Ngân hàng sẽ vượng hơn năm Giáp Ngọ?
Phải đến cuối quý 1/2014 các ngân hàng thương mại mới chính thức công bố báo cáo tài chính 2013, cũng như chuẩn bị cho kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên bàn kế hoạch năm mới.
Gợi mở hướng trở lại.
Thông tin còn phía trước, nhưng kết quả đã định hình. Đến lúc này đã khẳng định một số ngân hàng thương mại, đặc biệt là một số thành viên lớn khối cổ phần không thể hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận, thậm chí chỉ đạt khoảng phân nửa do tham vọng đặt ra đầu năm quá lớn.
Những ngân hàng thua lỗ hoặc mấp mé lãi vẫn là ẩn số, là đặc thù ém thông tin trong nhiều năm qua.
Nhưng, thông tin VnEconomy tìm hiểu bước đầu cho thấy có những sự trở lại khá ấn tượng.
Sau hai năm liền lợi nhuận chỉ ở khoảng 100 - 150 tỷ đồng, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) vừa hoàn thành một năm kinh doanh khả quan hơn. Ước tính lợi nhuận của SeABank năm 2013 đạt hơn 300 tỷ đồng, hứa hẹn một sự trở lại ở ngân hàng có quy mô khá lớn trong hệ thống.
Tại Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), 2013 là năm đặc thù, tập trung xử lý các vấn đề hậu sáp nhập Habubank, kết quả còn chờ kiểm toán và công bố, nhưng thông tin bước đầu cho thấy khá ấn tượng. Một năm sau nhiều khó khăn, SHB đã đạt được hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận; đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu từ rất cao trong năm 2012 đã giảm được về còn khoảng 4,08%, thấp hơn mục tiêu đại hội đồng cổ đông đề ra (5%).
Tương tự, sau hơn một năm tự tái cơ cấu, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cũng đã công bố vượt 15% chỉ tiêu lợi nhuận, đạt 362 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu từng trên dưới 5% đã giảm xuống dưới 2% - thấp hơn chỉ tiêu đầu năm là dưới 3,5%.
Tại một số ngân hàng khác, kết quả bằng con số tuyệt đối vẫn khiêm tốn, song so sánh với năm 2012 ở tốc độ tăng trưởng lại khá khả quan. Như tại Ngân hàng An Bình (ABBank), hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh đều đạt tăng trưởng từ 20 - 25%; tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là tốc độc từ 30 - 35%; tại Ngân hàng Bảo Việt (Baoviet Bank), lợi nhuận trước thuế đạt 146% kế hoạch và nợ xấu đã giảm mạnh còn hơn 3%...
2014, “sẽ khả quan hơn”
Trao đổi với báo chí trước thềm năm mới, ông Nghiêm Xuân Thành, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank - VCB) cho biết, năm 2014 Vietcombank kỳ vọng thị trường và hoạt động ngân hàng sẽ có những chuyển biến tích cực hơn.
Với riêng Vietcombank, trên cơ sở kết quả và sự tích lũy cuối năm 2013, ngân hàng đã mạnh dạn đề xuất với Ngân hàng Nhà nước mức tăng trưởng tín dụng cho năm tới ở khoảng 16 - 17%, cao hơn chỉ tiêu ban đầu của năm trước. Các chỉ tiêu kinh doanh khác sẽ trình đại hội đồng cổ đông, song tinh thần chung là sẽ khả quan hơn, nhưng sẽ quyết liệt hơn.
Tết này, để cổ vũ cho không khí thi đua giữa các chi nhánh và các khối, Vietcombank đã nâng hẳn mức thưởng cho các đơn vị đạt kết quả tốt. Mức thưởng cao nhất 300 triệu đồng cho chi nhánh hiệu quả cao năm trước được nâng hẳn lên 2 tỷ đồng.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc ABBank, cũng nêu cảm nhận rằng, dù còn nhiều khó khăn, song kinh tế vĩ mô cũng đã cho thấy những tín hiệu phục hồi; lạm phát tiếp tục được kiềm chế thành công và tăng trưởng kinh tế đã tốt hơn. Đây là môi trường để ABBank hướng đến một năm khả quan sau khi hoàn thành các bước cơ bản trong quá trình tái cơ cấu tự thân năm 2013.
Tại Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank), các chỉ tiêu kinh doanh năm 2014 cơ bản cũng đã được xác định, cao hơn từ 20 - 30% so với kết quả 2013. Cụ thể, tổng tài sản dự kiến đạt 105.000 tỷ đồng, tăng 20%; tổng huy động 90.000 tỷ đồng, tăng 25%; tổng dư nợ 58.000 tỷ đồng, tăng 30%; nợ xấu kiểm soát dưới 3% và chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là 1.140 tỷ đồng.
Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, định hướng năm 2014 vẫn là phát triển một ngân hàng đa năng, mở rộng mảng bán lẻ và tập trung khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng cá nhân. HDBank đã có thêm thế mạnh ở hướng hoạt động này, sau khi sáp nhập DaiABank và công ty tài chính SGVF trong năm 2013.
“Việc sáp nhập DaiABank sẽ giúp HDBank thụ hưởng được đối tượng khách hàng thân thiết vùng Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, công ty tài chính thành viên SGVF đã có sẵn các sản phẩm cho vay, 400 đối tác và 1000 điểm liên kết kinh doanh cùng với kinh nghiệm từ một ngân hàng hàng đầu của châu Âu, từ đó sẽ mở rộng, phát triển về chất và lượng trong chiến lược bán lẻ”, ông Trung nói.
“Mục tiêu của giai đoạn này là sắp xếp lại toàn bộ cơ cấu tổ chức, mạng lưới hoạt động, nhân sự, tích hợp công nghệ thông tin sau sáp nhập, do đó HDBank chưa đặt ra mục tiêu tăng trưởng quá cao về nguồn vốn và tài sản”, ông Trung cho biết thêm.
Ở kỳ vọng chung, năm 2014 môi trường kinh doanh của hoạt động ngân hàng dự báo sẽ tiếp tục tương đối ổn định: lạm phát gắn với mục tiêu kiềm chế ở mức thấp; mặt bằng lãi suất ổn định, thậm chí có thể giảm tiếp để tạo chi phí thuận lợi hơn cho sản xuất kinh doanh; tỷ giá tiếp tục có cam kết tăng không quá 2%; thanh khoản hệ thống được đảm bảo, ngay cả kỳ cao điểm cận Tết vừa qua; và dễ thấy, ở những ngân hàng trên, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đều đặt ở mức cao hơn nhiều so với năm 2013…
Tuy nhiên, nợ xấu vẫn là một trở ngại lớn trong năm tới. Cho đến thời điểm này, “số phận” của Thông tư 02 và Quyết định 780 vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Theo chia sẻ của một số lãnh đạo ngân hàng tại những buổi gặp gỡ trước thềm năm mới, hai văn bản này và những thay đổi liên quan (nếu có) vẫn là những điểm họ quan tâm nhất, có tác động trực tiếp và sâu sắc nhất đối với hoạt động của họ trong năm 2014.
Minh Đức
vneconomy
|