Đầu tư ngoài ngành: Mới xử được phần nổi của “tảng băng chìm”
Câu chuyện 3 năm mới chỉ thoái được chưa đầy 1/5 lượng vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước là một trong những nội dung chính được đưa ra tại Hội nghị tổng kết về quá trình tái cơ cấu khối doanh nghiệp này vừa được Chính phủ tổ chức đầu năm nay. Tuy nhiên, con số cũng chưa phải là tất cả!
Đằng sau những con số là gì? Thực chất của việc thoái vốn nhà nước có đúng với mong muốn và quyết tâm hay không mới là điều cần phải làm rõ.
Mắc kẹt trong “tấm áo rộng”
Theo Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, trong 3 năm qua, các doanh nghiệp nhà nước đã thoái được 4.164 tỷ đồng trên tổng số 21.797 tỷ đồng đầu tư ra ngoài lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh, chỉ bằng 19% so với kế hoạch. Như vậy, trong 2 năm (2014-2015), các doanh nghiệp nhà nước sẽ phải thoái nốt 17.633 tỷ đồng vốn ngoài ngành. Đây quả là một con số không nhỏ cho một giai đoạn nước rút, song cũng không phải là “điệp vụ bất khả thi” nếu các doanh nghiệp nhà nước “đi đúng đường ray.”
Các chuyên gia cho rằng, con số 21.797 tỷ đồng đầu tư ra ngoài ngành tỷ đồng nếu đem so với tổng tài sản 2.570 nghìn tỷ đồng (năm 2012) của khối doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ thì quả là ít ỏi. (Số liệu từ Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, ngày 15/02/2014).
Song tại sao hoạt động thoái vốn ngoài ngành trong hai năm qua lại diễn ra chậm chễ như vậy? Để lý giải cho vấn đề này, đa số các ý kiến từ các doanh nghiệp nhà nước, cơ quan quản lý cho rằng nguyên nhân là do thị trường chứng khoán, bất động sản… giảm sút khiến cho việc thoái vốn gặp nhiều khó khăn, cũng như giá bán thấp hơn giá trị sổ sách…
Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương từng nhấn mạnh, việc thực hiện thoái vốn ngoài ngành đương nhiên đòi hỏi doanh nghiệp nhà nước phải đối mặt với những “cái được, cái mất.” Do đó, bên cạnh những lý do khách quan thì vẫn có những lý do khác như vì lợi ích cục bộ mà hoạt động thoái vốn bị trì hoãn trong thời gian qua.
Một thực tế là, thời gian qua, với các hoạt động đầu tư đầu tư tràn lan, đa ngành, đa nghề đã khiến nhiều doanh nghiệp nhà nước bị “kẹt” vốn, thậm chí là mất vốn tại những lĩnh vực đầu tư không thuộc thế mạnh của mình đồng thời gây ra tình trạng “sao lãng” những ngành nghề kinh doanh chính.
Các ngân hàng thương mại nhà nước-vốn là huyết mạch của nền kinh tế thì “vươn vòi bạch tuộc” sang cả xây dựng hạ tầng, bất động sản, nông nghiệp, dầu khí… Trong khi đó, các tập đoàn và tổng công ty nắm giữ các ngành nghề trọng yếu như xăng dầu, dầu khí, điện lực… lại “nhảy vào” lĩnh vực tài chính phức tạp như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán…
Sự tréo ngoe đó giờ đây cần phải được giải quyết triệt để. Song “bến đỗ” cuối là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), nơi tiếp nhận dòng vốn đầu tư ngoài ngành chưa được thị trường “hấp thụ”, cũng đang đứng trước áp lực thoái một lượng vốn “không nhỏ” từ nay đến năm 2015. Vậy thực chất, câu chuyện thoái vốn đang diễn ra như thế nào? Đây là một câu hỏi mà các chuyên gia đã không khó khi đi tìm câu trả lời…
Chạy quanh trong “bị”
Theo con số thống kê, đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2012 về lĩnh vực chứng khoán chiếm tỷ lệ đầu tư trên tổng tài sản là 0,07%, tỷ lệ đối với lĩnh vực quỹ đầu tư là 0,03%, bảo hiểm là 0,09%, ngân hàng là 0,82% và bất động sản 0,37%.
Tuy nhiên trên thực tế, mặc dù số vốn ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước là không quá lớn so với tiềm lực của khối này, song hoạt động thoái vốn lại đang diễn ra rất chậm chạp, đó là chưa kể trong tổng số 4.164 tỷ đồng vốn đã thoái thời gian qua thì có tới 3.894 tỷ đồng vốn được thoái trong nội bộ doanh nghiệp nhà nước. (Nguồn Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp)
Lý giải về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, việc các doanh nghiệp nhà nước sở hữu chéo khiến nguồn vốn trong nền kinh tế tăng ảo mạnh mẽ và giằng vào nhau, trong khi không thể kinh doanh gì “đẻ ra lãi” tương ứng với số vốn ảo đó được.
“Bên cạnh đó, các quyền lợi ‘ngầm’ ở bên trong khu vực kinh tế này rất lớn, nên không ai muốn cho các doanh nghiệp này phá sản đồng thời cũng không ai muốn chịu trách nhiệm.” ông Sơn nói.
Do vậy, nhiều chuyên gia kinh tế đã khuyến nghị Chính phủ cần phải thận trọng đối với những hoạt động thoái vốn mang tính chất đối phó nhằm né tránh các chế tài mạnh tay đã được ban hành. “Như, doanh nghiệp có thể lách các khoản đầu tư ra khỏi những khái niệm quy định về ‘vốn ngoài ngành’ trong sổ sách, hay thậm chí vẫn thoái vốn song nguồn đầu tư đó có ra được ngoài xã hội hay vẫn chỉ duy trì giữa các doanh nghiệp nhà nước với nhau,” một chuyên gia đưa ra ví dụ.
Tại hội thảo quốc tế mới đây về “Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính," Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng thừa nhận, “rủi ro phát sinh từ việc đầu tư đan xen giữa các định chế trên thị trường tài chính, nhất là giữa ngân hàng và chứng khoán, cũng như rủi ro phát sinh từ sở hữu chéo vẫn đang là những thách thức lớn.”
Để giải tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trên và đẩy nhanh tiến độ thoái 17.633 tỷ đồng vốn ngoài ngành đến hết năm 2015, Nghị quyết 15 của Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao SCIC xem xét, mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước sau khi đã thực hiện các biện pháp thoái vốn không thành công.
Nhưng trên thực tế, SCIC cũng đang phải “chật vật” thoái vốn các khoản đầu tư đang nắm giữ. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, về mặt lý thuyết, việc thoái vốn ra thị trường khó khăn thì chuyển hết về SCIC thì cũng như một số quốc gia đã áp dụng.
“Nhưng năng lực của SCIC đến đâu và họ có kế hoạch thoái khoản đầu tư này ra ngoài thị trường thế nào, thì giới chuyên gia cũng chưa thể đánh giá nổi,” vị chuyên gia này băn khoăn.
Hạnh Nguyễn
Vietnam+
|