Thứ Sáu, 28/03/2014 14:36

Ngân hàng loay hoay với việc giải bài toán “nhiệm vụ kép”

Để thoái được vốn, việc “gọi tên” vốn ngoài ngành thế nào đang là một vấn đề khá đau đầu trong giới ngân hàng.

Thêm nữa, ngành ngân hàng của Việt Nam vốn hoạt động khá đặc thù. Bên cạnh việc kinh doanh theo nhu cầu thị trường, các ngân hàng cũng phải “gánh” một phần không nhỏ “nhiệm vụ chính trị”. Vì vậy, để rạch ròi trong vấn đề thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các ngân hàng cần một cái nhìn thấu đáo.

Gọi tên “vốn ngoài ngành” không dễ

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, hiện Ngân hàng Nhà nước chưa đưa ra một thống kê nào chính xác về việc ngân hàng đầu tư ngoài ngành là bao nhiêu và vào những lĩnh vực gì, chính vì thế rất khó có thể nhận định ngân hàng đầu tư ngoài ngành cụ thể là bao nhiêu.

Trong khi đó, chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, cần phải phân biệt ngân hàng đầu tư ngoài ngành gồm những lĩnh vực gì? Trước hết, nếu ngân hàng đầu tư vào thị trường chứng khoán, bảo hiểm, vàng thì không phải là ngoài ngành vì những lĩnh vực này đều liên quan đến tài chính.

Thứ hai, chưa có ngân hàng nào bị công bố là vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc đầu tư vào các công ty con không được vượt quá 40% vốn điều lệ của mình.

“Chỉ khi ngân hàng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng… mà không liên quan đến tài chính-ngân hàng thì được cho là ngoài ngành,” ông Lực nhấn mạnh.

Mặc dù không đưa ra con số chính xác, nhưng lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, các ngân hàng đầu tư ngoài ngành không nhiều, chỉ chiếm một phần rất nhỏ. “Tuy nhiên, theo chủ trương chung về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nên các ngân hàng cũng đang tích cực thoái vốn mặc dù nhiều khoản đầu tư mang lại lợi nhuận rất lớn cho ngân hàng,” vị quan chức này cho hay.

Điển hình là BIDV đã thoái vốn khỏi Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc và Vietcombank cũng đã thoái vốn xong tại Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII).

Thế nhưng có một thực tế, là một ngân hàng quốc doanh giữ nhiệm vụ trọng trách lớn của Nhà nước nên Vietcombank được giao đầu tư vào một số dự án vừa mang tính thương mại vừa là “nhiệm vụ chính trị.” Những dự án mà hiện ngân hàng đang còn cổ phần là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) với số vốn là 75 tỷ đồng; Công ty cổ phần thương mại Địa ốc Việt (Vietcomreal) 11 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Gentraco chuyên về lương thực, thực phẩm khoảng 4 tỷ đồng; Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ Khoan dầu khí (PVD) còn khoảng 5 tỷ đồng.

Mặc dù không thừa nhận là đầu tư ngoài ngành ở Công ty PVD vì chỉ mua cổ phiếu vào công ty này nhưng lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết, hiện Ngân hàng đã và đang dần bán hết cổ phiếu tại đây. “Cuối năm 2013 Ngân hàng đã đăng ký bán hai đợt tổng cộng là 5,353 triệu cổ phiếu và hiện chỉ còn 582 nghìn cổ phiếu, chiếm 0,21% tỷ lệ góp vốn vào PVD,” lãnh đạo Vietcombank cho biết.

Đối với số cổ phần tại VIDIFI, Gentraco và Vietcomreal dù không còn nhiều nhưng theo lãnh đạo Vietcombank, Ngân hàng này cũng đã và đang lên kế hoạch để thoái dần vốn.

Tuy nhiên, cái khó mà nhà băng này cũng như các ngân hàng khác đang gặp phải là không dễ dàng tìm được đối tác mua lại các phần vốn này vì giá trị cổ phiếu không hấp dẫn, đơn vị lại làm ăn không hiệu quả…

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cũng cho biết, hiện BIDV có hai doanh nghiệp được giao theo nhiệm vụ gồm Công ty Cổ phần Thủy điện Việt Lào và Công ty cổ phần Cho thuê máy bay đang hoạt động rất hiệu quả.

“Chúng tôi cũng rất quyết tâm trong quá trình thoái vốn nhưng phải gắn với nhiệm vụ bảo toàn vốn. Bên cạnh đó, khó khăn và lúng túng trong việc tìm đối tác để thoái vốn trong bối cảnh thị tường ảm đạm, chưa khởi sắc,” ông Hà phân trần.

“Bí” giữa nhiệm vụ và cơ chế thị trường

Bên cạnh câu chuyện từ nội tại của các ngân hàng thương mại, thì việc Nhà nước nắm giữ bao nhiêu phần trăm cổ phần tại các ngân hàng cũng là một vấn đề rất được quan tâm. Đây cũng là một trong những “điều kiện cần” để tạo một “sân chơi” lành mạnh và đa dạng, thúc đẩy thị trường tài chính Việt Nam phát triển.

Cũng nằm trong lộ trình cơ cấu lại nguồn vốn, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết quy định Nhà nước muốn nắm giữ ít nhất 65% cổ phần tại các ngân hàng thương mại quốc doanh. Chỉ duy nhất có VietinBank là ngân hàng cổ phần quốc doanh được bán hơn 35% vốn của Nhà nước.

Đồng tình với quan điểm của Chính phủ, tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Chính phủ nắm giữ phần vốn này của các ngân hàng là hợp lý vì Nhà nước còn phải điều tiết thị trường khi có biến động.

Chia sẻ quan điểm này, tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng nhìn nhận: Nhà nước vẫn muốn có được một số ngân hàng lớn thuộc sở hữu chi phối của Nhà nước như là một kênh thực hiện việc điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là liên quan đến chính sách tiền tệ, chính sách “tam nông”, đặc biệt trong thời điểm nền kinh tế còn nhiều biến động.

“Trong thời gian vừa qua, hoạt động này cũng đã có những hiệu quả nhất định. Tất nhiên sự can thiệp này càng tuân thủ theo quy luật thị trường càng tốt, bởi sẽ làm thị trường bớt méo mó,” vị chuyên gia này nói.

Tuy nhiên, theo ông Lực, xét ở một góc độ nào đó, có thể có ngân hàng muốn mức độ Nhà nước nắm giữ vốn thấp hơn, để tăng hấp dẫn nhà đầu tư và tăng tính tự chủ.

Ông Lực cho biết, có một số lãnh đạo ngân hàng chia sẻ, Nhà nước không cần phải nắm giữ cổ phần tại các ngân hàng này vì để thị trường tự điều tiết thì sẽ hiệu quả hơn hoặc nếu có thì cũng nên giảm dần tỷ lệ.

“Chính vì vậy, theo tôi, trong 2 năm tới, các ngân hàng thương mại Nhà nước cần hoàn thiện quá trình tái cơ cấu, tăng cường quản trị doanh nghiệp để làm lành mạnh hóa hơn nữa hoạt động của ngân hàng, từ đó hy vọng Nhà nước sẽ giảm dần phần vốn nắm giữ xuống dưới mức 65%. Nếu những việc này hoàn thành đã là một thành công lớn,” ông Lực nhấn mạnh.

Cũng đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Nhà nước nên giảm dần tỷ lệ khỏi các ngân hàng quốc doanh.

Ông Hiếu lý giải, trước đây, khi nền kinh tế của Việt Nam còn non trẻ và hệ thống ngân hàng chưa đủ mạnh thì vai trò của Nhà nước là rất quan trọng. Nhưng thời điểm này, hệ thống ngân hàng đã phát triển, các cổ đông, cá nhân cũng như các thành phần kinh tế sẵn sàng tiếp quản vai trò của Nhà nước trong các ngân hàng. Điều này được chứng minh ở các ngân hàng như BIDV, Vietcombank, VietinBank đã tự tồn tại và phát triển rất tốt.

“Đây là thời điểm đáng lý ra Chính phủ phải giảm tỷ lệ cổ phần trong các ngân hàng có vốn Nhà nước xuống còn khoảng 35% thay vì tăng lên, còn lại để các cổ đông trong nước và nước ngoài nắm giữ,” ông Hiếu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cả giới chuyên gia và ngân hàng cũng đều thừa nhận, bên cạnh sự “kìm kẹp” của Nhà nước thì đi cùng với đó là những đặc quyền, đặc lợi mà các ngân hàng này đã được hưởng trong suốt những năm qua.

Hiện nay, ngoài Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) duy nhất Nhà nước đang nắm giữ 100% vốn điều lệ, còn lại cả bốn ngân hàng thương mại lớn nhất đều đã có sự tham gia của các thành phần kinh tế.

Cụ thể, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Nhà nước nắm giữ 95,76% vốn; Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) là 91%; Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) là 77,11% và Ngân hàng Công thương (VietinBank) là 64,5%.

Minh Thúy

vietnam+

Các tin tức khác

>   'Đại gia' chính thức rút lại 10,5 tỷ đồng chuộc nhà Chánh Tín (28/03/2014)

>   Nam Á Bank: Thay đổi để vươn lên mạnh mẽ (28/03/2014)

>   Nếu ngân hàng hụt vốn, cổ đông phải “bồi thường”? (28/03/2014)

>   TP.HCM: Đến cuối tháng 3, tín dụng ước tăng 0,12% (28/03/2014)

>   Muốn quay vốn nhanh phải cùng tăng tốc (28/03/2014)

>   HDBank dành 1.000 tỷ đồng tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2014 (27/03/2014)

>   Nhân vật: Ông Trần Ngô Phúc Vũ - Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc NamABank (27/03/2014)

>   Ông Nguyễn Quốc Toàn - Tân Chủ tịch HĐQT NamABank là ai? (27/03/2014)

>   Bí ẩn khiến lãi suất cho vay không hạ (27/03/2014)

>   VAMC dự kiến mua 3.000 tỷ đồng nợ xấu trong quý I/2014 (27/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật