Dồn sức tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Trong ngày 28/2, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 2 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, thống nhất đánh giá: “Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đạt kết quả tích cực, đúng hướng trên hầu hết các lĩnh vực”.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bán, thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Ảnh minh họa
|
Có được kết quả đó, theo nhận định của Chính phủ là nhờ nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và nhân dân cả nước, tạo điều kiện thuận lợi, không khí phấn khởi và niềm tin để phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng tiếp theo.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận trong 2 tháng đầu năm, tình hình sản xuất kinh doanh, tiếp cận vốn của DN tiếp tục khó khăn trong khi tổng phương tiện thanh toán tăng thấp, tổng dư nợ tín dụng giảm, đang ứ đọng tiền mặt tại các tổ chức tín dụng, số DN giải thể, ngừng hoạt động tăng 12,2% so với cùng kỳ, tổng dư nợ tín dụng giảm, dịch bệnh và thời tiết ảnh hưởng đến nền nông nghiệp, tình hình tai nạn giao thông và cháy nổ diễn biến phức tạp…
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung giải ngân cho các công trình xây dựng cơ bản, làm mọi thủ tục để cấp các nguồn vốn cho tốt, không để “dồn vào cuối năm”; tập trung xử lý hiệu quả nợ xấu của các tổ chức tín dụng và DN, phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), kiểm soát lạm phát thấp hơn (khoảng 6%) trong năm 2014, đẩy mạnh xuất khẩu, phòng, chống dịch bệnh trong nông nghiệp, hỗ trợ người dân ổn định sản xuất và đời sống sau thiên tai.
Thủ tướng cũng yêu các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt cần xúc tiến ngay các công việc cụ thể để triển khai kế hoạch tái cơ cấu DN nhà nước theo đề án đã được phê duyệt, trong đó tập trung đẩy mạnh cổ phần hóa, bán, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, tăng cường quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát đối với các DN nhà nước; tập trung chăm lo đời sống cho người dân, nhất là người nghèo, gia đình chính sách, không để thiếu đói trong mùa giáp hạt, hạn chế sự lây lan của dịch cúm, xử lý kiên quyết hơn nữa đối với những hành vi không chấp hành các biện pháp an toàn để phòng, chống dịch cúm gia cầm, nhất là việc mua bán gia cầm qua biên giới không đúng qui định; triển khai có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, rà soát, bổ sung kinh phí để thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo.
Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính, xây dựng các văn bản qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm chất lượng và tiến độ để mọi việc được tiến hành thông suốt, không để tồn đọng; triển khai đồng bộ các giải pháp giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn và giảm thiểu tai nạn giao thông, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận tải, tăng cường kiểm tra phòng chống cháy nổ, nhất là tại các khu đông dân cư, cơ sở sản xuất kinh doanh, trụ sở làm việc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ cũng đã bàn về việc xử lý những trường hợp “cắt xén gạo cứu đói của Chính phủ cấp cho người nghèo” và giao Bộ Tài chính cùng các Bộ liên quan tập hợp, báo cáo sớm về việc 4 hãng sữa đồng loạt tăng giá sữa đối với trẻ em dưới 6 tuổi. “Số phận” cầu Long Biên cũng đã được đưa ra trao đổi tại phiên họp Chính phủ tháng này.
Tuy nhiên, “Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ có quyết định phù hợp nhất sau khi tính toán, cân nhắc và tổng hợp ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý và người dân” – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết tại cuộc họp báo sau phiên họp.
Hương Giang
Báo pháp luật
|