Liên kết với doanh nghiệp FDI: Chính sách có, khởi động thế nào…
Hiện nay, mối liên kết giữa FDI với các DN địa phương khá yếu bởi các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển. Trong bối cảnh đó, các DN Việt Nam nên tiếp thu mạnh mẽ các kỹ năng quản lý cũng như công nghệ từ các đối tác FDI và Chính phủ cần tích cực hỗ trợ sự dịch chuyển này.
Tại Hội thảo “Khởi tạo động lực tăng trưởng mới: Tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI – nội địa”, do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội chủ trì, ngày 26/3/2014, các ý kiến tham luận cho rằng: tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam cần đi vào chất lượng thông qua nâng cao năng suất thay vì dựa vào vốn và lao động rẻ hiện nay.
Tăng trưởng phải gắn với năng suất
GS-TS. Trần Thọ Đạt, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng, tăng trưởng có được sau đổi mới chủ yếu là do đóng góp của các nhân tố theo chiều rộng, lao động rẻ, vốn và tài nguyên. Dường như dư địa cho tăng trưởng theo chiều rộng đã không còn, do vậy cần khởi tạo động lực mới để tiếp tục tăng trưởng bền vững và vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”.
Tuy nhiên, điều này chỉ có thể đạt được thông qua việc chuyển sang mô hình tăng trưởng mới dựa vào hiệu quả huy động các nguồn lực, nhằm tăng khả năng cạnh tranh công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ và tăng năng suất lao động, chuyển sang mô hình công nghiệp hóa phát huy lợi thế so sánh bậc cao bao gồm: lao động chất lượng cao, nguyên liệu tinh chế, vốn lớn, công nghệ hiện đại và sức mua cao. Đặc biệt là liên kết các DN nội địa với các tập đoàn đa quốc gia là một trong những hướng đi đúng đắn.
Trên thực tế, Việt Nam đã từng trở thành điểm thu hút FDI khá hấp dẫn. Số lượng vốn FDI tăng đột biến trong giai đoạn 2006-2008. Tuy nhiên, tỷ lệ vốn thực hiện trong năm 2008 chỉ đạt 16% là mức thấp nhất ghi nhận được. Các hoạt động thu hút FDI trong giai đoạn 2009-2013 bị chậm lại, tổng số vốn thực hiện khoảng 10-11 tỷ USD. Song đáng lo ngại hơn là các liên kết của FDI với các DN nội địa còn chưa đa dạng, do đó hạn chế tác động lan tỏa của các DN đến tăng trưởng trong thời gian qua.
“Vấn đề đặt ra với Việt Nam hiện nay là nâng cao chất lượng dòng vốn FDI và tăng cường các mối liên kết FDI với DN nội địa nhằm tạo ra giá trị nội tại để thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững. Có như vậy Việt Nam mới có thể rút ngắn được khoảng cách tụt hậu so với các nước và tránh được bẫy thu nhập trung bình mà nhiều quốc gia gặp phải”, GS-TS. Trần Thọ Đạt cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, song GS. Kenichi Ohno, Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản cho rằng, Việt Nam cần phải xác định 5 thành phần chính sách và phải được tăng cường, liên kết lẫn nhau. Đó là chiến lược FDI marketing; nâng cao năng lực DN trong nước; liên kết giữa DN FDI với DN nội địa; dịch vụ hậu cần hiệu quả; nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ông Ohno cũng cho rằng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần phải đi vào những nội dung cụ thể. Bởi lẽ, khi giai đoạn đầu của công nghiệp hóa đã được hoàn thành dễ dàng và đang phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm lại, mục tiêu chính sách quan trọng nhất là cần tạo ra đà tăng trưởng mới. Mục tiêu này phải không đơn thuần là mở rộng số lượng đầu vào lao động, DN, cơ hội thương mại, đầu tư trong nước, FDI, ODA hay dòng tài chính. Các yếu tố đó cần chuyển dịch từ việc tăng trưởng dựa trên số lượng hướng tới dựa vào chất lượng.
“Trong khuôn khổ đó, hai động lực cho hoạch định chính sách của Việt Nam cần xác định rõ ràng. Thứ nhất, tập trung nâng cao năng suất; Thứ hai, chuyển giao công nghệ thông qua liên kết FDI.
“Việt Nam nên tập trung vào năng suất như là điểm nhấn quan trọng của nỗ lực chính sách. Nói chính xác hơn, năng suất lao động là chìa khóa để xây dựng chính sách bởi nó liên quan trực tiếp đến bẫy thu nhập trung bình và giảm công nghiệp hóa”, GS. Kenichi Ohno phát biểu tại hội thảo.
Liên kết lỏng lẻo, Việt Nam bị tụt hậu
Theo các chuyên gia kinh tế, trong việc chuyển giao công nghệ thông qua liên kết FDI, năng suất tập trung của Việt Nam chủ yếu phải đạt được bằng cách tạo ra các mối quan hệ hiệu quả với khu vực FDI - khu vực kinh tế khá lớn mạnh của 2 thập kỷ hội nhập toàn cầu vừa qua. Tuy nhiên, hiện nay, mối liên kết giữa FDI với các DN địa phương khá yếu bởi các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển. Trong bối cảnh đó, các DN Việt Nam nên tiếp thu mạnh mẽ các kỹ năng quản lý cũng như công nghệ từ các đối tác FDI và Chính phủ cần tích cực hỗ trợ sự dịch chuyển này.
Bài học của Thái Lan là một ví dụ quan trọng. Thái Lan đã hoàn toàn chấp nhận các nguyên tắc thị trường và toàn cầu hóa bằng cách tạo dựng môi trường kinh doanh cởi mở, chào đón các công ty đa quốc gia nước ngoài, thiết lập nền tảng công nghiệp và kiềm chế lại mong ước sản xuất những chiếc xe hơi mang thương hiệu quốc gia. Ngành công nghiệp ô tô là ngành công nghiệp sản xuất hàng đầu tại Thái Lan và nước này cũng là nhà sản xuất xe hơi lớn nhất Đông Nam Á với sản lượng 2,45 triệu xe trong năm 2012, gần một nửa trong số đó được xuất khẩu.
Ngoài ra, Thái Lan nổi lên trên toàn cầu như một cơ sở sản xuất các thiết bị tự động chất lượng cao. Mặc dù cuối cùng, các nhà lắp ráp xe hơi đều là người nước ngoài, nhưng 2/3 nhà cung cấp cấp I và khoảng 635 DN là của Thái Lan, hoặc liên doanh với phần lớn vốn là của người Thái. Các đại lý cấp II và cấp III cũng có khoảng 1.700 DN, chủ yếu là của Thái Lan. Trong hơn 2.300 nhà cung cấp Thái Lan làm việc với các nhà sản xuất xe hơi nước ngoài, một số trong đó đã đạt được những kỹ năng và công nghệ tương đối cao. Trong khi đó, do thiếu chính sách nhất quán, chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã thất bại hoàn toàn.
“FDI từ Nhật Bản rất phù hợp với chiến lược chuyển giao công nghệ trong liên kết FDI, bởi các đặc điểm nổi bật trong mô hình kinh doanh của Nhật Bản là định hướng sản xuất; luôn theo đuổi chất lượng tốt nhất và sự hài lòng của khách hàng; có định hướng lâu dài và xây dựng quan hệ sản xuất lâu dài; luôn sẵn sàng truyền đạt các kỹ năng, kỹ thuật phức tạp cho các công ty địa phương và người lao động… Những đặc điểm riêng biệt này của FDI Nhật Bản cần được lưu ý và áp dụng triệt để cho sự nghiệp công nghiệp hóa của Việt Nam”, GS. Kenichi Ohno khuyến cáo.
Tuy nhiên, ông Hoàng Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) thì cho rằng, việc liên kết giữa 2 khu vực này là rất khó khăn bởi theo thống kê của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đa số DN FDI đầu tư vào Việt Nam hiện nay có quy mô nhỏ, có đến 70% DN FDI dưới 300 lao động, sản phẩm nhập khẩu đến gần 60%, chỉ 2% sử dụng nguyên liệu, sản phẩm trong nước. Một yếu tố khác là công nghệ mà FDI đưa vào Việt Nam chủ yếu là gia công, chế tạo bởi tận dụng nguồn năng lượng rẻ hơn các nước trong khu vực do điện, than, khí… được Nhà nước trợ giá.
“Chính điều này tạo liên kết rất lỏng lẻo giữa DN FDI và trong nước. Đây là vấn đề mà hoạch định chính sách cần lưu ý và có giải pháp hữu hiệu hơn khi thu hút nguồn vốn này”, ông Giang nói.
Cũng về vấn đề này, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới với các chính sách rất rõ ràng. Hiện Bộ KH&ĐT được Chính phủ giao xây dựng kế hoạch thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, sẽ tập trung phát triển khu vực DN trong nước để xây dựng được các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia chứ không phải sử dụng thương hiệu có vốn đầu tư nước ngoài. Chính sách thu hút FDI trong thời gian tới cũng thay đổi theo hướng sẽ có sự lựa chọn lĩnh vực ưu tiên. Ngoài ra, liên kết giữa khu vực FDI với trong nước cũng được thay đổi. Liên kết không còn bó gọn trong lĩnh vực công nghiệp mà mở rộng sang lĩnh vực dịch vụ. Chính sách đã có, vấn đề còn lại là thực hiện như thế nào…?
Trần Hương
Thời báo ngân hàng
|