPP: Đàm phán cấp bộ trưởng sẽ nối lại vào giữa tháng 3
12 quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kỳ vọng vòng dàm phán cấp bộ trưởng tiếp theo vào giữa tháng 3 sẽ có thể xử lý các vấn đề còn vướng lại. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò “quan trọng và thuyết phục” tại TPP.
“Nút thắt” đàm phán Mỹ-Nhật
Đây là thông tin được Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đưa ra trong báo cáo về kết quả vòng đàm phán lần thứ 20 tại phiên họp chính phủ thường kỳ cuối tháng 2. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, vướng mắc chính cản TPP đạt thỏa thuận vẫn là giữa Nhật và Mỹ. Nhật muốn Mỹ cho Nhật mở cửa “có mức độ” đối với nhóm 5 mặt hàng nông nghiệp được cho là nhạy cảm với nước này, bao gồm gạo, đường…
Các nhà đàm phán TPP tại Singaopore
|
Cả 2 vòng đàm phán song phương Mỹ-Nhật tại Singapore đều không mang lại kết quả, khi Mỹ giữ thị trường ô tô, còn Nhật quyết “đóng” 5 mặt hàng nông nghiệp. Đây là lý do khiến vòng đàm phán các bộ trưởng thương mại tại Singapore gặp khó khăn, vì quan hệ song phương Nhật-Mỹ chi phối quan hệ các nước trong TPP – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định.
Mỹ và Nhật Bản là hai nền kinh tế lớn nhất trong số 12 nước hiện tham gia đàm phán TPP, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Theo dự kiến, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm Nhật Bản vào tháng 4.2014, và đây được kỳ vọng là mốc quan trọng cho việc kết thúc đàm phán TPP.
Bộ trưởng Công thương cho biết, sau nhiều cố gắng, vai trò Việt Nam tại vòng đàm phán TPP ngày càng quan trọng, giúp thuyết phục cả phía Nhật và Mỹ chấp nhận thực tế để Nhật để mở cửa có mức độ. Đồng thời, hạn chế về số lượng và chủng loại các sản phẩm nông nghiệp Mỹ xuất vào Nhật, với cơ chế hạn ngạch. Nhờ những đóng góp của Việt Nam trong việc tháo gỡ rào cản này, những ngày cuối của cuộc đàm phán TPP lần thứ 20 tại Singapore đã “mở hơn” – Bộ trưởng Công thương cho hay.
Việt Nam sẽ không nhượng bộ về dệt may và da giày
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định sẽ đàm phán quyết liệt với Mỹ về mở cửa thị trường dệt may và da giày. Riêng VN và Mỹ cũng còn vướng mắc vấn đề lao động. Ông kỳ vọng, với chỉ đạo của chính phủ và Thủ tướng, tiến trình đàm phán TPP sẽ thuận lợi hơn.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, ban đầu, khi Việt Nam mới tham gia TPP, các nước khác cho rằng “Việt Nam sẽ là cản trở lớn nhất, vì có nền kinh tế yếu kém và còn nhiều vấn đề”. Nhưng hiện nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia có vị trí trung bình trong 12 nước TPP, trong lúc Malaysia trước “tưởng thuận lợi giờ thành khó khăn”. “Ngay cả Brunei tưởng như không vướng, hóa ra lại vướng mục doanh nghiệp nhà nước. Vì quốc gia này phát triển nhờ khai thác dưoầu khí là chính, và do Quốc vương trực tiếp chỉ đạo, nên nếu bây giờ TPP yêu cầu họ công khai, minh bạch cũng khó” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.
Ông khẳng định, Việt Nam luôn duy trì tinh thần tích cực, xây dựng khi tham gia TPP, song nếu như không đạt “cốt lõi kinh tế là da giầy và dệt may thì sẽ không nhượng bộ”. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, nếu tham gia TPP thành công, thỏa thuận này sẽ giúp gỡ vướng cho Việt Nam trong các xung đột thương mại liên quan đến Luật trang trại (Farm Bill) hay chống bán phá giá.
Ngoài Hiệp định TPP, Bộ trưởng Công thương kỳ vọng Việt Nam sẽ hoàn tất 2 thỏa thuận thương mại quan trọng khác trong năm 2014, gồm Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh Châu Âu, và Liên minh thuế quan với Nga, Belarus và Kazakhstan. Ông cho rằng, cả 2 thỏa thuận sau đều có khả năng sẽ kết thúc đàm phán cuối năm nay.
Phương Thùy
lao động
|