Làm gì cho công nghiệp ô tô phát triển?
Với một ngành công nghiệp lắp ráp ô tô, một thị trường nhỏ bé, với những chính sách còn nhiều vướng mắc - trong khi lộ trình thuế suất thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN về Việt Nam bằng 0% vào năm 2018 đã cận kề - giải pháp nào để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp ô tô sống và phát triển?
Khi những chính sách thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đang dần tiến về mốc số 0% và thời gian để tăng tốc xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có đủ sức cạnh tranh với sản phẩm 100% ngoại nhập chỉ còn chưa đầy 4 năm nữa. Không ít các chuyên gia đã nhận định rằng, cánh cửa cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam coi như đã đóng lại. Tuy nhiên, vẫn có những quan điểm lạc quan hơn, cùng với nhận định là còn một cơ hội cuối cùng cho công nghiệp ô tô Việt Nam nếu biết tận dụng hàng rào kỹ thuật với các chính sách thuế, phí - Việt Nam nên xác định ngay và tập trung vào dòng xe chiến lược. Nhiều quan điểm còn khẳng định, Việt Nam không thể không phát triển công nghiệp ô tô - với tất cả những gì đã có, đã làm và cả cơ hội mà nó mang lại trong tương lai.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Việt Nam hiện có 18 doanh nghiệp FDI và 38 doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất, lắp ráp ô tô với năng lực khoảng 460.000 xe/năm (trong đó có 200.000 xe con, 215.000 xe tải và các loại xe khác). Trung bình mỗi năm đóng góp hơn 1 tỷ USD cho ngân sách nhà nước - chỉ riêng các khoản thuế. Hiện tại có hơn 60 nghìn lao động làm việc trong các nhà máy, công ty thành viên của VAMA. Nếu tính cả số lượng công nhân làm việc cho các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) cùng các DN sản xuất xe 2 bánh, các nhà cung cấp thiết bị lắp ráp, đại lý phân phối... thì số lượng người làm việc trong ngành ước khoảng 125.000 người… Và khoảng 500.000 nghìn người đã và đang được hưởng lợi gián tiếp thông qua các lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp ô tô, xe máy.
Theo Phó TGĐ Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) Vũ Quang Tâm, ngành công nghiệp ô tô không đơn thuần chỉ là ngành sản xuất mang lại thu nhập, công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp nguồn thu cho Nhà nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, là cơ sở, động lực để phát triển các ngành công nghiệp khác. Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là, phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nếu không phát triển ngành công nghiệp ô tô cũng sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu này.
Việc hỗ trợ ngành cần phải được thực hiện đồng bộ cả 2 lĩnh vực: hỗ trợ trong lĩnh vực đầu tư phát triển sản xuất, trong đó có cả việc đầu tư nâng cao năng lực sản xuất lắp ráp ô tô và đầu tư cho ngành công nghiệp phụ trợ trên quan điểm thu hút được các nhà sản xuất danh tiếng nước ngoài tham gia để tận dụng nguồn lực và học hỏi được các kỹ thuật, công nghệ, kỹ năng quản lý của họ. Xây dựng và duy trì quan hệ tốt với các nhà sản xuất này để các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Có như vậy mới có thể có bước đột phá cho ngành này phát triển. Đồng thời, chính sách cho ngành ô tô cần hướng vào việc đẩy mạnh sản xuất các loại xe có tỷ lệ nội địa hóa cao thông qua các công cụ tài chính.
Phát triển ngành sản xuất ô tô nước ta là việc phải làm, đến thời diểm này chỉ còn 4 năm nữa là phải mở cửa thị trường hoàn toàn trong khối ASEAN. Nhu cầu sử dụng ô tô sẽ ngày càng tăng. Nếu sản xuất trong nước không đáp ứng được thì chúng ta sẽ tốn một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu xe nguyên chiếc. Hơn thế nữa, nếu ngành công nghiệp ô tô thất bại thì hậu quả sẽ không chỉ với ngành ô tô mà còn với nhiều ngành công nghiệp khác. Do vậy phải quyết liệt vào cuộc với sự tham gia đồng thuận, tích cực từ tất cả các ngành liên quan các nhà hoạch định chính sách, các nhà sản xuất ô tô để có chiến lược, quy hoạch, các cơ chế chính sách cụ thể phù hợp cho phát triển ngành ô tô…
Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có một Quy hoạch tổng thể trong Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn Việt Nam 2030. Tuy nhiên, việc chậm có Quy hoạch này không có nghĩa là không còn cơ hội. Và có cơ hội cũng có nghĩa là sẽ có giải pháp - nếu chúng ta thực sự quyết tâm thực hiện.
Phạm Linh
đại biểu nhân dân
|