Phê duyệt chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1
Ngày 15/3, các Ủy ban Tài chính Ngân sách, Kinh tế và Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai và Tổng Công ty phát triển khu công nghiệp Sonadezi.
Buổi làm việc bàn về vấn đề tạo cơ chế chính sách để thực hiện chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1, nhằm giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm cho sông Đồng Nai.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý địa phương này phê duyệt đề án chuyển đổi khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị-thương mại-dịch vụ theo quy định hiện hành.
Tại công văn số 260, ngày 27/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải truyền đạt ý kiến của Thủ tướng chấp thuận một số cơ chế chính sách để Đồng Nai thực hiện trong việc chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1.
Cụ thể, doanh nghiệp thứ cấp trong khu công nghiệp này phải di dời đến địa điểm khác để đầu tư xây dựng lại nhà máy thì được hưởng các chính sách ưu đãi hiện hành theo ngành nghề và địa bàn đầu tư như doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới; giảm tối đa tiền sử dụng đất còn phải nộp sau khi khấu trừ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định đối với chủ đầu tư cấp 1 để hỗ trợ cho các doanh nghiệp di dời.
Thủ tướng đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cân đối quỹ đất tại các vị trí khác để bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho dự án theo thẩm quyền. Ngoài ra, các ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, tín dụng và các cơ chế ưu đãi khác thực hiện theo quy định hiện hành.
Tại buổi làm việc, đại diện các Ủy ban Tài chính Ngân sách, Kinh tế và Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị tỉnh Đồng Nai và Sonadezi cần cập nhật lại các thông tin về đề án, trong đó nói rõ những tác động của môi trường đối với sông Đồng Nai.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện có 107 doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh với trên 26.000 lao động. Đây là khu công nghiệp được xây dựng đầu tiên trong cả nước. Tại đây không chỉ có các nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước, mà còn có các doanh nghiệp của các bộ, ngành trung ương sản xuất kinh doanh từ nhiều chục năm nay.
Theo cảnh báo của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện mức độ ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai đoạn qua đô thị Biên Hòa đang báo động đỏ. Phần lớn nguồn thải gây ô nhiễm cho sông Đồng Nai là từ các khu công nghiệp, trong đó có khu công nghiệp Biên Hòa 1.
Sông Đồng Nai ô nhiễm làm ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20 triệu dân vùng hạ lưu như Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ông Trần Minh Phúc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho rằng khu công nghiệp Biên Hòa 1 đã xây dựng từ năm 1964, phần lớn các doanh nghiệp trong khu công nghiệp này đều sử dụng công nghệ lạc hậu, không có hệ thống xử lý nước thải riêng, do đó nguồn thải đã gây ô nhiễm nghiêm trọng cho sông Đồng Nai.
Theo ông Nguyễn Văn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, chủ trương chuyển đổi, di dời khu công nghiệp Biên Hòa 1 là đúng đắn và cấp thiết. Hiện nay, 20 triệu người dân nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang sử dụng nguồn nước sông Đồng Nai, do đó vấn đề xử lý ô nhiễm để bảo vệ dòng sông là hết sức cấp thiết.
“Nếu như đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường phải bỏ ra 1 đồng, thì việc xử lý hậu quả của môi trường phải mất 4 đồng. Do đó công tác bảo vệ môi trường cần phải đi trước một bước,” ông Văn nói.
Sau khi làm việc với Đồng Nai, đoàn công tác của Quốc hội sẽ hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban thường vụ Quốc hội để đưa vấn đề này ra Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.
Sỹ Tuyên
vietnam+
|