ĐHĐCĐ PNJ: Ông Andy Ho trở lại HĐQT
Sau 1 năm vắng bóng, ông Andy Ho đã trở lại HĐQT của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 diễn ra vào sáng 29/04.
Cụ thể, Đại hội kỳ này chứng kiến sự thay thế thành viên HĐQT đến từ VinaCapital, ông Andy (Trưởng đại diện VinaCapital tại Việt Nam) được bầu vào HĐQT thay cho bà Nguyễn Thị Hương Giang (Nguyên là Giám đốc đầu tư VinaCapital, bà đã thôi việc tại đây từ cuối năm 2013).
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm ngoái, bà Giang đã thay thế ông Andy Ho tham gia vào HĐQT PNJ.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 của PNJ tổ chức tại TPHCM sáng ngày 29/03/2014
|
Kế hoạch lãi ròng 202.55 tỷ đồng, cổ tức tỷ lệ 20%
Nhận định kinh tế năm 2014 sẽ có nhiều thuận lợi hơn cho mục tiêu tăng trưởng GDP 5.8% như Hiệp định TPP được ký kết, xu hướng chuyển dịch vốn sang các nước ASEAN giúp thu hút vốn FDI vào Việt Nam, tổng cầu cải thiện, trong đó nhu cầu vàng trang sức tiếp tục gia tăng, HĐQT PNJ đưa ra kế kế hoạch năm 2014 với các chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 20%, bao gồm doanh thu 9,124 tỷ đồng (trong đó doanh thu trang sức 5,205 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế hợp nhất 202.55 tỷ đồng; chi trả cổ tức với tỷ lệ 20%.
Trong năm 2014, PNJ sẽ thoái vốn các khoản mục đầu tư không mang lại hiệu quả, đặc biệt là các khoản mục đầu tư bất động sản.
Tại Đại hội, bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT cho biết, PNJ sẽ đẩy mạnh cùng lúc hai dự án chiến lược bán sỉ và và bán lẻ, đặc biệt là chiến lược bán sỉ còn rất nhiều tiềm năng đóng góp vào doanh thu.
Về kết quả kinh doanh năm 2013, doanh thu hợp nhất của PNJ đạt 7,603.5 tỷ đồng, tăng 18% so với 2012 và bằng 98% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 169.0 tỷ đồng, giảm 34% so với 2012 và bằng 82% kế hoạch. Cổ tức chi trả được thông qua là 20% cho năm 2013, trong đó đã chi trả đợt 1 với tỷ lệ 10%.
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế qua các năm của PNJ (triệu đồng)
|
HĐQT cho hay vàng trang sức là mảng kinh doanh chủ lực, đóng góp tới 55% doanh thu trong năm này. Mặc dù giá bán giảm do vàng giảm giá nhưng doanh thu trang sức vàng PNJ tăng 15%, nếu loại trừ yếu tố giá vàng giảm thì doanh thu nhãn hàng này tăng 25%, trong đó kênh bán sỉ tăng 22%, kênh bán lẻ tăng 6%, kênh xuất khẩu tương đương năm 2012.
Khó thoái vốn khỏi các khoản đầu tư tài chính
Nhiều câu hỏi đã được đặt ra trong phần thảo luận với các khía cạnh khác nhau.
(1) Kế hoạch thoái hóa vốn của PNJ tại CTCP Nhiên liệu Sài Gòn (HOSE: SFC)? Bà Dung cho biết, PNJ đã có kế hoạch thoái vốn ở những mảng đầu tư tài chính không hiệu quả từ năm 2012, nhưng do khó khăn trong việc tìm đối tác để bán được giá tốt, nên việc thoái vốn vẫn đang được thực hiện từng phần khi có điều kiện thuận lợi để tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh chính.
(2) Việc mua vàng để sản xuất nữ trang của PNJ không gặp khó khăn vì được Nhà nước cấp phép nhập vàng nguyên liệu, sẽ khó khăn nếu giá vàng thế giới liên tục tăng mạnh.
(3) Hoạt động vay vốn mua vàng nguyên liệu của PNJ đều nhận được sự hỗ trợ của các ngân hàng với lãi suất vay bình quân của PNJ ở mức khá thấp khoảng 6.2%, mức cao nhất là 7.5%.
(4) Thanh khoản của cổ phiếu PNJ trên sàn HOSE ở mức thấp là do lượng cầu và cả lượng cung đều không cao.
(5) Kênh shopping online, mặc dù đóng góp doanh thu ở mức nhỏ là 3.6% nhưng đang có chuyển biến tích cực nên sẽ được tách ra thành một phòng riêng cùng với việc phát triển thêm phần mềm để mang lại hiệu quả hơn cho mảng này. Khó khăn của mảng này là khâu giao nhận và thanh toán.
(6) Dự án cửa hàng bán hàng du lịch đang gặp khó khăn, nhất là khâu hạch toán, bên cạnh đó PNJ phải chiết khấu cho các công ty du lịch tới 30-40% nên giao cho công ty khác làm.
(7) Về chi phí marketing, bà Dung xin được không công bố con số này.
Thu Hoa
Công lý
|