Thứ Tư, 19/03/2014 10:03

Khi kinh doanh theo chuỗi

Lạm phát và khó khăn kinh tế hơn hai năm qua ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực bán lẻ trong nước, đặc biệt là các mặt hàng thời trang trung và cao cấp. Nhiều trung tâm thương mại (TTTM) tại TPHCM và Hà Nội rơi vào cảnh thừa gian hàng cho thuê do khách thuê trả lại mặt bằng.

Thậm chí, một số TTTM do hoạt động kém hiệu quả đã phải chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác, hoặc đóng cửa, hoặc chuyển nhượng mặt bằng. Những trường hợp này thường rơi vào các chủ đầu tư ít kinh nghiệm quản lý TTTM hoặc chỉ điều hành duy nhất một trung tâm riêng lẻ.

Trong khi đó, ở những trung tâm mua sắm lớn được phát triển theo chuỗi như Parkson, Lotte hay đại siêu thị Big C, lượng khách thuê gian hàng khá ổn định mặc dù việc kinh doanh của một số nhãn hàng chưa hẳn tốt. Vì sao vậy?

Hàng hiệu tiếp tục đến

Trung tâm Robins đầu tiên của tập đoàn bán lẻ Central Group (Thái Lan) đang được gấp rút hoàn thiện trên diện tích 10.000 mét vuông tại tầng hầm B1 của Trung tâm Thương mại Royal City ở Hà Nội. Hàng trăm thương hiệu thời trang quốc tế và khu vực sẽ đi cùng với Central Group có mặt tại đây. Ở Thái Lan, Central Group có chuỗi TTTM Robinson hoạt động khá thành công.

Theo ông Alan Thomson, Chủ tịch Công ty Robinson Department Store Public - đơn vị quản lý hoạt động TTTM tại Việt Nam của Central Group, sẽ có hơn 100 nhãn hiệu thời trang nổi tiếng xuất hiện tại TTTM Robins... Một số nhãn hiệu nước ngoài lần đầu có mặt tại Việt Nam như Hush Puppies hay Scholl (giày dép). Sản phẩm dành cho trẻ em thì có các sản phẩm độc quyền của “Gift Gate Sanrio” và sự tham gia của Supersports - thương hiệu nổi tiếng về cửa hàng thể thao đa nhãn hiệu tại Thái Lan. Ông Thomson cho biết Robins cũng sẽ có mặt ở TPHCM vào cuối năm nay.

Gần đây, nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản là Aeon cũng vừa khai trương TTTM đầu tiên ở Việt Nam đặt tại khu đô thị Celadon City, quận Tân Phú, TPHCM. Ông Yasuo Nishitohge, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam, cho biết ngoài mô hình siêu thị “one-stop shopping”, Aeon Mall Tân Phú Celadon còn có khu kinh doanh tự chọn với hơn 120 gian hàng cho thuê. Bên cạnh nhiều thương hiệu Việt Nam cũng như quốc tế còn có khu vực Japan Selection bày bán những mặt hàng đặc trưng của Nhật Bản. Hàng loạt thương hiệu mỹ phẩm của Nhật cũng đi theo Aeon đến Việt Nam, trong đó có những thương hiệu thời trang mới lần đầu xuất hiện như Scalette, đồ lót Sicily... Aeon đặt mục tiêu phát triển 20 TTTM tại Việt Nam.

Nhưng một trong số ít nhà bán lẻ đưa hàng hiệu quốc tế vào thị trường trong nước sớm nhất phải kể đến Parkson (thuộc tập đoàn Lion của Malaysia). Cách đây hơn tám năm, khi Parkson tuyên bố thuê lại toàn bộ tòa nhà TTTM Saigontourist ở khu trung tâm quận 1, TPHCM, các nhãn hàng thời trang, hóa mỹ phẩm quốc tế và khu vực đã có mặt tại 75 TTTM của Parkson ở Malaysia và Trung Quốc lập tức theo Parkson đến Việt Nam. Đến nay, Parkson đã mở được chín TTTM tại Việt Nam, ngoài những khách hàng truyền thống còn thu hút thêm nhiều nhãn hàng mới.

Theo ông Tham Tuck Choy, Tổng giám đốc Parkson Việt Nam, định hướng của Parkson tại Việt Nam là nhắm vào giới tiêu dùng trung và cao cấp, đặc biệt là giới trẻ “yêu thích thời trang hàng hiệu”. Do đó, Parkson không ngừng tìm kiếm, mời gọi những nhãn hàng mới vào kinh doanh tại các TTTM của Parkson. Ông Choy cho biết ở những năm đầu tham gia thị trường Việt Nam, tập đoàn Parkson ghi nhận sự tăng trưởng khá tốt, 20%. Tuy nhiên, năm 2012 và 2013, mức tăng trưởng là... 0%. Nhưng đây là tình hình chung của các doanh nghiệp bán lẻ. Với chiến lược làm ăn lâu dài tại Việt Nam, Parkson tiếp tục đặt mục tiêu mỗi năm phát triển thêm hai TTTM.

Theo các nhà kinh doanh, đa số khách đến mua sắm tại các TTTM dạng này là những người trẻ tuổi, đã đi làm có tiền hoặc những người giàu thích hàng hiệu. Họ đến vì sự tiện lợi, có nhiều sự lựa chọn mua sắm, quan trọng hơn là hàng thật, không bị nhái.

Đi theo đến cùng?

Có thể thấy chiến lược của các nhà bán lẻ như Parkson, Aeon, Lotte, Robins, Sense City là tiếp tục mở rộng chuỗi TTTM. Và cùng với sự mở rộng này, thị trường bán lẻ trong nước sẽ đón nhận thêm nhiều nhãn hiệu thời trang, hàng hóa mới.

Trên thực tế, khách thuê mặt bằng kinh doanh ở những TTTM có vị trí tốt thường có thỏa thuận cam kết cùng đồng hành đến những TTTM mới. Điều này phần nào lý giải vì sao lượng khách đến tham quan, mua sắm tại một TTTM ở quận 7, TPHCM rất thưa thớt suốt hai năm qua nhưng trung tâm này vẫn duy trì được lượng khách thuê gian hàng khá cao.

Chủ kinh doanh một thương hiệu thời trang tại đây cho biết bà tin tưởng sự chuyên nghiệp của nhà điều hành sau khi đã kinh doanh tương đối thuận lợi tại TTTM của họ ở quận 1 và quận 5. Theo bà, nhà quản lý điều hành TTTM này đã xây dựng được thương hiệu khá tốt, trở thành điểm đến mua sắm quen thuộc của giới trẻ và những người yêu thích thời trang, hàng hiệu. Cũng không giống nhiều nơi chỉ biết tìm cách “phủ kín” diện tích cho thuê, họ luôn biết làm mới trung tâm, tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, sự kiện để thu hút khách, hỗ trợ khách thuê thông qua các nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng, thay đổi cách bài trí gian hàng sao cho hấp dẫn... Bà nhận xét: “Điều này đem lại hiệu quả cao cho người bán hàng, thể hiện trách nhiệm của nhà quản lý, chứ không như một số trung tâm hay siêu thị khác, cho thuê mặt bằng xong là quên luôn nghĩa vụ với chúng tôi...”.

Bà cũng cho rằng: “Đi cùng với những nhà quản lý (TTTM) chuyên nghiệp là một cách khẳng định thương hiệu sản phẩm, một cách xây dựng thương hiệu hiệu quả”.

Đối với các nhà kinh doanh nhãn hàng, một sản phẩm có mặt tại các TTTM này đồng nghĩa với thương hiệu và chất lượng sản phẩm đó đã được khẳng định, dù vậy, việc phải đi cùng với chủ đầu tư TTTM đến những trung tâm mới, nơi doanh số ban đầu thường là rất thấp, đặt ra cho họ không ít thách thức. Nó đòi hỏi khách thuê mặt bằng kinh doanh phải vững về tài chính để có thể chấp nhận lỗ trong khoảng thời gian chờ điều kiện thị trường trở nên thuận lợi hơn. Trên thực tế, không thiếu trường hợp khoản lợi nhuận từ việc kinh doanh ở những trung tâm có vị trí đắc địa không bù đắp nổi khoản lỗ ở những điểm mới mở, cuối cùng, khách thuê đành phải rút lui.

Quốc Hùng

tbktsg

Các tin tức khác

>   Bô xít Tây Nguyên dự kiến lỗ hàng nghìn tỷ đồng (19/03/2014)

>   Tồn kho phân ure tăng cao (19/03/2014)

>   Lần đầu tiên công bố bộ chỉ số ngành logistics Việt Nam (18/03/2014)

>   Vinalines có tân Tổng giám đốc (18/03/2014)

>   Doanh nghiệp cá tra hồi hộp chờ tin thuế từ Mỹ (18/03/2014)

>   Ai mua Zalo? (18/03/2014)

>   EVN chi 70 tỷ đồng mỗi ngày đảm bảo điện cho miền Nam (18/03/2014)

>   Bôxit Tây Nguyên tầm nhìn 2020: Tăng vốn, lỗ nặng (18/03/2014)

>   Quản lý vốn đầu tư của nhà nước vào DN: Thiếu cơ chế giám sát (18/03/2014)

>   Sức mua ôtô tiếp tục suy giảm (17/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật