Thứ Hai, 03/02/2014 15:27

Nợ xấu tiếp tục được “xử” mạnh

Phó chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC Nguyễn Quốc Hùng đã chia sẻ quan điểm trên với phóng viên TBNH về lộ trình xử lý nợ xấu của VAMC trong năm 2014. Với cơ chế hoạt động của VAMC, những DN - khách hàng vay bị nợ xấu cảm thấy yên tâm hơn. Đã có DN bày tỏ mong muốn TCTD bán khoản nợ xấu của họ cho VAMC. Như vậy DN có thể tạm gác khoản vay này sang một bên, tìm phương án sản xuất kinh doanh mới hiệu quả hơn trong năm nay.

Phó chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC Nguyễn Quốc Hùng

Cuối cùng thì VAMC đã “khóa sổ” mua nợ xấu năm 2013 ở con số nào, thưa ông?

Tính đến ngày 31/12/2013, VAMC đã mua 38.900 tỷ đồng nợ gốc, tương đương 32.400 tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt (TPĐB). Con số nợ xấu này được VAMC mua từ 35/36 TCTD gửi hồ sơ đề nghị bán nợ xấu cho VAMC. Như vậy có thể nói, chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là mua 30 – 35 nghìn tỷ đồng nợ xấu bằng TPĐB trong năm 2013.

Con số này có vẻ hơi bất ngờ khi từng có không ít người lo lắng TPĐB sẽ bị “ế”?

Vì thời gian đầu không phải ngân hàng (NH) nào cũng hiểu thấu đáo về cơ chế xử lý nợ xấu của VAMC nên tỏ ra khá e dè. Nhưng khi nhận thức được những lợi ích từ việc bán nợ xấu cho VAMC sẽ giúp họ có thể nhanh chóng làm sạch bảng cân đối kế toán, đồng nghĩa với việc giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro (DPRR), thanh khoản cũng được cải thiện đáng kể… đã làm cho việc mua bán nợ trở nên đắt khách. Một vấn đề quan trọng nữa, đến tháng 6/2014 là thời điểm áp dụng Thông tư 02 với những quy định chặt chẽ về phân loại nợ, trích lập DPRR. Vì vậy các NH cần có lộ trình xử lý nợ xấu một cách nghiêm túc ngay từ bây giờ, coi đó là sự sống còn của mình, nếu không sẽ khó tồn tại được.

Ông có nghĩ rằng sức lan tỏa của VAMC đã “phủ sóng” tới cả nền kinh tế?

Đúng thế. Bạn thử hình dung xem, chỉ với gần 39 ngàn tỷ đồng nợ xấu VAMC mua trong năm 2013 đã có hàng ngàn DN được giải quyết nợ xấu, thậm chí được hỗ trợ để có thể tiếp tục sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy độ phủ sóng của VAMC trong xử lý nợ xấu không chỉ dừng lại trong hệ thống TCTD, mà lan đến cả DN và nền kinh tế. Với cơ chế hoạt động của VAMC, những DN - khách hàng vay bị nợ xấu cảm thấy yên tâm hơn. Đã có DN bày tỏ mong muốn TCTD bán khoản nợ xấu của họ cho VAMC, để họ có thể tạm gác khoản vay này sang một bên, tìm phương án sản xuất kinh doanh mới hiệu quả hơn.

Kế hoạch xử lý nợ xấu của VAMC trong năm 2014 có gì mới, thưa ông?

Theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, VAMC đã xây dựng kế hoạch mua 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu bằng TPĐB trong năm 2014. Thứ hai, công ty sẽ xây dựng đề án mua nợ theo giá thị trường.

Để triển khai đề án này, vấn đề quan trọng nhất là vốn. Vốn sẽ được bổ sung từ ngân sách và huy động từ các tổ chức quốc tế theo hình thức “tiền tươi thóc thật”. Ngoài ra, năm 2014, VAMC tiếp tục rà soát lại tất cả văn bản, quy định pháp luật để kiến nghị với Thủ tướng, các cấp, các ngành hỗ trợ VAMC trong việc hoàn chỉnh thủ tục, nhất là cơ chế xử lý các khoản nợ có tài sản đảm bảo.

Một nhiệm vụ quan trọng trong năm 2014 của VAMC là cùng các TCTD, DN sẽ tiến hành cơ cấu lại nợ, xác định cụ thể những khoản nợ nào có thể cứu chữa được thì sẽ tiếp tục cho tái cơ cấu. DN nào có khả năng tiếp tục phát triển ổn định thì có thể tiếp tục bơm vốn cho vay tiếp. Đối với khoản nợ không còn khả năng cứu chữa được nữa thì bắt buộc phải cho DN giải thể, phá sản, hoặc phát mại tài sản theo quy định của pháp luật.

Việc tổ chức phát mại và cho phá sản DN không thể mình ngành Ngân hàng quyết định được, mà buộc phải có sự tham gia của bộ, ngành liên quan và phải có cơ sở pháp lý phù hợp. Mong là nếu có vướng đâu thì các bộ, ngành sẽ cùng chúng tôi tháo gỡ đến đó.

Với chừng đó công việc trong năm 2014, liệu có tạo áp lực quá lớn cho VAMC không, thưa ông?

Đúng là khối lượng công việc VAMC phải làm trong năm 2014 là rất lớn. Nhưng vì lợi ích của nền kinh tế, chúng tôi sẽ cố gắng dốc sức lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi băn khoăn trong việc xử lý nợ xấu, đó là việc xác định độ rủi ro của các khoản nợ. Sau khi phát mại hết tài sản, số nợ của DN vẫn chưa trả hết được thì cơ quan chức năng xử lý ra sao.

Tôi lấy ví dụ BĐS, lúc DN vay định giá tài sản đảm bảo là 100 tỷ đồng và NH cho vay hết hạn mức này. Nhưng nếu DN không trả được nợ thì bắt buộc phải phát mại tài sản. Nhưng giờ giá trị tài sản này chỉ còn 50% so với ban đầu, tức là chỉ còn 50 tỷ đồng. Vậy con số 50 tỷ đồng bị thất thoát đó, ai sẽ phải chịu trách nhiệm. Liệu NH có bị liên đới với lý do nâng giá tài sản đảm bảo, hay DN bị quy tội lừa đảo? Vấn đề này có bị hình sự hóa hay không? Nếu bị hình sự hóa, chắc chắn khách hàng sẽ không chấp nhận bán tài sản mà “ôm” lại chờ khi giá lên mới chịu bán. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu và cả NH, DN, xã hội sẽ đều chịu thiệt.

Chính vì vậy, thời gian tới tôi kiến nghị với Nhà nước cần có cơ chế rõ ràng; phân biệt đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan để xử lý giữa “có tội” với “vô tội”. Có thể nói, đây chính là vấn đề cần phải tháo gỡ trong thời gian tới và ngoài tầm khả năng xử lý của VAMC.

Trong khi, vấn đề này, ở nước ngoài không quá phức tạp. Bởi họ có thể dùng vốn ngân sách bỏ ra bù đắp khoản thất thoát do giảm giá tài sản thế chấp, thậm chí là chấp nhận mất trắng như đã xảy ra tại Hàn Quốc. Hay tại Malaysia họ có một đạo luật riêng và trao quyền cho VAMC rất lớn để xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo… Còn tại Việt Nam, các luật liên quan đến nhiều vấn đề hình sự, gắn liền trách nhiệm cá nhân, và Nhà nước thì không thể bỏ tiền bù lỗ cho DN như thế được.

Thương vụ mua bán nợ đầu tiên giữa VAMC với Agribank

Theo kế hoạch, VAMC sẽ bán nợ xấu cho các NĐT ngoại. Ông có thể nói rõ hơn phương án này?

Trước mắt, sau khi phân loại nợ, sàng lọc tài sản… nếu DN nào có khả năng phục hồi, VAMC tạo điều kiện cho DN đó. Còn nếu không, VAMC kêu gọi đầu tư vốn ngoại tham gia tái cấu trúc, hỗ trợ vốn cho DN, hoặc có thể họ tham gia đầu tư vào các khu đô thị, khu chế xuất, nhà máy… nếu họ quan tâm. Tuy nhiên để đưa vốn ngoại vào thì cần căn cứ vào quy định của pháp luật Việt Nam.

Thứ nhất, về tỷ lệ NĐT ngoại được tham gia sở hữu vốn tại NH, DN nội. Thứ hai là quyền sở hữu, định đoạt tài sản bằng BĐS ở Việt Nam mà NĐT có được khi tham gia xử lý nợ xấu. Thứ ba là mọi hoạt động của họ liên quan đến lĩnh vực đầu tư khác cũng cần quy định rõ ràng hơn.

Tôi cho rằng, Nhà nước có thể tháo gỡ từng bước cơ chế, không thể làm đại trà được, phải hết sức thận trọng. Ví dụ như đối với NĐT nước ngoài vào mua các tài sản, đặc biệt là dự án BĐS lớn phải hết sức thận trọng, có lộ trình, nghiên cứu về tổng thể an ninh chính trị xã hội chứ không riêng vấn đề tài chính. Với từng đấy vấn đề, tôi cho rằng, việc bán nợ cho NĐT ngoại theo giá thị trường là câu chuyện không đơn giản, cần có sự chuẩn bị kỹ càng về nhiều mặt và có sự phối hợp với các cơ quan chức năng khác.

Vì vậy, vấn đề quan trọng hiện nay, theo tôi, là làm thế nào để tái cơ cấu các khoản nợ xấu, hỗ trợ DN, NH vượt qua được khó khăn chứ không phải tìm mọi cách để bán các khoản nợ xấu với giá rẻ mạt.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Hà Thành thực hiện

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   BIDV đặt chỉ tiêu 6.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2014 (02/02/2014)

>   Ngân hàng sẽ vượng hơn năm Giáp Ngọ? (01/02/2014)

>   Thống đốc NHNN: 50% thành công là nhờ truyền thông! (31/01/2014)

>   Ông Trương Văn Phước: 'CEO ngân hàng cũng là một tu sĩ' (31/01/2014)

>   Thống đốc: “Ngân hàng đến đâu, phải tạo đổi thay đến đó” (31/01/2014)

>   Nhiều nhân viên ngân hàng “chật vật” khi Tết đến (29/01/2014)

>   Tết gặp nhau, sếp ngân hàng kể khổ đi đòi nợ (28/01/2014)

>   Tòa tuyên Huyền Như phải bồi thường gần 4.000 tỷ đồng (28/01/2014)

>   Kết luận thanh tra Agribank: Hàng loạt sai phạm! (28/01/2014)

>   "Anh ve chai" VAMC bế tắc đầu ra (28/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật