Thứ Sáu, 28/03/2014 10:52

CPI giảm, doanh nghiệp càng khó khăn

Hôm 24-3, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,44% so với tháng 2 dù chỉ có 4/11 nhóm hàng giảm giá. CPI giảm, doanh nghiệp lại càng khó khăn.

Doanh nghiệp rất khó bán được hàng vì sức mua suy giảm

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói với TBKTSG rằng, doanh nghiệp khó hơn vì CPI giảm sẽ tạo dư địa cho các mặt hàng độc quyền do Nhà nước điều hành giá như xăng dầu, điện, nước… có điều kiện tăng giá, đẩy chi phí đầu vào biến động. Vấn đề nằm ở chỗ, trong bối cảnh sức mua yếu, tiêu thụ sản phẩm khó khăn thì doanh nghiệp sẽ không dám tăng giá, lợi nhuận suy giảm. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất bị ảnh hưởng sẽ kéo giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam giữa lúc các hiệp định thương mại, xóa bỏ thuế quan sắp có hiệu lực. “Doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị đo ván ngay trên sân nhà”, ông Long lo lắng.

Còn với nền kinh tế nói chung, theo ông Long, tác động đã rõ. Tuy GDP quí 1 tăng nhẹ so với cùng kỳ của hai năm gần nhất, 4,96% so với 4,75% và 4,76%, nhưng lại thấp hơn quí 1 năm 2010, 2011 (lần lượt là 5,97% và 5,9%). Những con số này cho thấy tăng trưởng không cao và được đặt trong bối cảnh kinh tế trì trệ.

Trong khi đó, CPI chỉ tăng 0,8% sau ba tháng, mức thấp nhất trong 13 năm qua. Nguyên nhân nằm ở sức mua yếu, người dân thắt chặt chi tiêu khiến tổng cầu giảm, hoàn toàn không phải do không còn lạm phát nên người dân không tích trữ hàng như giải thích của lãnh đạo cơ quan thống kê. Chính vì vậy, tình hình này kéo dài sẽ khiến đầu ra của doanh nghiệp bị nghẽn, hàng tồn kho tăng cao, sản xuất không phát triển. Hệ quả là nợ xấu không được giải quyết, tác động xấu đến nền kinh tế.

Bà Trinh Nguyễn, chuyên gia kinh tế của phòng Nghiên cứu kinh tế, Ngân hàng HSBC, cho rằng những con số về CPI cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đang xuống thấp. Bà cho rằng, ở thời điểm hiện tại, vấn đề của nền kinh tế Việt Nam là nợ xấu vẫn chưa được giải quyết, sức khỏe của doanh nghiệp nhỏ còn kém. Điều này tác động trực tiếp đến việc làm, thu nhập của người lao động và viễn cảnh trong tương lai. “Đó là lý do vì sao tiêu thụ trong mùa Tết rất thấp khi người tiêu dùng cố gắng tiết kiệm và dự phòng cho những ngày tiếp theo”, bà Trinh Nguyễn cho biết thêm.

Tuy vậy, các chuyên gia đều cho rằng không có chuyện giảm phát ở Việt Nam bởi CPI mới chỉ giảm tốc trong 1 tháng và vẫn có tăng trưởng. Bên cạnh đó, CPI tháng 3 giảm cũng là điều thường thấy sau tháng 1, 2 tăng. Ngược lại, nguy cơ lạm phát cao vẫn tiềm ẩn. Bởi lẽ, những vấn đề cốt lõi của nền kinh tế là hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, cơ chế, tham nhũng… vẫn chưa được giải quyết, “đụng đến lĩnh vực nào cũng có chuyện”. Ông Long cho rằng, lạm phát luôn là vấn đề song hành của một nền kinh tế thị trường. Vì vậy, kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên số 1 với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam và nếu hiện nay con số thấp thì cũng chưa vội mừng. Và lúc này, cơ quan quản lý, điều hành phải nhìn nhận thực tế một cách khách quan, trung thực, không tô hồng để có những chính sách điều hành sát thực tế, tránh được tình trạng tạo ra “niềm tin ảo”. “Lúc này cần nói ít mà làm nhiều”, ông Long nói.

Minh Tâm

tbktsg

Các tin tức khác

>   Chuyên gia Nhật: "Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình" (27/03/2014)

>   Nợ công & đầu tư công: Bài toán chưa lời giải (25/03/2014)

>   Sức mua và niềm tin (25/03/2014)

>   GDP quý 1 tăng cao nhất trong 3 năm (24/03/2014)

>   Vì sao lạm phát quý 1 thấp nhất 13 năm? (24/03/2014)

>   Mỗi người dân Việt Nam đang 'gánh' gần 20 triệu nợ công (24/03/2014)

>   GDP Hà Nội tăng chậm, TP HCM cao hơn cùng kỳ (21/03/2014)

>   Hơn 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp (21/03/2014)

>   CPI tại TPHCM giảm tốc (20/03/2014)

>   CPI tháng 3 tại Hà Nội giảm nhẹ (20/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật