Ngân hàng e dè lợi nhuận năm mới
Sự sụt giảm hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận của năm 2013 khiến nhiều ngân hàng phải tính đến chuyện tiết giảm chi phí ngay từ đầu năm mới.
Khiêm tốn con số
Dù vẫn khẳng định lợi nhuận của các ngân hàng đạt mức thấp năm 2013 là do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao, nhưng các ngân hàng đều mạnh tay điều chỉnh các chỉ tiêu lợi nhuận năm 2014 xuống khá thấp.
Đơn cử, Eximbank (EIB) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về các chỉ tiêu kinh doanh của 2014 khá khiêm tốn, nhất là với chỉ tiêu thu nhập từ tín dụng. Theo đó, ngân hàng này dự kiến dư nợ tín dụng tăng 23%, tăng trưởng huy động vốn 21%, lợi nhuận trước thuế 1.800 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 3% và cổ tức dự kiến ở mức 8,5% - ngang mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân trên thị trường. Nếu so với lợi nhuận đạt được năm 2013, chỉ tiêu Eximbank đặt ra cho năm nay giảm 600 tỷ đồng.
Ngân hàng cần thay đổi thu nhập từ tín dụng sang dịch vụ mới kỳ vọng lợi nhuận tiếp tục tăng
|
Với ACB cũng vậy, kế hoạch 2014, lãnh đạo ngân hàng này không kỳ vọng đạt được con số lợi nhuận cao, do tín dụng dự báo vẫn khó khăn. Cũng theo lãnh đạo ngân hàng này, với tình hình hiện nay, để kỳ vọng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng là không thể cho dù lãi suất giảm và nguồn vốn huy động dồi dào. Được biết năm ngoái, tín dụng của ACB chỉ đạt mức tăng trưởng trên 4%, trong khi nợ xấu của ngân hàng này đạt tới mức 3%, trong đó một phần nợ xấu lớn có khả năng mất vốn.
Còn với Sacombank dù tăng trưởng tín dụng trên 13% trong năm 2013, nhưng chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay chỉ ở mức 3.000 tỷ đồng. Ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch HĐQT Sacombank (STB) cho biết, để đưa ra chỉ tiêu trên, HĐQT đã có sự cân nhắc kỹ vì trong bối cảnh thị trường hiện nay khó kỳ vọng được mục tiêu lợi nhuận cao.
Những đơn vị luôn xuất sắc trong việc hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra những năm trước đây như: Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG), BIDV (BID), MB (MBB)… dường như cũng đang cân nhắc khá kỹ trước khi quyết định công bố kế hoạch chỉ tiêu cho năm mới này. Dẫu đã biết “dè chừng” con số lợi nhuận, song theo lãnh đạo các ngân hàng, đạt được theo kế hoạch cũng không phải dễ.
Bởi thực tế cho thấy, chênh lệch giữa mức lãi suất huy động và cho vay hiện nay bị thu hẹp rất lớn khiến hoạt động tín dụng truyền thống không còn đóng góp nhiều vào lợi nhuận của các ngân hàng như trước đây. Điều đó được chứng minh qua kết quả kinh doanh trong năm 2013 của Eximbank, ACB nhất là quý IV/2013 lãi thuần từ hoạt động kinh doanh tín dụng giảm rõ rệt.
Mạnh tay cắt giảm chi phí
Đề cập vấn đề này, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank cho rằng, chênh lệch giữa mức lãi suất huy động và cho vay hiện dao động còn trong khoảng 1,5 – 2%, chỉ đủ bù đắp chi phí trong hoạt động nên rất khó để kỳ vọng lợi nhuận cao. Trong năm qua, tín dụng Eximbank tăng trưởng trên 11%, song lợi nhuận cả năm chỉ hoàn tất được 30% cũng phản ánh phần nào điều đó.
Quả vậy, một chuyên gia tài chính cũng thừa nhận, để có thể đạt được chỉ tiêu “khiêm tốn” năm nay, các ngân hàng phải cắt giảm chi phí hơn là trông đợi vào việc tăng trưởng tín dụng. Bởi đặc thù các điểm giao dịch của ngân hàng phải nằm ở những vị trí đắc địa, dễ đi lại giao dịch, dễ quảng bá thương hiệu nên chi phí mua sắm hay thuê mướn mặt bằng của các ngân hàng hiện đang cao hơn hẳn so với các ngành nghề kinh doanh khác. Thậm chí có những ngân hàng còn sẵn sàng chấp nhận có mặt bằng kinh doanh như ý bằng cách mua lại từ đối tác khác với hợp đồng thuê mướn tăng đều hàng năm đến 20%.
Thừa nhận điều này, trong một cuộc họp cuối năm, ông Dũng nói rằng, bên cạnh việc điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận năm nay, đơn vị này sẽ tiết giảm chi phí tối đa để giảm nhẹ gánh nặng, trước mắt đó là việc xét lại hiệu quả hoạt động của các điểm giao dịch.
“Đi kèm với chi phí cho điểm giao dịch là chi phí về nhân sự. Đây là một trong những chi phí lớn nhất của ngân hàng. Có những ngân hàng, do tốc độ phát triển của các điểm giao dịch quá lớn, phải tuyển dụng nhân sự tăng 30% hằng năm để đáp ứng nhu cầu mở rộng hệ thống. Vì thế, về tổ chức, ngân hàng sẽ co cụm lại những điểm giao dịch không hiệu quả. Nhân sự cũng sẽ lọc lại và sẽ có chiến lược mới cho người làm tín dụng ngân hàng. Đội ngũ kinh doanh sẽ được tăng lên và “ra đường” làm việc nhiều hơn. Điều này hạn chế lãng phí sử dụng nhân lực, đồng thời cũng giúp cho mục tiêu giảm chi phí hoạt động của hệ thống các điểm giao dịch”, ông Dũng nói.
Cùng quan điểm, lãnh đạo DongABank cũng cho biết, đơn vị này đang rà soát lại chi phí hoạt động. Trước mắt, sẽ rà soát những điểm đặt máy ATM để xem xét tính hiệu quả của mỗi điểm để từ đó chọn địa điểm đặt máy mới sao cho tối giảm chi phí để hoạt động có hiệu quả nhất.
Rõ ràng, để có thể đạt được kỳ vọng lợi nhuận trong năm mới, các ngân hàng đang phải “gồng” bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung là sự lo lắng uy tín, thương hiệu, mất khách hàng khi một số điểm giao dịch nào đó bị đóng cửa như trước đây không còn nhiều. Thay vào đó, hệ thống ngân hàng tập trung vào sự chuyên nghiệp các dịch vụ, tạo sự thuận lợi tối ưu cho khách hàng tại các điểm giao dịch hiện có. Đồng thời, các ngân hàng đang rất chú trọng nhìn lại việc giải bài toán giảm chi phí trong hệ thống quản lý của mình.
Quỳnh Vũ
thời báo ngân hàng
|