Thứ Năm, 27/03/2014 09:58

Cẩn trọng khi thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá

Nghị quyết số 15 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp của Chính phủ đã cho phép thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp, sau khi trừ dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định… Nghị quyết này được cho là giải pháp mang tính đột phá, giúp đẩy nhanh hơn tiến độ thoái vốn và CPH doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, việc cho phép bán dưới mệnh giá rất có thể dẫn đến những kẽ hở dễ bị lợi dụng...

Ngay sau khi Nghị quyết số 15 của Chính phủ được ban hành, rất nhiều doanh nghiệp như được gỡ nút thắt cho bài toán thoái vốn ngoài ngành, bởi sẽ không còn sức ép phải bảo toàn vốn như trước nữa. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng bớt khó khăn hơn khi doanh nghiệp được phép thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp, sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định và trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (Vinacomin) Nguyễn Văn Biên cho biết, tập đoàn vẫn còn khoảng 1,5% vốn chủ sở hữu - tương đương khoảng hơn 500 tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán đang chờ cơ hội thị trường để thoái vốn. Cũng như nhiều tập đoàn kinh tế khác, Vinacomin rất muốn thoái nhanh khoản vốn đầu tư ngoài ngành, nhưng không dễ thực hiện do yêu cầu phải bảo toàn được vốn Nhà nước trong quá trình này. Do đó, ông Nguyễn Văn Biên cho rằng, Nghị quyết số 15 của Chính phủ là cơ sở để Vinacomin tiến hành thoái vốn để sớm tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính.

Các chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, cho phép thoái vốn dưới mệnh giá sẽ giúp tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có thể thực hiện nhiệm vụ này đúng thời hạn đã đề ra. Thực tế các lĩnh vực mà khối tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành thời gian qua chủ yếu là bất động sản, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm - những lĩnh vực đang ngày trở nên bão hòa và dường như không có sự biến động trong tăng trưởng nóng như trước nữa.

Theo Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành, cổ phần hóa quan trọng nhất không phải là tiền thu được hay bắt buộc bán vốn phải ngang hoặc cao hơn giá thị trường. Điều quan trọng nhất là làm sao để doanh nghiệp tìm được đối tác chiến lược tốt, có thể hợp tác để nâng cao khả năng cạnh tranh và trụ vững.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, việc cho phép thoái vốn dưới mệnh giá giúp doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong việc thoái vốn ngoài ngành, đồng thời giảm gánh nặng nợ khó đòi. Việc nới giới hạn sở hữu cổ phần đối với các ngân hàng nước ngoài đầu tư vào các ngân hàng trong nước cũng là một bước tiến.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Phong cũng cảnh báo, việc cho phép bán dưới mệnh giá rất có thể dẫn đến những kẽ hở dễ bị lợi dụng. Doanh nghiệp có thể định ra giá để tất toán thấp hơn nhiều so với giá thật, thậm chí là có sự bắt tay liên kết giữa một số cá nhân, đơn vị để trục lợi. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần thiết phải tạo lập được một bộ phận độc lập để xác minh đúng những giá trị thực các khoản tài sản/vốn đầu tư ra ngoài ngành cần phải thoái. Đồng thời, phải thực hiện hoạt động mua bán đấu giá trên TTCK một cách minh bạch, tránh trường hợp quân xanh quân đỏ, hoặc liên kết làm giá/ép giá. Và, nên có thêm những giải pháp bổ sung chế tài nghiêm trị những trường hợp vi phạm, kể cả người mua và người bán.

Mạnh mẽ hơn, chuyên gia tài chính Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, cần thành lập ủy ban quốc gia về thoái vốn đầu tư ngoài ngành, với sự tham gia của đại diện Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành. Cơ quan này có chức năng giám sát, thẩm định bổ trợ cho việc thoái vốn giữa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với các đối tác và ngân hàng. Ngoài ra, dù Nghị quyết 15 của Chính phủ cho phép việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có thể giao các ngân hàng thương mại nhà nước mua lại hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, nhưng các doanh nghiệp nên chủ động tìm kiếm đối tác để bán cổ phần, cổ phiếu của mình. Giải pháp này sẽ giúp tăng vốn chủ sở hữu, vừa giảm gánh nặng cho ngân hàng - bởi hiện nay, khối ngân hàng cũng đang trong quá trình tái cấu trúc lại hoạt động của doanh nghiệp - ngân hàng.

Nguyên Long

Đại biểu nhân dân

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp trở thành đại chúng trước 15/11/2013 không bị bắt buộc lên sàn (26/03/2014)

>   Doanh nghiệp chưa mặn mà trở thành đại chúng (27/03/2014)

>   Nhà Kiên Giang: Đấu giá hơn 12 triệu cp giá khởi điểm 10,000 đồng/cp (01/04/2014)

>   Sẽ IPO Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trong quý I/2015 (23/03/2014)

>   Vinalines chật vật tái cơ cấu (20/03/2014)

>   Cổ phần hóa 425 doanh nghiệp: Mục tiêu khó! (18/03/2014)

>   Công trình Giao thông 6 đăng ký bán đấu giá hơn 1 triệu cp (19/03/2014)

>   Chỉ bán được 567,400 cổ phần của Công ty Đăng kiểm Xe Cơ giới Tây Ninh (17/03/2014)

>   Proconco trở thành công ty cổ phần (20/03/2008)

>   4 nhà đầu tư đăng ký đấu giá cổ phần Than Miền Nam - Vinacomin (13/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật