Thứ Hai, 10/03/2014 21:46

Mía đường: Rối rắm xuất-nhập khẩu!

Hiện một số công ty đường tại Việt Nam đang cố tìm mọi cách để xuất khẩu đường với số lượng càng nhiều càng tốt để tránh phải cạnh tranh trực tiếp với đường nhập lậu từ Thái Lan có giá thấp hơn ở ngay trên thị trường nội địa và để giảm lượng hàng tồn kho đang tăng.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đến hết tháng 2-2014, lượng đường tồn kho tại các nhà máy, công ty thương mại là hơn 514.000 tấn, tăng khoảng 100.000 tấn so với cùng kỳ năm 2013.

Đẩy mạnh xuất khẩu để né đường nhập lậu

Trên thị trường thế giới, có hai xu thế quan trọng: ở Thái Lan, sản lượng đường sẽ tăng và giá sẽ giảm trong khi ở thị trường Trung Quốc nhu cầu tiêu thụ đường tăng mạnh.

Thái Lan dự báo sẽ đạt sản lượng đường kỷ lục 11,3 triệu tấn trong niên vụ 2013/2014 vì thế VSSA cho rằng, không sớm thì muộn sẽ có một lượng đường lớn từ Thái Lan được đưa vào Việt Nam qua các tỉnh biên giới Tây Nam.

Theo VSSA, hiện giá đường trắng bán tại các nhà máy sản xuất đường trong nước dao động ở mức trên dưới 12.500 đồng/kg trong khi giá đường nhập lậu từ Thái Lan vào những ngày đầu tháng 3-2014 ở các tỉnh biên giới Tây Nam là 11.500-11.600 đồng/kg. Giá đường xuất khẩu sang Trung Quốc là 13.100 đồng/kg.

VSSA cho biết, năm 2013 có khoảng 400.000 tấn đường của Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam và năm nay con số này sẽ không giảm mà có thể cao hơn vì giá đường của Thái Lan đang có xu hướng giảm.

Đường Thái Lan được nhập lậu vào Việt Nam quanh năm và số lượng nhiều hay ít phụ thuộc vào hoạt động của lực lượng phòng chống buôn lậu: nếu tăng cường kiểm soát đường nhập lậu thì lượng đường đưa vào trong thời điểm đó giảm và ngược lại.

Theo dự báo, trong vụ mía 2013/2014, sản lượng đường Trung Quốc vào khoảng 14,2 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ nội địa lên đến 16,3 triệu tấn, nghĩa là năm nay Trung Quốc có thể sẽ thiếu hụt khoảng 2 triệu tấn đường.

Trong tình hình thị trường như vậy, dù đã được Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu 200.000 tấn đường song VSSA vẫn kiến nghị được xuất khẩu thêm 300.000-400.000 tấn nữa để tận dụng cơ hội nhu cầu của thị trường Trung Quốc đang lớn.

Những năm trước phải đến tháng 4 hoặc tháng 5 doanh nghiệp mới tính chuyện xuất khẩu đường vì phải chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) cân đối cung-cầu tiêu thụ trong nước, tránh tình trạng khan hàng, giá tăng. Năm nay, ngay từ tháng 1, bộ này đã dự báo lượng Việt Nam có khả năng sẽ dư thừa khoảng 200.000-300.000 tấn đường. Trên cơ sở tính toán này, Bộ Công Thương mới cho phép một số doanh nghiệp xuất khẩu 200.000 tấn đường để giảm áp lực tồn kho cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo VSSA hạn ngạch xuất khẩu đó vẫn quá nhỏ.

Rắc rối nhập khẩu đường

Tuy thừa đường nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu đường.

Thông thường, vào tháng 8 hằng năm Bộ Công Thương cấp hạn ngạch nhập khẩu đường cho các doanh nghiệp. Đây là thời điểm cuối niên vụ mía đường nên bộ này mới xem xét cấp hạn ngạch để tránh chuyện doanh nghiệp từ chối mua đường từ các nhà máy trong nước.

Năm nay vào cuối tháng 2, Bộ Công Thương đã ấn định lượng đường nhập khẩu cả năm là 77.200 tấn theo hạn ngạch cam kết khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Lượng đường nhập khẩu này (gồm đường tinh luyện và đường thô) phải được chế biến thành đường tinh luyện trước khi bán ra thị trường.

Tuy nhiên, rắc rối nằm ở chỗ, trong hạn ngạch 77.200 tấn đường này có phần đường mà Công ty Hoàng Anh-Gia Lai sản xuất ở Lào hay không?

Năm ngoái 2013, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai có đề nghị bán cho Công ty cổ phần đường Biên Hòa khoảng 40.000 tấn đường thô để chế biến thành đường tinh luyện xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Bộ Công Thương cho biết, hạn ngạch nhập khẩu đường đã được cấp hết cho các doanh nghiệp nên không thể cho Hoàng Anh Gia Lai bán đường về Việt Nam trong năm 2013.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc đường Biên Hoà, trong một lần trả lời phỏng vấn với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã cho biết, căn cứ trên những quy định hiện hành thì công ty đường Biên Hòa chỉ có thể mua đường của Hoàng Anh Gia Lai vào năm 2014 và số đường này phải nằm trong hạn ngạch nhập khẩu của Việt Nam theo cam kết khi gia nhập WTO.

Theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký VSSA, hiện Bộ Công Thương đã đưa ra con số về hạn ngạch nhập khẩu đường cho năm 2014 nhưng thời gian cụ thể khi nào doanh nghiệp được nhập khẩu thì vẫn chưa có. Ông Hải cũng cho biết thêm, Bộ Công Thương đã đồng ý cho Hoàng Anh Gia Lai nhập về Việt Nam đường thô sản xuất ở Lào với số lượng 30.000 tấn nhưng vẫn chưa có thông tin về thời gian đưa về nước. "Hiện hiệp hội chưa nhận được văn bản nào để biết 30.000 tấn đường của Hoàng Anh Gia Lai sẽ nhập về có nằm trong hạn ngạch nhập khẩu hay không. Chúng tôi chưa nhận được văn bản chính thức nên không thể cung cấp thông tin cụ thể", ông Hải nói.

Ngọc Hùng

tbktsg

Các tin tức khác

>   EVFTAL: Áp lực lớn với cả nông nghiệp và công nghiệp Việt Nam (10/03/2014)

>   Doanh nghiệp FDI được hưởng quá nhiều ưu đãi? (10/03/2014)

>   Nhiều loại cây trồng chịu sức ép từ TPP (10/03/2014)

>   VNPT sẽ ra sao khi mất MobiFone? (10/03/2014)

>   Các khu kinh tế cửa khẩu: “Ôm” rượu bia ngoại chờ giải cứu (10/03/2014)

>   Áp giá trần cho sữa: Cũng chỉ để dọa? (10/03/2014)

>   Luật doanh nghiệp sửa đổi sẽ tạo “cú huých” cho kinh doanh? (10/03/2014)

>   Phân bón tăng giá nhẹ nhưng không đáng ngại (09/03/2014)

>   Liên tục xuất siêu vào Nhật Bản (09/03/2014)

>   36.000 tỷ đồng xây nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (09/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật