GS.TS Trần Thọ Đạt: Muốn thoát bẫy thu nhập trung bình, tăng trưởng phải trên 7,2%/năm
Sau nhận định của GS Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản, phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi riêng với GS.TS Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân về khả năng Việt Nam vướng bẫy thu nhập trung bình.
* Chuyên gia Nhật: "Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình"
Tại một cuộc hội thảo ở Đại học Kinh tế quốc dân mới đây, GS Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản đã cho rằng: Sau một vài năm đạt được thu nhập trung bình thấp, bẫy thu nhập trung bình không còn là một nguy cơ xa xôi mà đã trở thành thực tế cho Việt Nam.
Nhận định này của GS Kenichi Ohno đã thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu. GS.TS Trần Thọ Đạt cho biết: Hiện nay tính theo mức thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam đã vượt qua hàng ngũ các nước thu nhập thấp, chuyển sang hàng ngũ các nước thu nhập trung bình. Hàng ngũ các nước thu nhập trung bình lại phân ra làm hai ngưỡng là thu nhập trung bình thấp (thu nhập từ 1.000-4.000 USD/năm) và thu nhập trung bình cao (từ 4.000-11.000 USD/năm). Còn nước thu nhập cao là từ 11.000 USD/năm trở lên. Hiện nay thu nhập bình quân của Việt Nam xấp xỉ 2.000 USD/năm, điều đó có nghĩa Việt Nam nằm trong số những nước thu nhập trung bình thấp.
Nhưng trong một vài năm vừa qua, sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008-2009, nền kinh tế của chúng ta bắt đầu suy giảm. Trong vòng 2-3 năm gần đây tăng trưởng kinh tế chỉ đạt bình quân 5,5%/năm trong khi đó trước đây chúng ta tăng trưởng bình quân là 7,2%/năm.
GS.TS Trần Thọ Đạt cho biết: “Áp dụng công thức tính toán, chúng tôi tính được rằng để Việt Nam nâng cao thu nhập gấp đôi trong vòng 10 năm thì tăng trưởng phải đạt 7,2%/năm. Nhưng những năm vừa qua kinh tế nước ta chỉ tăng trưởng trung bình 5,5%, đây là mức tăng khá thấp so với tốc độ cần thiết để sau 10 năm gia tăng thu nhập bình quân đầu người lên gấp đôi”.
“Nhìn chung hiện nay chúng ta đã bước vào nước thu nhập trung bình thấp, nhưng để thoát khỏi ngưỡng thu nhập trung bình thấp thì phải duy trì tốc độ tăng trưởng cao trên 7,2%/năm, trong điều kiện mức tăng trưởng này kéo dài và bền vững. Nếu không nguy cơ Việt Nam vẫn chỉ ở trong nước thu nhập trung bình thấp là hiện hữu và nguy cơ ấy rất cao” – GS.TS Trần Thọ Đạt nhấn mạnh.
Để tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, theo vị chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân, Việt Nam cần rất nhiều việc phải làm.
Hiện nay Việt Nam đang ở giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Kinh nghiệm các nước cho thấy nếu trong giai đoạn này các nước tận dụng được cơ cấu dân số vàng thì tăng trưởng nhanh. Cơ cấu dân số vàng của Việt Nam ước tính kéo dài đến năm 2040.
“Cho nên từ nay đến 2040 phải tận dụng được lực lượng lao động này, nhưng phải là lao động có trình độ, có kĩ thuật, tức là nguồn nhân lực chất lượng cao” – vị chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ.
Mặt khác, động lực chính để một quốc gia tăng trưởng liên tục và bền vững trong rất nhiều năm là vấn đề năng suất, không chỉ là năng suất lao động của doanh nghiệp, của ngành mà còn là năng suất tổng hợp trong nền kinh tế được tác động bởi ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Vấn đề cuối cùng được GS.TS Trần Thọ Đạt chỉ ra là vấn đề thể chế: Các nước khác nhau thường có tốc độ tăng trưởng khác nhau, nhưng đều có 3 yếu tố tạo thành tăng trưởng là: vốn, lao động, công nghệ. Nhưng các nước khác nhau lại sử dụng 3 nguồn vốn này với hiệu quả khác nhau. Đây là do vấn đề thể chế.
“Nếu chúng ta có thể chế mới, tạo động lực để sử dụng hiệu quả hơn 3 nguồn lực đầu vào này thì chúng ta sẽ có một tốc độ tăng trưởng cao hơn so với việc chỉ sử dụng theo chiều rộng như trong thời gian vừa qua” – GS.TS Trần Thọ Đạt chia sẻ.
Lương Bằng
hải quan
|