Sẽ chỉ còn một nửa số ngân hàng thương mại?
Hiện ở Việt Nam có trên 30 ngân hàng thương mại nội địa, người đứng đầu ngành ngân hàng vừa xác nhận con số này sẽ chỉ còn một nửa theo quy hoạch.
Tiên Phong, một trong những ngân hàng thương mại đã được thay đổi cổ đông lớn và tái cơ cấu toàn diện trong hai năm qua. Ảnh: Cẩm Tú
|
Trả lời câu hỏi của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online qua điện thoại ngày 19-2 về việc có hay không kế hoạch giảm số lượng ngân hàng thương mại nội địa (không bao gồm khối ngân hàng ngoại, ngân hàng phát triển, ngân hàng chính sách) xuống còn 14-17 ngân hàng trong vòng ba năm tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: “Hiện ở Việt Nam có trên 30 ngân hàng thương mại nội địa, theo chúng tôi tính toán con số đó (14-17 ngân hàng) là phù hợp với quy mô nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên việc quy hoạch này là đích hướng đến chứ không thể làm ngay trong một sớm một chiều”.
Vậy liệu có vụ sáp nhập ngân hàng nào mới trong năm 2014? Có hay không việc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phương Nam hay một số ngân hàng cổ phần cỡ trung sẽ hợp nhất như một số tin đồn trên thị trường? Ông Bình cho biết hiện những việc đó chưa thể khẳng định vì cơ quan quản lý còn phải thực hiện đánh giá đúng quy trình quy phạm. Và quan trọng nhất, theo ông Bình, là những cổ đông lớn của các ngân hàng phải cảm thấy sự sáp nhập là cần thiết và tự nguyện.
“Nguyên tắc của tôi vẫn là đánh chuột nhưng không vỡ bình”, ông Bình nói.
Trước đây vài ngày, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online qua điện thoại, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa nói chương trình tái cơ cấu ngân hàng 2014 sẽ đặt trọng tâm vào sự ổn định và cải thiện sự an toàn của các tổ chức tín dụng.
Ông Nghĩa cho biết sáp nhập và hợp nhất vẫn là xu hướng tiếp tục của chương trình tái cơ cấu ngân hàng trong năm 2014. Nhưng điều đáng lưu ý là hoạt động tái cơ cấu không chỉ được thực hiện ở những ngân hàng yếu kém mà cả với các ngân hàng trên mức yếu kém. "Các ngân hàng cần tăng cường năng lực bằng sự sáp nhập tự nguyện để có thể tăng khả năng cạnh tranh,” ông Nghĩa nói.
“Tôi chưa nhận được đề nghị cụ thể nào của các ngân hàng về việc sáp nhập nhưng tôi biết một số ngân hàng cũng đang tích cực. Trong việc này, tư duy tự nguyện của các ông chủ là quan trọng nhất. Còn việc số ngân hàng giảm sẽ là xu hướng chung”, ông Nghĩa chia sẻ.
Thông tư 02 sửa đổi sẽ ban hành trong vài ngày tới
Thông tư 02 (quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng) sửa đổi sẽ được ban hành trong vài ngày tới và có hiệu lực từ 1-6-2014. Ngoài hai điểm quan trọng nhất được sửa đổi, các chỉnh sửa khác trong thông tư mới này không đáng kể và chỉ mang yếu tố kỹ thuật, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay.
Giải thích về lý do chỉnh sửa thông tư này, ông Bình nói: “Thực ra, đó (Thông tư 02 ban đầu-pv) là biện pháp quyết liệt chúng tôi muốn làm. Thuốc tốt thì mới trị khỏi bệnh, dù vậy vẫn còn phụ thuộc vào sức khỏe của bệnh nhân. Nếu uống 5 viên/ngày, bệnh chuyển nhanh nhưng uống quá liều 10 viên/ngày thì lại hỏng. Kết quả có tốt hay không phụ thuộc vào thể trạng người mình điều trị. Sức khỏe hệ thống ngân hàng đã tốt hơn nhiều so với trước đây nhưng chưa khỏe hẳn. Và những sửa đổi này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế”.
Trả lời câu hỏi có phải đây là một bước lùi của chính sách và cũng kéo theo bước lùi của tiến trình tái cơ cấu ngân hàng, Thống đốc Bình nói: “Về lâu dài, định hướng nghiêm khắc với các tổ chức tín dụng là con đường sẽ phải đi và sẽ phải làm đến đích đó. Còn về tái cơ cấu ngân hàng, chúng tôi sẽ làm tích cực và quyết liệt”.
Hồng Phúc
thời báo kinh tế sài gòn
|