Sức mua và niềm tin
Từ tăng thấp kéo dài, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 đã chính thức giảm 0,44% so với tháng trước và đây là mức giảm sâu nhất trong 5 năm qua. Nhìn trên "toàn cục" từ nuôi trồng, sản xuất và số lượng doanh nghiệp đóng cửa.... có thể thấy, tình trạng suy yếu của sức mua đang gây ảnh hưởng dây chuyền nghiêm trọng đến nền kinh tế.
Giảm mạnh nhất là giá thực phẩm trong đó giá thịt heo, gà, trứng đã xuống thấp hơn so với trước tết. Giảm giá được coi là giải pháp hữu hiệu nhất để kích thích tiêu dùng nhưng ở thời điểm này cũng không còn hiệu quả. Nông sản, hàng hóa ế ở khắp nơi. Các trang trại nuôi heo, gà đang sống dở chết dở vì không tiêu thụ được. Rất nhiều người trồng rau, củ, quả chỉ mong "lấy công làm lãi", thậm chí chấp nhận bán lỗ... cũng không có người mua.
Sức mua yếu, thậm chí có thể nói đã đến hồi nguy kịch là không cần phải bàn cãi. Nhưng nguyên nhân dẫn đến sức mua yếu đã có sự thay đổi. Nếu trước đây, sức mua yếu vì chi phí tăng (giá điện, xăng, nước, lãi suất...), thu nhập giảm thì hiện nay, có thêm một số lý do khác làm giảm sức mua. Đó là sự "chia sẻ" tiêu dùng cho hàng lậu, hàng giả, hàng nhái... ngày càng hoành hành công khai trên thị trường nội địa. Tiêu thụ thịt heo, gà nội địa giảm nhưng tiêu thụ thịt bò ngoại nhập đã tăng lên; hàng quần áo - thời trang trong nước ế ẩm nhưng hàng may mặc Trung Quốc giá bèo thống lĩnh các chợ; từ móc khóa, ổ điện, tăm tre cho đến hành, tỏi, rau, ớt... "chảy lậu" hằng ngày từ biên giới vào thị trường nội địa. Ở mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, các nhà sản xuất trong nước hầu như bất lực. Không có một định lượng cụ thể nhưng chắc chắn, đóng góp không nhỏ vào những chuồng trại đóng cửa vì thua lỗ, doanh nghiệp phá sản vì tồn kho... là từ sự chèn lấn của hàng lậu, hàng nhái, hàng giả...
Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn là niềm tin của người tiêu dùng đang giảm sút. Hàng độc hại, hàng không rõ nguồn gốc tràn lan ngoài thị trường không ai kiểm soát; các chương trình tái cơ cấu kinh tế triển khai chậm trễ, hầu như chưa có kết quả; chính sách hỗ trợ của Chính phủ không đến được tay người dân và doanh nghiệp (điển hình nhất là gói ưu đãi lãi suất 30.000 tỉ sau gần 1 năm triển khai vẫn ì ạch giải ngân); lãi suất tiếp tục cơ chế giảm đầu vào nhưng thả nổi đầu ra; số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động vẫn tăng mạnh những tháng đầu năm; nợ công tính theo đầu người năm nay đã tăng lên hơn 11% so với 2013 với mỗi người Việt gánh khoảng 20 triệu đồng. Và ngay tại lúc này, nghi án "lại quả" hàng triệu USD của công ty Nhật cho lãnh đạo đường sắt Việt Nam lại một lần nữa "khoét" sâu vào niềm tin vốn đã mong manh của người dân sau nhiều năm kinh tế khó khăn, khủng hoảng.
Tất nhiên, khi dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế chưa rõ ràng trong khi có quá nhiều vấn đề gây giảm sút lòng tin, tâm lý phòng vệ bằng cách "thắt lưng buộc bụng" sẽ gia tăng. "Công thức" chi tiêu được thiết lập theo hướng tối giản mọi nhu cầu ngoài chi phí thiết yếu. Điều này phù hợp với Báo cáo khảo sát toàn cầu về niềm tin người tiêu dùng mới nhất được hãng nghiên cứu thị trường Nielsen công bố. Theo đó, Việt Nam trở thành quốc gia tiết kiệm nhất trong khu vực ASEAN khi có 74% người tham gia khảo sát cho biết họ sẽ để dành tiền sau khi đã trang trải hết các sinh hoạt phí thiết yếu trong cuộc sống. Nói một cách dễ hiểu, họ không dám tiêu khi chưa nhìn thấy được tín hiệu lạc quan của kinh tế. Thế là hàng hóa sản xuất không bán được, doanh nghiệp chết trên đống tồn kho, hàng nhái, hàng lậu giá rẻ lũng đoạn thị trường...
Cứu sức mua, vấn đề cốt lõi chính hiện nay chính là khôi phục niềm tin của người dân qua việc thực hiện nghiêm túc và quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu kinh tế, xử lý nghiêm các vụ tham nhũng, hối lộ đang gây hoang mang trong dư luận. Nếu cứ "lòng vòng" với các giải pháp "cho có", kinh tế khó tránh được giảm phát.
Nguyên Hằng
Thanh Niên
|