2014: Ngân hàng cần đáp ứng đủ vốn điều lệ thực
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Ban cố vấn của Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, có 5 công việc mà ngành Ngân hàng cần tiếp tục thực hiện trong năm 2014 để triển khai kế hoạch tái cơ cấu hệ thống.
Ngoài việc ngành phải thực hiện đáp ứng yêu cầu đủ vốn điều lệ thực, 4 công việc còn lại là: Hoàn thành căn bản tái cơ cấu tài chính (nợ xấu); Đáp ứng đầy đủ giới hạn an toàn của tổ chức tín dụng; Tiếp tục triển khai tái cơ cấu hoạt động và quản trị; Tiếp tục hợp nhất, mua lại, sáp nhập tự nguyện.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, năm 2014, nhiệm vụ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng phải đạt được 3 kết quả: Căn bản hoàn thành xử lý nợ xấu; Áp dụng trên thực tế các chuẩn mực kế toán và an toàn; Tập trung hoàn thành tái cơ cấu hoạt động và quản trị.
Đưa ra nhiệm vụ xa hơn, TS. Lê Xuân Nghĩa đặt mục tiêu đến thời điểm 2015, hệ thống ngân hàng phải có tài chính lành mạnh, hệ thống quản trị được cải thiện một bước quan trọng, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về vốn theo tiêu chuẩn Basel II và hệ thống giám sát ngân hàng có hiệu quả.
Về giải pháp xử lý nợ xấu theo kênh VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam), TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, phải có thêm nguồn lực tài chính ngoài trái phiếu đặc biệt để xử lý nợ xấu. Ví dụ như trái phiếu Chính phủ hoặc bán tài sản Nhà nước thông qua các hình thức thoái vốn, bán doanh nghiệp Nhà nước, bất động sản... để hỗ trợ vốn cho VAMC.
Ngoài ra, cần có cơ chế cụ thể hơn về bảo lãnh tín dụng áp dụng cho VAMC với thủ tục đơn giản, hiệu quả để tái cơ cấu doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục sang nhượng, chuyển đổi tài sản áp dụng đặc biệt cho VAMC.
Song Trân
hải quan
|