Đau đầu bán nợ xấu
Một chuyên gia ngân hàng đề xuất, thay vì phát hành trái phiếu đặc biệt khi mua nợ xấu, nợ xấu có thể được VAMC chứng khoán hóa. Tuy điều này chưa có tiền lệ tại Việt Nam, nhưng một số nước trên thế giới đã thực hiện và thành công nhất định như Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Bán nợ khó đủ đường
Trong 3 tháng cuối năm 2013, VAMC đã mua hơn 39 nghìn tỷ đồng nợ xấu của các TCTD - đó là đầu vào. Về đầu ra, lãnh đạo VAMC cho biết, đến thời điểm này VAMC đã bán được gần 400 tỷ đồng nợ xấu. So sánh đầu vào với đầu ra, con số đã “giải phóng” được còn nhỏ. Chính vì vậy, năm 2014 không chỉ VAMC mà các NH xác định mục tiêu trọng tâm là bán nợ xấu, hay nói cách khác là tìm đầu ra cho nợ xấu.
Trao đổi với phóng viên TBNH, lãnh đạo một NHTMCP trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho biết, một số NH vừa có buổi làm việc với VAMC để nắm bắt tình hình về việc xử lý nợ xấu, xem xét tài sản thế chấp cũng như các khoản nợ đang tranh chấp, đồng thời làm việc với cơ quan tố tụng để tháo gỡ vướng mắc. Cách thức xử lý nợ xấu thời gian qua chủ yếu là bán tài sản đảm bảo, khởi kiện khách hàng… Nhưng cách làm này gặp nhiều khó khăn do những vướng mắc giữa các quy định hiện hành và cơ chế thi hành án có nhiều vấn đề. Chính vì vậy, việc chủ động làm việc với cơ quan thi hành án tại các địa phương là rất quan trọng.
Ngoài ra, vị này còn tiết lộ, VAMC đã làm việc với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước để xem xét năng lực tài chính của các tổ chức này, từ đó giới thiệu những dự án bất động sản là tài sản thế chấp của NH cho những NĐT tiềm năng này. Về phía VAMC, Phó chủ tịch thường trực HĐTV Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận, lãnh đạo công ty vừa khảo sát một số địa bàn lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… để rà soát lại các khoản nợ, xem xét khả năng bán nợ xấu.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng thẳng thắn thừa nhận, bán nợ xấu thời điểm này không thể nhanh, đơn giản vì vướng nhiều khúc mắc như: khó xác định giá bán nợ nào phù hợp; điều kiện chuyển nhượng dự án mua… Hiện tại, tuy có nhiều NĐT nước ngoài đề cập đến khả năng mua nợ xấu, nhất là khoản nợ liên quan đến bất động sản, nhưng quan điểm của VAMC sẽ triển khai thận trọng, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Không những vậy, các NĐT còn lo có hình thành được thị trường để bán lại hay không vì hiện còn nhiều vướng mắc liên quan đến tài sản đảm bảo. Theo ông Hùng, khó khăn nhất vẫn là xác định giá bán.
Cũng giống như DN Nhà nước, khi các tập đoàn thoái vốn, trừ trường hợp đơn vị này trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này mới được phép thoái vốn dưới giá, còn lại không được phép thực hiện thoái vốn với giá thấp hơn thị trường. NH cũng vậy, tài sản thế chấp chủ yếu là bất động sản chắc chắn sẽ bán được, nhưng “vấn đề bán giá nào mới là quan trọng. NH thu được bao nhiêu, thất thoát trên tính toán thế nào”, ông Hùng nhấn mạnh.
Gỡ thế nào?
TS. Nguyễn Đức Thành đề xuất, muốn đẩy nhanh tiến trình mua - bán nợ xấu cần tạo thị trường, xác định thành phần tham gia, tiêu chí và cách chơi như thế nào… Đây đang là mối quan tâm lớn của các NĐT trong nước cũng như quốc tế. Rào cản này cần được tháo gỡ dần, nhất là cơ chế pháp lý khi chúng ta muốn các NĐT nước ngoài tham gia.
Theo kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới, chính phủ thành lập một đơn vị trung gian giúp NĐT giải quyết các khúc mắc về tài sản đảm bảo. “Muốn đẩy nhanh tiến độ bán nợ, Việt Nam cũng nên thành lập một tổ chức như vậy”, đại diện một quỹ đầu tư đề xuất.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hiện VAMC phối hợp cùng Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Vụ Pháp chế (NHNN)… rà soát lại những quy định văn bản còn vướng mắc để trình Thống đốc NHNN kiến nghị Chính phủ quyết định, nhất là chính sách đối với NĐT nước ngoài. Hiện NHNN, Bộ Tư pháp và một số bộ, ngành liên quan đang hoàn thiện thể chế mua - bán nợ và xử lý tài sản bảo đảm cho VAMC. Mới đây, Bộ Tư pháp đưa ra Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc bán đấu giá tài sản bảo đảm của VAMC. Tuy nhiên, nhiều quy định trong Dự thảo đang gây tranh luận.
Đơn cử, theo Dự thảo: VAMC sẽ được tự bán các tài sản bảo đảm dưới 10 tỷ đồng. Với tài sản có giá trị trên 10 tỷ đồng, VAMC sẽ phải lựa chọn các đơn vị bán đấu giá chuyên nghiệp. Để tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện hợp đồng mua bán cũng như bàn giao tài sản… nhiều ý kiến cho rằng, khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo mà VAMC đã mua đều có giá trị tương đối lớn, tài sản dưới 10 tỷ đồng chiếm tỷ lệ không đáng kể.
Một chuyên gia NH mạnh dạn đề xuất, thay vì phát hành trái phiếu đặc biệt khi mua nợ xấu, nợ xấu có thể được VAMC chứng khoán hóa. Tuy điều này chưa có tiền lệ tại Việt Nam, nhưng một số nước trên thế giới đã thực hiện và thành công nhất định như Nhật Bản, Hoa Kỳ.
“Chúng ta có thể thí điểm, nếu thành công sẽ mở ra một xu hướng xã hội hóa và chắc chắn việc xử lý nợ xấu sẽ triệt để và hiệu quả hơn. Vì chỉ chứng khoán hóa nợ xấu thì VAMC mới có phương án định giá theo thị trường và bán cho NĐT mới, đặc biệt là thu hút NĐT nước ngoài tham gia xử lý nợ xấu”, vị này nhận định.
Huyền Thanh
thời báo ngân hàng
|