TPHCM: Tín dụng ngoại tệ tăng trở lại
Trái ngược với con số giảm đến 22% trong năm ngoái, năm nay tín dụng ngoại tệ TPHCM đã tăng ngay trong tháng 1, với mức tăng khá. Trong khi đó, tín dụng tiền đồng lại giảm.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, tính đến hết tháng 1 năm 2014, dư nợ cho vay đạt 949.000 tỉ đồng, giảm 0,41% so với cuối 2013; trong đó cho vay tiền đồng giảm 0,8%, cho vay ngoại tệ tăng 1,65%.
Ông Minh cho rằng việc cho vay ngoại tệ tăng cao trong tháng đầu năm là do doanh nghiệp vay ngoại tệ để thanh toán tiền hàng hóa nhập khẩu bán tết. Đây cũng là xu hướng chung của các năm.
Trực tiếp cho vay đến các doanh nghiệp lớn, ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, nhu cầu vay ngoại tệ tăng trong tháng 1 do nhu cầu thanh toán hàng hóa xuất nhập khẩu; đồng thời nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng vay vốn ngoại tệ để chuyển thành tiền đồng phục vụ sản xuất kinh doanh sau khi có thông điệp chính thức từ phía Ngân hàng Nhà nước về việc tỷ giá trong năm nay sẽ chỉ tăng từ 2-3%.
Trong khi đó, tín dụng tiền đồng giảm khi doanh nghiệp giảm sản xuất vào thời điểm cận tết, và trước đó doanh nghiệp đã vay nhiều để chuẩn bị hàng hóa cho tết; nhiều doanh nghiệp cũng tranh thủ trả bớt nợ vay khi thu được tiền hàng cuối năm, khiến con số dư nợ cho vay giảm, ông Linh cho biết thêm.
Theo ông Linh, hiện tại OCB cũng mới chỉ cho vay tới các doanh nghiệp tại TPHCM, còn với các doanh nghiệp nông sản ở miền Tây, lượng vốn vay chưa lớn, nhất là các ngành như gạo, cá tra do dự báo khó khăn nên chưa vay nhiều.
Ông Linh cho rằng nhu cầu vốn thường bắt đầu tăng khi vào quí 2 khi doanh nghiệp đã có kế hoạch kinh doanh cụ thể và tính toán được lượng vốn cần thiết.
Trước tình hình tín dụng giảm trong tháng 1, ông Minh cho biết NHNN TPHCM đã chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tích cực cho vay sớm trong quí 1 để kịp thời đưa vốn ra cho doanh nghiệp, nền kinh tế, và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm nay vào khoảng 12-14%.
Riêng tại TPHCM, ông Minh cho biết trong ngày 27-2 sắp tới sẽ tổ chức tổng kết tình hình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp để xem lại hiệu quả của chương trình này trong năm ngoái. Theo ông Minh, dự kiến lượng vốn cho vay thông qua chương trình này năm nay vào khoảng 40.000 tỉ đồng, tức gấp 3 lần so với con số giải ngân năm 2013.
Ông Minh cho rằng chương trình này sẽ tạo ra sức lan tỏa đối với doanh nghiệp, giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi.
Tại TPHCM, huy động vốn đến hết tháng 1 đạt 1,143 triệu tỉ đồng, giảm 2,37% so với cuối 2013, trong đó huy động tiền đồng giảm 1,62%, ngoại tệ giảm 6,31%, mặc dù vào thời điểm cuối năm ngoái, đầu năm nay rất nhiều ngân hàng tổ chức các chương trình khuyến mãi để huy động tiền gửi từ khu vực dân cư.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20-1-2014 tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng trên cả nước ước giảm 0,98% (cùng kỳ năm 2013 giảm 0,53%). Tín dụng đối với nền kinh tế ước giảm 1,21% (cùng kỳ năm 2013 giảm 1,06%).
Về gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ nhà ở cho người có thu nhập thấp tại TPHCM, theo ông Minh, hạn mức ký kết là 784 tỉ đồng, trong đó đã giải ngân hơn 200 tỉ đồng cho 441 cá nhân và 1 doanh nghiệp là Công ty Địa ốc Hoàng Quân. Hoàng Quân đã được cam kết cho vay 540 tỉ đồng, hiện đã giải ngân được 89 tỉ đồng.
Thanh Thương
tbktsg
|