Thứ Ba, 18/03/2014 07:06

Quản lý vốn đầu tư của nhà nước vào DN: Thiếu cơ chế giám sát

Việc “áp đặt đầy đủ kỷ luật thị trường” đối với các DNNN sẽ chỉ là “ước mơ xa” khi còn duy trì thế độc quyền nhà nước. Và điều này cũng chưa được dự thảo Luật Đầu tư và quản lý vốn đầu tư của Nhà nước vào DN thật sự coi trọng.

SCIC đã bán vốn thành công tại 580 DN với tổng giá trị sổ sách trên 1.800 tỷ đồng, thu về cho nahf nước trên 4.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với giá trị sổ sách (tính đến hết 31/12/2013)

Trước tình trạng kinh doanh kém hiệu quả, tham nhũng, lãng phí xảy ra khá phổ biến trong các DNNN trong thời gian qua, cộng đồng DN và công dân đã rất kỳ vọng vào Luật Đầu tư và quản lý vốn đầu tư của Nhà nước vào DN, tâm lý chung là chờ đợi một sự "đột phá" trong quản lý việc đầu tư vốn và hiệu quả của vốn nhà nước đầu tư vào DN.

Nút thắt “mô hình chủ sở hữu” chưa được tháo gỡ

Hiện có hai mô hình đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN gồm: Mô hình quản lý tập trung là mô hình giao trách nhiệm đại diện quản lý vốn nhà nước tại DN về một cơ quan của Chính phủ. Mô hình quản lý phân tán là mô hình phân cấp quản lý vốn nhà nước từ Thủ tướng Chính phủ, các Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh (theo quy định hiện hành, là mô hình được lựa chọn trong dự thảo).

Trong hai mô hình nêu trên, Dự thảo Luật được thiết kế theo mô hình thứ 2, tức là giữ nguyên như hiện nay. Rất đáng tiếc không có một thuyết minh nào về việc kiên trì với "lối cũ ta về" như trong dự thảo luật. Mô hình hiện nay là giữ nguyên cơ chế chủ quản. Cách đây 10 năm, việc nghiên cứu để xoá bỏ cơ chế chủ quản đã được đặt ra vì những lý do sau:

Thứ nhất, cơ chế cơ quan chủ quản là các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh không cho phép tách bạch giữa chức năng quản lý Nhà nước và chức năng quản lý kinh doanh. Đây là vấn đề đã được nêu trong rất nhiều nghị quyết, hội nghị, hội thảo. Nhưng đến nay chưa có hướng giải quyết và sẽ không giải quyết được nếu vẫn giữ mô hình hiện tại.

Thứ hai, cơ chế chủ quản như hiện nay đã biến các DNNN thành "cánh tay nối dài" của các cơ quan hành chính gồm các Bộ và UBND cấp tỉnh. Từ đó, yêu cầu công khai, minh bạch sẽ chỉ là quy định trên giấy mà thôi! Không ngẫu nhiên mà một số tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB...khi cho Việt Nam vay vốn thực hiện dự án đã đặt điều kiện: Những DN thuộc sự quản lý của chủ đầu tư (là các Bộ, Ngành, UBND cấp tỉnh) không được tham gia đấu thầu.

Thứ ba, cơ chế chủ quản hiện nay đã tạo ra những "doanh nhân bất đắc dĩ" khi giao cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm đại diện vốn Nhà nước tại DN. Đó là những quan chức, những chính khách không thể đủ điều kiện để trở thành doanh nhân ít nhất là về mặt thời gian.

Thứ tư, do có những "doanh nhân bất đắc dĩ" là các quan chức, công tác kiểm tra, thanh tra đối với các DNNN mà họ làm "đại diện chủ sở hữu" hầu như không có kết quả. Việc rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với Vinashin, Vinalies nhưng không phát hiện ra điều gì lớn là bằng chứng cụ thể và sinh động.

Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có đoạn: "Để phát huy tốt nhất quyền làm chủ của Nhân dân, Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển. Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội".

Từ phân tích trên và để mong muốn của người đứng đầu Chính phủ trong Thông điệp đầu năm trở thành hiện thực, xin đề nghị: Thiết kế lại dự thảo Luật theo hướng triệt để xoá bỏ cơ chế chủ quản.

Cách nào áp đặt DNNN vào kỷ luật cơ chế thị trường

Đặc biệt, việc áp đặt "kỷ luật thị trường" đối với các DNNN là vô cùng khó khăn. Bởi, "kỷ luật thép" của thị trường là người kinh doanh phải "lời ăn, lỗ chịu"; phải tự chịu trách nhiệm về số vốn đã bỏ ra để kinh doanh. Và, để gánh trách nhiệm đó, người kinh doanh phải là chủ sở hữu của số vốn đã bỏ ra, có đầy đủ các quyền của chủ sở hữu. Song, với các DNNN hiện nay thì không phải như vậy. Vốn được sử dụng cho kinh doanh của các DNNN là của nhà nước. Người sử dụng số vốn đó để kinh doanh, thực chất chỉ là người làm thuê cho nhà nước. Do đó, kinh doanh có lời họ phải nộp cho Nhà nước, nếu bị lỗ họ cũng chẳng mất gì. Với những DN kinh doanh trong lĩnh vực độc quyền như điện, xăng dầu... thì "lời ăn, lỗ dân chịu" là điều không có gì lạ. Vì vậy, sẽ không thể "áp đặt đầy đủ kỷ luật thị trường" đối với các DNNN khi chúng ta chưa tìm ra được chủ sở hữu thực sự của những DN này; khi chúng ta vẫn giữ quan điểm "sử dụng DNNN làm công cụ để bình ổn thị trường", tức là Nhà nước vẫn can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào hoạt động kinh doanh. Việc "áp đặt đầy đủ kỷ luật thị trường" đối với các DNNN sẽ chỉ là "ước mơ xa" khi còn duy trì thế độc quyền nhà nước và theo đó là độc quyền kinh doanh của một số ngành quan trọng; khi chúng ta chưa tách bạch được chức năng quản lý Nhà nước với chức năng quản lý kinh doanh của các Bộ, ngành và một số quan chức trong bộ máy công quyền; khi còn duy trì "cơ quan chủ quản" để tạo ra những "sân sau" cho không ít quan chức, công chức. Dự thảo Luật chưa có những chế tài để "hoá giải" những "nút thắt" nêu trên.

Hơn nữa, việc giám sát tài chính đối với DNNN quả thực đang... lực bất tòng tâm. Trước hết, câu hỏi được đặt ra là: ai là người giám sát? Dự thảo Luật quy định về Giám sát của Quốc hội và Giám sát của Chủ sở hữu gồm: Bộ quản lý ngành với tư cách là chủ sở hữu; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh với tư cách là chủ sở hữu và cơ quan quản lý tài chính DN. Quy định đó không sai vì đó là chức năng, nhiệm vụ của những cơ quan nêu trên. Song, thực hiện việc kiểm tra, giám sát không phải là "cơ quan" mà là những con người cụ thể, có đầy đủ những nhu cầu như những người bình thường khác. Có căn cứ gì để đảm bảo rằng, người (hoặc những người) được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát không bị chi phối bởi những mối quan hệ lợi ích phức tạp, đan xen trong cuộc sống, không bị lôi kéo bởi lợi ích vật chất để đưa ra những kết luận sai sự thật ?

Thứ hai, có đủ nhân lực để thực hiện việc giám sát hay không cũng là vấn đề không kém phần quan trọng. Bởi lẽ, để giám sát trước, giám sát trong quá trình hoạt động kinh doanh của DN, người có chức năng giám sát không thể "giám sát từ xa" mà phải trực tiếp kiểm tra tại DN. Còn nhớ, ngay khi nhận chức, nguyên Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã dự kiến phương án Bộ Tài chính sẽ cử tới mỗi tập đoàn, tổng công ty, DNNN có quy mô lớn một cán bộ giám sát và làm việc toàn thời gian tại DN. Song, phương án đó đã không thể thực hiện do số cán bộ công chức sẽ tăng lên và cũng không có gì đảm bảo những "giám sát viên" biệt phái đó sẽ không bị mua chuộc.

Thứ ba, kiểm tra, giám sát như thế nào cũng là vấn đề không kém phần quan trọng. Bởi, nội dung kiểm tra, giám sát đòi hỏi rất toàn diện gồm: Giám sát việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại DN; Giám sát việc bảo toàn và phát triển vốn của DN; giám sát hoạt động kinh doanh của DN; giám sát việc thực hiện các chính sách đối với người lao động... Hơn nữa, hoạt động tài chính của DN, đặc biệt là với những DN có quy mô lớn như tập đoàn, TCty là vô cùng phức tạp. Những sai phạm được nguỵ trang rất tinh vi. Vì vậy, nếu không có trình độ của một Giám đốc tài chính hoặc một Kế toán trưởng DN lâu năm, người thực thi việc kiểm tra, giám sát chắc cũng..."múa tay trong bị"!

Trong việc đầu tư vốn vào DN, chỉ tiêu tổng hợp quan trọng nhất là hiệu quả sử dụng vốn được tính bằng khá nhiều chỉ tiêu, trong đó, được sử dụng phổ biến là chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế/ vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Hiệu quả sử dụng vốn mà Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Cty phải chịu trách nhiệm là bao nhiêu %/ vốn chủ sở hữu? Nếu không làm rõ, DN chỉ cần có lợi nhuận ở mức 1% đến 2% vốn chủ sở hữu cũng được coi là hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy, Nhà nước không nên đầu tư vào DN trong trong trường hợp này. Hơn nữa, nếu có DNNN thuộc quyền quản lý, hiệu quả sử dụng vốn là một số âm thì Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty có chịu trách nhiệm bồi thường không? Câu trả lời là: Không!

Vì vậy, còn rất nhiều “khoảng trống” để thực sự quản lý được DNNN.

Nguyên tắc đầu tư vốn Nhà nước vào DN

Để không làm lãng phí nguồn vốn nhà nước và bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đảm bảo các mục tiêu xã hội đồng thời không được tạo ra các ưu đãi bất bình đẳng tại các DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và các DN có vốn Nhà nước so với các loại hình DN khác, dự thảo đã quy định việc đầu tư vốn nhà nước phải đảm bảo 5 nguyên tắc.

Thứ nhất, đầu tư vốn nhà nước vào DN để tạo ra ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, đảm bảo phục vụ quốc phòng, an ninh, phải thực hiện điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô mang tính chiến lược trong từng giai đoạn; Thứ hai, đầu tư vốn nhà nước vào DN phải đúng mục tiêu, có hiệu quả, phù hợp với từng dự án đầu tư và phải thực hiện công khai, minh bạch; Thứ ba, đầu tư vốn nhà nước để góp vốn thành lập DN, hợp tác kinh doanh với các thành phần kinh tế khác phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và chấp thuận; Thứ tư, đầu tư vốn nhà nước phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, tránh dàn trải, lãng phí, thất thoát; Thứ năm, gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư tại DN.

Dự thảo cũng quy định 6 hình thức đầu tư vốn nhà nước, đó là: Đầu tư thực hiện các dự án, công trình quan trọng của Nhà nước tại DN; Đầu tư thành lập mới DN; Đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho các DN để mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh, đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm môi trường, phục vụ an ninh, quốc phòng; Đầu tư để tăng tỷ lệ vốn góp hoặc duy trì quyền chi phối của Nhà nước tại Cty cổ phần, Cty TNHH nhiều thành viên; Mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ DN thuộc các thành phần kinh tế khác; Đầu tư thông qua SCIC.

Dự thảo đã hạn chế các hình thức nhận góp vốn đầu tư của DN. DN không được nhận vốn góp đầu tư của Cty con; Cty con do DN nắm giữ 100% vốn điều lệ, Cty hạch toán phụ thuộc không được góp vốn cùng DN để thành lập DN mới, không được góp vốn mua cổ phần khi cổ phần hóa Cty con khác trong cùng tập đoàn, tổng Cty hoặc tổ hợp Cty mẹ - Cty con; DN không được tham gia góp vốn mua cổ phần của các DN khác mà người quản lý, điều hành hoặc người sở hữu chính của DN này là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị em ruột của thành viên Hội đồng thành viên, kiểm soát viên, ban giám đốc và kế toán trưởng DN đo.

(trích dự thảo Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào DN)

Luật gia Vũ Xuân Tiền -Trưởng ban Tư vấn và Phản biện chính sách,
Hội Các nhà quản trị DN Việt Nam

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Sức mua ôtô tiếp tục suy giảm (17/03/2014)

>   Xuất khẩu tôm: Doanh nghiệp thiếu “thẻ thông hành” (17/03/2014)

>   2 nhà máy điện Cà Mau ngừng hoạt động vì sự cố (17/03/2014)

>   Toàn miền Nam trước nguy cơ thiếu điện (17/03/2014)

>   Khi SCIC vào cuộc (17/03/2014)

>   Việt Nam sắp đón siêu dự án 20 tỷ USD từ Mỹ (16/03/2014)

>   Phê duyệt chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1 (16/03/2014)

>   Mercedes quyết “vây” thị trường xe sang Việt Nam (16/03/2014)

>   TPP có “nhấn chìm” Ngành chăn nuôi trong nước? (16/03/2014)

>   Công ty ngại... thi hành án (16/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật