Chủ Nhật, 30/03/2014 09:43

Giảm lãi suất cho vay: Cần nhất sự ổn định

Sau quyết định giảm 1%/năm lãi suất huy động từ ngày 18-3 của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại rục rịch tính tới việc có thể hạ lãi suất cho vay 1-2%/năm. Nhiều DN cho biết, DN rất mong lãi suất giảm thêm nhưng quan trọng là phải đảm bảo sự ổn định trong dài hạn.

Kỳ vọng không lớn

Ông Đặng Quốc Cường, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận Ninh Thuận cho biết: DN đang vay khoảng hơn 300 tỷ đồng vốn lưu động với mức lãi suất khoảng 8-9%/năm. Tuy nhiên, Công ty chủ yếu vay ngoại tệ với lãi suất khoảng trên 5%/năm. Mức lãi suất cho vay ngoại tệ này hiện cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, DN mong lãi suất sẽ giảm thêm, tốt nhất là ở mức 3-5%/năm, ngang bằng với trong khu vực để tăng sức cạnh tranh cho DN.

Theo ông Cường, hiện việc vay vốn của DN từ ngân hàng tương đối thuận lợi. Công ty luôn được ngân hàng cho vay với mức ưu đãi nhất có thể, phía ngân hàng còn chủ động cập nhật thông tin mới để áp dụng cho DN. Vay ngân hàng có dễ hay không phụ thuộc rất lớn vào DN. Nếu DN có kết quả sản xuất, kinh doanh tốt, lập ra những kế hoạch kinh doanh rõ ràng, hiệu quả thì ngân hàng sẽ “rộng cửa”. Tuy nhiên, thực tế không phải DN nào cũng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, nhất là những DN nhỏ không thể vượt qua sự thẩm định từ phía ngân hàng.

Đồng tình với điều này, ông Hà Trọng Hiếu, Giám đốc điều hành Công ty CP Trà Bách Shan (Hà Giang) cho biết: DN đương nhiên rất hoan nghênh việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, với DN quy mô nhỏ, nếu ngân hàng hạ lãi suất cho vay chỉ là trong ngắn hạn thì cũng không tác động nhiều. Công ty Trà Bách Shan hiện chỉ vay vốn ngân hàng dài hạn với mức lãi suất trên 10%/năm để xây dựng nhà xưởng, còn vốn lưu động dùng trong sản xuất, kinh doanh, DN cố gắng tự quay vòng.

Trước khi cho một DN nào đó vay vốn, ngân hàng luôn có quá trình xem xét, thẩm định mọi mặt của DN. Tuy nhiên, đa phần các cán bộ ngân hàng thẩm định DN lại không hiểu về lĩnh vực hoạt động thực sự của DN. Do đó, quá trình thẩm định thiếu độ chính xác, dẫn tới nhiều DN đáng được vay thì không vay nổi, có những DN không có khả năng trả nợ đầy đủ thì lại nhận được vốn. Sau những vụ việc nhất định, ngân hàng “ngại” DN, dè chừng DN nên nhiều DN quy mô vừa và nhỏ khó “chạm” vào vốn. Thực tế, ngân hàng nên có những cán bộ am hiểu từng lĩnh vực, ngành hàng cụ thể để thẩm định cho chuẩn xác. Điều này vừa tăng độ an toàn cho ngân hàng, cũng sẽ giúp DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn.

Ông Đặng Quốc Cường, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận Ninh Thuận

“Mục tiêu đặt ra trước mắt của Công ty chỉ là duy trì ổn định sản xuất. DN mong ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay cả trung hạn và dài hạn chứ không chỉ ngắn hạn để DN có thể gom tiền trả số vay cũ, đáo hạn và hưởng những ưu đãi mới”, ông Hiếu nói.

Liên quan tới vấn đề này, ông Lê Bá Lịch-Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam đánh giá: Việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay là động thái rất tích cực đối với DN. Tuy nhiên, các DN trong ngành chăn nuôi cũng đang “vấp” ở khâu vay vốn. Đó là do đặc thù ngành chăn nuôi chứa nhiều rủi ro, phía ngân hàng luôn e ngại. Hiện nay, nhiều DN còn nợ đọng nên ngân hàng càng không mặn mà cho vay. Thời gian qua, Hiệp hội cũng đã kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo ngân hàng có chính sách khoanh nợ cũ để các DN trong ngành tiếp cận nguồn vốn vay mới. Tuy nhiên, theo phản hồi của DN tại nhiều địa phương, có DN được khoanh nợ nhưng cũng nhiều DN không được, dẫn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh khá khó khăn vì “đói” vốn.

Vay để làm gì?

Khi đặt ra vấn đề, nếu lãi suất cho vay của ngân hàng trong nước giảm xuống dưới 5%/năm, ngang bằng một số nước trong khu vực, DN liệu có hào hứng vay thêm nhiều vốn để làm ăn hay không, đa phần các DN bày tỏ sự e ngại. Theo ông Đặng Quốc Cường: Dù có được hưởng lãi suất ưu đãi đến mức đó, DN cũng chỉ xác định duy trì ổn định như hiện tại, phấn đấu đạt tăng trưởng khoảng 5-10%năm, chưa tính đến phương án mở rộng. Ông Cường lập luận, mức lãi suất cho vay chỉ là một phần, có thể mở rộng sản xuất, kinh doanh của DN hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, quan trọng nhất là đầu ra của sản phẩm, nhu cầu của thị trường. Hiện nay, thị trường thủy sản thế giới tương đối ổn định, nhu cầu không có sự gia tăng đột biến. Nếu ngân hàng giảm lãi suất cho vay và giữ ở mức ổn định trong dài hạn chứ không phải thay đổi thất thường, lên xuống bấp bênh thì các DN mới yên tâm làm ăn, tính toán các bước tiến xa hơn.

Ông Lê Bá Lịch cũng cho rằng, hiện tại các nước lân cận đều có mức lãi suất cho vay thấp hơn hẳn Việt Nam, điển hình như Trung Quốc khoảng 4-5%/năm, Thái Lan khoảng 3%/năm, do vậy, lãi suất cho vay trong nước có thể giảm xuống mức trên dưới 5% năm là quá tốt với DN. Tuy nhiên, ông Lịch băn khoăn, ngân hàng chủ yếu giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, điều đó không có nhiều ý nghĩa với DN trong ngành chăn nuôi. DN rất mong ngân hàng có thể hạ thấp và giữ ổn định lãi suất cho vay trong dài hạn khoảng vài năm.

Bà Võ Thị Phỉ, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực-Thủy sản XNK Tấn Vương (An Giang) nhấn mạnh: Thực tế, ở thời điểm hiện tại, Công ty Tấn Vương đang vay ngân hàng với mức lãi suất cũng chỉ 3-5%/năm. Tuy nhiên, ngay cả ở mức thấp như vậy, DN cũng chỉ hướng tới sản xuất ổn định. Hiện nay, mấu chốt không còn nằm ở chỗ lãi suất ngân hàng là bao nhiêu nữa mà là nền kinh tế nói chung phải khởi sắc hơn, nguồn nguyên liệu cũng như thị trường NK ổn định với giá cả hợp lý. Hội tụ được các yếu tố này thì DN mới mong lớn mạnh lên được.

Thanh Nguyễn

Hải Quan

Các tin tức khác

>   ĐHĐCĐ PNJ: Ông Andy Ho trở lại HĐQT (29/03/2014)

>   ĐHĐCĐ HMC: Sẽ đầu tư vào Vnsteel-Daewoo, kế hoạch cổ tức 10% (29/03/2014)

>   ĐHĐCĐ TNA: Đầu tư dự án 277B Cách Mạng Tháng Tám làm giảm lợi nhuận 2014 (29/03/2014)

>   Chủ tịch Dược phẩm Mekophar: Lên sàn để làm gì! (29/03/2014)

>   Hữu Liên Á Châu tổ chức Đại hội thường niên bất thành (29/03/2014)

>   Trực tuyến ĐHĐCĐ SMC: Kế hoạch lãi tăng gần gấp đôi (29/03/2014)

>   Trực tuyến ĐHĐCĐ FPT: Cổ tức 2014 xuống lại tỷ lệ 20% (29/03/2014)

>   CLP: BCTC CTY MẸ KT 2013 (28/03/2014)

>   VNS: BCTC CTY MẸ KT 2013 (28/03/2014)

>   VNS: BCTC HN KT 2013 (28/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật