Ngành ngân hàng: Câu chuyện chỉ mới bắt đầu
Bất kỳ một người làm ngân hàng nào cũng phải nơm nớp về khả năng “bộ mặt” nợ xấu sẽ càng “xấu” hơn khi Thông tư 02 bắt đầu được áp dụng vào tháng 6 tới.
Năm cũ đã qua, năm mới đang đến, không ai muốn nhắc đến những cái không hay của ngành ngân hàng, nhất là chủ đề nợ xấu.
Tuy nhiên, bất kỳ một người làm ngân hàng nào cũng phải nơm nớp về khả năng “bộ mặt” nợ xấu sẽ càng “xấu” hơn khi Thông tư 02 bắt đầu được áp dụng vào tháng 6 tới.
“Kiểm soát dòng tiền”: Bài học còn nóng hổi
Các chuyên gia tài chính cho rằng, nhiều năm qua, hệ thống ngân hàng thương mại cũng như ngành ngân hàng nói chung chỉ quan tâm tập trung quản lý tài sản thế chấp thay vì phải quản lý chặt chẽ dòng tiền lưu thông.
Đây là một bài học còn nóng hổi và để ngành ngân hàng hoạt động ổn định lâu dài, cần phải chuyển trọng tâm này.
Với phương thức quản lý kiểu chỉ cần “ôm” tài sản thế chấp thì coi như chắc ăn, ngành ngân hàng đã phải trả giá không nhỏ vì đã “đẩy” vốn một cách vô tội vạ vào bất động sản, vàng…
Chỉ riêng trong năm 2013 vừa qua, lợi nhuận của nhiều ngân hàng đạt chưa tới 40% kế hoạch. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2013 có 17 tổ chức tín dụng bị thua lỗ.
Theo như lời của ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, kết quả kinh doanh của phần lớn các ngân hàng không đạt như kỳ vọng do ngành ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu và đặt mục tiêu chính là ổn định và phát triển bền vững chứ không đặt nặng vấn đề lợi nhuận tối ưu.
Bên cạnh đó, các ngân hàng đang trong giai đoạn chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng cách giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi… khiến lợi nhuận bị sụt giảm.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, lợi ích cục bộ, tầm nhìn ngắn hạn, năng lực hạn chế chính là nguyên nhân căn bản khiến ngành ngân hàng phải lao đao và buộc phải thay đổi.
Thực tế cho thấy, năm 2012, trùng với thời điểm khó khăn nhất của thị trường bất động sản, chứng khoán thì lợi nhuận ngành ngân hàng cũng tụt dốc ảm đạm.
Cụ thể, năm 2012, kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng chỉ bằng khoảng 4% so với năm 2011 khiến không ít ngân hàng không thể chia cổ tức.
Năm 2012 cũng là năm mà lợi nhuận ngành ngân hàng thấp chưa từng thấy do nhiều nguyên nhân như vốn chôn trong bất động sản không thu hồi được, thua lỗ vì vàng, chứng khoán…
Điều này nói lên rằng, một ngành được xem là có vai trò chi phối và quyết định cả nền kinh tế lại phụ thuộc rất nhiều vào một số ngành mà mức độ rủi ro được xem là lớn nhất.
Vấn đề kiểm soát dòng tiền lưu thông, quản trị rủi ro cũng như toan tính lợi nhuận là những chủ đề tiếp tục được bàn luận sôi nổi khi đề cập về câu chuyện hoạt động của ngành ngân hàng trong năm 2014 cũng như các năm tiếp theo.
Theo NHNN, tính đến nay toàn hệ thống ngân hàng đã huy động được 1.132 nghìn tỷ đồng; trong đó chỉ mới cho vay được 952 nghìn tỷ. Do đó, hiện ngành ngân hàng vẫn còn “dư” tới 180 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, số tiền “khổng lồ” này sẽ được “đẩy” vào đâu trong năm 2014?
Theo giới quan sát và phân tích, trước đây, ngoài kênh cho doanh nghiệp vay, để giải phóng vốn ứ đọng nhiều ngân hàng đã cho vay lẫn nhau (hình thức cho vay liên ngân hàng). Tuy nhiên, kênh đầu tư này xem ra kém hiệu quả vì lãi suất rất thấp. Mặt khác, kênh này được xếp vào dạng kênh bảo tồn vốn nên nhiều ngân hàng không còn mặn mà.
Nhiều chuyên gia cho rằng, kênh đầu tư được xem là “điểm sáng” của ngành ngân hàng trong năm 2014 chính là trái phiếu Chính phủ. Thật ra, ngoài kênh này, giới ngân hàng cũng không còn nhiều sự lựa chọn khác.
Trao đổi với PV Tổ Quốc, chuyên gia tài chính – TS. Vũ Đình Ánh – cho rằng, trong năm 2014 gần như chắc chắn Chính phủ sẽ đẩy mạnh phát hành trái phiếu. Trong khi đó, giới đầu tư trái phiếu này chủ yếu là các ngân hàng thương mại. Điều này nói lên rằng, tương lai của ngành ngân hàng gần như đã được định đoạt.
Và, câu chuyện đột phá (nếu có), chỉ mới bắt đầu.
Lợi nhuận còn giảm 5 năm nữa?
Trở lại câu chuyện nợ xấu, ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bình luận rằng, nếu như Thông tư 02 được áp dụng nghiêm ngặt từ ngày 1/6 tới thì “bộ mặt” của nợ xấu vốn đã “xấu” nhiều khả năng sẽ “xấu” hơn.
“Con số nợ xấu đã được công bố chỉ là nợ xấu “kiểu Việt Nam”, theo cách tính của Việt Nam. Nếu tính theo thông lệ quốc tế thì còn “lòi” ra nhiều lắm”, ông Cao Sĩ Kiêm băn khoăn.
Trong khi đó, theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC), lợi nhuận của ngành ngân hàng trong tương lai hoàn toàn phụ thuộc vào Thông tư 02.
Theo VCSC, Thông tư 02 khi bắt đầu có hiệu lực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tín dụng; trong đó, chú ý nhất là việc yêu cầu các ngân hàng tính toán lại nợ xấu đúng theo thực tế, điều này sẽ khiến chi phí dự phòng tăng lên.
Còn về lợi nhuận, việc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) yêu cầu các ngân hàng bán lại nợ xấu để đổi lấy trái phiếu do VAMC phát hành cho đến khi tỷ lệ nợ xấu giảm xuống dưới 3% sẽ khiến lợi nhuận của ngành ngân hàng giảm ít nhất trong 5 năm tới.
Bài toán tăng trưởng tín dụng, theo các chuyên gia, rất khó để tìm ra một đáp án hoàn hảo. Người dân không còn mặn mà gửi tiền vào ngân hàng như những năm trước do lãi suất sụt giảm và niềm tin bị hao mòn, trong khi đầu ra của dòng vốn được dự báo sẽ còn ách tắc.
Trao đổi với PV Tổ Quốc, một chuyên gia tài chính cho rằng, chúng ta hô hào ngân hàng sẽ tập trung vốn cho 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp và nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành hàng ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và xuất khẩu). Tuy nhiên, thực tế nhiều ngân hàng thương mại không mấy mặn mà đối với các kênh đầu tư này.
“Vấn đề vẫn nằm ở tư duy, lợi ích cục bộ cũng như chỉ biết lợi nhuận trước mắt của những người làm ngân hàng”, vị chuyên gia này bình luận.
|
Lê Nguyễn
tổ quốc
|