Lần đầu tiên công bố bộ chỉ số ngành logistics Việt Nam
Ngày 18/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu và phát triển Logistics tổ chức lễ công bố bộ chỉ số ngành logistics (dịch vụ vận chuyển, giao nhận, kho bãi).
Đây cũng là lần đầu tiên ngành dịch vụ logistics có một bộ chỉ số được thiết lập, nhằm cung cấp một phần bức tranh thị trường dịch vụ đầy tiềm năng này.
Ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội giao nhận ASEAN cho biết bộ chỉ số ngành logistics được nghiên cứu, tham khảo dựa trên kinh nghiệm của các nước trên thế giới sẽ cung cấp những thông tin mang tính thực tiễn, giúp phần nào phác họa được bức tranh thị trường dịch vụ logistics, đồng thời đem thị trường logistics đến gần hơn với các nhà đầu tư tài chính.
Đây cũng là những nền móng đầu tiên để góp phần tạo dựng thông tin chuẩn cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam.
Với quy mô 20-22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước, những năm gần đây, ngành dịch vụ logistics đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế ở Việt Nam. Vì vậy, bộ chỉ số ngành ra đời, sẽ là bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển ngành dịch vụ này.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics, cả nước hiện có khoảng 1.200 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistis, chủ yếu về dịch vụ giao nhận vận tải, kho bãi, bốc dỡ, đại lý vận tải,... tập trung ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ngoại trừ các doanh nghiệp Nhà nước đang được cổ phần hóa, hầu hết các doanh nghiệp này có quy mô vừa và nhỏ, vốn điều lệ bình quân từ 4-6 tỷ đồng, tỷ lệ nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về logistics còn chiếm khá thấp, chỉ từ 5-7%.
Tuy nhiên, số vốn điều lệ, nguồn nhân lực, quy mô các công ty logistics,... đã được đầu tư và cải thiện hơn rất nhiều trong những năm gần đây. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu làm đại lý hoặc đảm nhận từng công đoạn cho các doanh nghiệp logistics quốc tế.
Bên cạnh đó, có 25 doanh nghiệp đa quốc gia hiện hoạt động trong lĩnh vực logistics ở Việt Nam, tuy nhiên các doanh nghiệp này đang chiếm tới 70-80% thị phần cung cấp dịch vụ logistisc.
Theo tiến sỹ Đặng Vũ Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics, bộ chỉ số ngành Logistics (còn gọi là VLI Logistics Index) là chỉ số được tính toán liên tục hàng ngày, luôn được cập nhật, cung cấp bức tranh qua chuỗi thời gian liên tục, làm cơ sở cho việc dự báo bằng các mô hình, phản ánh các sự kiện bất thường kịp thời giúp cho các nhà đầu tư đưa ra quyết định nhanh chóng.
Tương tự như chỉ số chứng khoán, chỉ số ngành logistics sẽ đem đến thông tin nhiều hơn để các nhà đầu tư có một góc nhìn khác về các công ty logistics niêm yết trên thị trường và là cơ sở để các quỹ đầu tư chỉ số quan tâm, đầu tư.
Ban Tổ chức cũng đã công bố chương trình bình chọn tốp 25 doanh nghiệp logistics Việt Nam, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành quan tâm, đầu tư thương hiệu bài bản để có thể lớn mạnh, cạnh tranh được với các thương hiệu quốc tế. Chương trình dự kiến sẽ công bố kết quả vào tháng Sáu tới./.
Hứa Chung
Vietnam+
|