Nợ công & đầu tư công: Bài toán chưa lời giải
Nhiều năm qua, do thất thoát trong đầu tư, tham nhũng, sử dụng nguồn vốn không hiệu quả … đã khiến cho con số nợ công tăng mạnh. Đến thời điểm hiện tại mỗi người dân đang gánh 886,36 USD nợ công tương đương 20 triệu VNĐ.
Vay nợ, thất thoát và nợ công
Đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock) trên trang The Economist.com cho biết, nợ công của Việt Nam đang ở mức trên 80,070 tỷ USD. Nghĩa là bình quân mỗi người dân Việt Nam đang gánh 886,36 USD nợ công, tăng 11,2% so với năm 2013.
Trong 3 năm qua, nợ công của Việt Nam không ngừng tăng trở thành bóng ma lớn. Sau mỗi năm, con số nợ công ngày một phình to. Nếu như năm 2010 tổng số nợ công của Việt Nam là 1.124,638 tỷ VNĐ, thì liền 2 năm kế tiếp con số tăng tiến lần lượt là 1.392,020 tỷ VNĐ, 1.1641,296 tỷ VNĐ.
Vào tháng 11 năm 2013, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức diễn đàn về phục hồi tăng trưởng, tái cơ cấu - cơ hội và thách thức. Tại đây CIEM đưa ra một số liệu quan trọng, nợ công của Việt Nam liên tục tăng, năm 2012 đã lên tới trên 1,6 triệu tỉ đồng (gần 80 tỷ USD). Như vậy, mỗi quý Việt Nam phải trả nợ gốc và lãi tới 25.000-26.000 tỉ đồng (trên 1 tỉ USD), tương đương 16% thu ngân sách. Tại bảng cân đối thu chi ngân sách quốc gia trong 2 tháng đầu năm, Bộ Tài chính cho biết, chi trả nợ và viện trợ bằng 105,5% so với cùng kỳ.
Vì đâu nên nỗi? Nguyên nhân sâu xa của nợ công xuất phát từ vấn đề đầu tư công. Trong khi tấm chăn ngân khố quốc gia có giới hạn, để có ngân sách xây dựng, đầu tư hàng trăm sân bay, cảng biển, đường quốc lộ… thì phải vay nợ nước ngoài. Nợ công là do thất thoát đầu tư công, hiệu quả đầu tư công không đi kèm với hiệu quả sử dụng. Càng xin vốn, vay vốn để đầu tư, nợ công càng nhiều. Cơ cấu nợ công chia theo chủ nợ trong năm 2012 của Việt Nam: nhà đầu tư trái phiếu 28%, Nhật Bản 17%, Ngân hàng Thế giới 13%, tồn ngân kho bạc nhà nước 9%, ADB 8%....
Tham nhũng vặt cộng lại?
Cuộc điều tra mới đây của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam đã chỉ ra, môi trường kinh doanh của Việt Nam kém hấp dẫn hơn nhiều về chi phí không chính thức. Nhà đầu tư nước ngoài xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang bằng với các nước láng giềng là Campuchia và Lào nhưng về mặt tham nhũng thì lại hơn.
Đầu tư công ở nước ta được xem là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh những thành công không thể phủ nhận, đầu tư công của Việt Nam đang còn nhiều hạn chế mà nổi lên là lãng phí và tốn kém. Dường như đang có một vòng xoáy: vay mượn, thất thoát, nợ công.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia kinh tế đưa ra ước tính ngân sách cần bỏ ra trung bình 15 tỉ USD/năm để đầu tư cơ sở hạ tầng theo đúng như quy hoạch đã được duyệt. Đây là con số khổng lồ so với quy mô của nền kinh tế Việt Nam. Các địa phương, ngành đua nhau xin vốn để đầu tư thêm dàn trải, phức tạp trong khi nguồn vốn có hạn.
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư nói, nếu vay nợ để hoạt động đầu tư hiệu quả, tạo ra công ăn việc làm thì là điều tốt. Ngược lại, vay nợ để các doanh nghiệp đầu tư thất thoát, đẩy chi phí cao thì sẽ là một gánh nặng đè lên vai người dân. Áp lực này được nhìn nhận đang san sẻ vào thuế, phí, và lạm phát.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, tham nhũng vặt và tham nhũng quy mô lớn đang tồn tại. Mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nỗ lực chống tham nhũng song những điều được phản ánh qua báo chí chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm. Nhiều vụ tham nhũng vặt cộng lại thành lớn.
Hàng loạt các công trình đầu tư công trọng điểm vẫn được diễn ra. Các doanh nghiệp nhà nước vẫn được hưởng đặc quyền đặc lợi trong phân bổ vốn và ngân sách. Giống như chuyện lời thì doanh nghiệp hưởng, lỗ dân chịu.
Ông Lê Đăng Doanh cho rằng, để hạn chế được thất thoát trong đầu tư công, giảm thiểu tham nhũng thì phải công khai minh bạch rất cao đối với toàn bộ hoạt động của bộ máy. Trước hết, điều đó thể hiện qua việc cơ quan quản lý phải trả lời được câu hỏi tiền để làm gì, tiền được chi tiêu ở đâu.
Thúy Hằng
Đại đoàn kết
|