Kim ngạch XK rau và trái cây: Một tỉ đô, rồi sao nữa?
Bất chấp biến động của nền kinh tế Việt Nam và thế giới, kim ngạch xuất khẩu rau và trái cây Việt vẫn tăng trưởng đều. Nhưng còn đó nhiều nỗi lo.
Theo các nhà nông học, Việt Nam có đầy đủ điều kiện tự nhiên thuận lợi để trồng được hơn 40 loại trái cây. Cho đến năm 2013, diện tích trồng trái cây trên cả nước vào khoảng 874.000 ha, trải dọc khắp tất cả các tỉnh thành với các tỉnh dẫn đầu về diện tích trồng như: Tiền Giang, Đồng Nai, Bắc Giang, Vĩnh Long…
Chạm mốc 1 tỉ USD
Mức tiêu thụ hoa quả bình quân tại thị trường nội địa hiện nay là 78kg/người/năm (bao gồm cả rau củ) và dự báo con số này sẽ tăng trưởng khoảng 10%/năm. Bên cạnh việc cung cấp tới 90% cho thị trường nội địa, Việt Nam đã xuất khẩu trái cây đi nhiều quốc gia trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đều đặn và ổn định.
Năm 2013, lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt 1 tỉ USD. Rất nhiều loại trái cây của Việt Nam đã được đón nhận trên thị trường thế giới như: thanh long, chôm chôm, xoài cát Hòa Lộc…
Câu chuyện của chôm chôm là một điển hình. Trước đây, Thái Lan và Malaysia vẫn là hai nước chủ yếu cung cấp chôm chôm cho thị trường Mỹ. Tuy nhiên, việc trồng chôm chôm ở cả hai nước này vẫn mang tính mùa vụ, trong khi tại Việt Nam cây chôm chôm có thể cho thu hoạch cả năm.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt lợi thế này và xuất khẩu thành công chôm chôm sang Mỹ. Kết quả là năm 2012, Việt Nam đã đánh bật cả hai đối thủ này ra khỏi thị trường Mỹ. Việc khai thác triệt để yếu tố mùa vụ là bài học đắt giá đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây của Việt Nam.
Sẽ mất dần lợi thế?
Tuy nhiên, nếu nhìn vào cơ cấu các nước nhập trái cây Việt Nam có thể thấy, hiện Trung Quốc vẫn đang là thị trường nhập khẩu chính với 64,5% tổng giá trị (chủ yếu xuất theo đường tiểu ngạch). Việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc sẽ là trở ngại lớn đối với ngành trái cây của Việt Nam nếu nhà nhập khẩu này bỗng nhiên quay lưng lại.
Trái thanh long là một ví dụ điển hình. Mặc dù diện tích trồng thanh long chỉ chiếm 3,1% tổng diện tích trồng cây ăn quả của Việt Nam, nhưng loại trái này đang đóng góp tới 55% tổng giá trị xuất khẩu.
Việt Nam cũng được coi là quốc gia dẫn đầu thế giới về lượng cung cấp loại trái này. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu chính của trái thanh long vẫn là Trung Quốc với 77% sản lượng, các thị trường khác chỉ chiếm tỉ lệ thấp như: châu Âu 4%, Mỹ 3%, Nhật 1,5%…
Mấy năm trở lại đây, một số nước khác cũng đã thử nghiệm và đầu tư trồng trái thanh long như: Thái Lan, Philippines, Mỹ, Nhật, Israel… Đặc biệt, mới đây Trung Quốc đã thử nghiệm thành công và trồng đại trà thanh long với quy mô khoảng 20.000 ha ở hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây.
Chỉ ở hai tỉnh này, diện tích trồng thanh long đã gần bằng diện tích thanh long ở Việt Nam (khoảng 25.000 ha). Không còn thế độc tôn trên thị trường thế giới, cây thanh long rất dễ thất sủng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) cho biết, tới bây giờ công ty của ông vẫn chưa có đối sách ứng phó, ngoài việc tận dụng yếu tố mùa vụ.
“Thanh long Trung Quốc chỉ trồng được trong 3 tháng (6, 7, 8) do thời tiết, thổ nhưỡng không phù hợp. Trong khi đó chúng ta lại trồng được cả năm nên tận dụng xuất sang những tháng họ không có hàng. Còn về lâu dài thì… chịu thua”, ông Hiệp nói.
Tiến sĩ Ngô Ngọc Trung Lập, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường, Viện Cây ăn quả Miền Nam (SOFRI) cũng bày tỏ quan ngại: “Chúng ta mới chỉ tận dụng được lợi thế là nước duy nhất trồng được, còn việc cải tiến kĩ thuật để nâng cao năng suất và công tác marketing cho thương hiệu chưa được chú ý. Đây sẽ là mối nguy lớn nếu các quốc gia mạnh về kĩ thuật, công nghệ nhảy vào đầu tư”.
Ông Lập cũng cho hay, Việt Nam hiện có một số loại trái cây mà rất ít hoặc không một quốc gia nào trên thế giới trồng được như quýt tiều, vú sữa hay sơri… nhưng vẫn chưa tận dụng triệt để lợi thế này.
Mới đây, một công ty của Nhật đã qua Gò Công (Tiền Giang) xây dựng một trung tâm nghiên cứu và sản xuất một loại thực phẩm chức năng từ trái sơri để xuất qua Nhật. “Tại sao các doanh nghiệp Việt Nam không làm được điều tương tự, khi có nhiều lợi thế hơn”, nhà khoa học này trăn trở.
Dĩ nhiên, để đưa trái cây Việt Nam thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường thế giới còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có việc đàm phán về kiểm dịch thực vật với Mỹ, Nhật, Úc, New Zealand… Đáng nói là theo ông Lập, việc đàm phán này dường như đang đi chệch hướng.
“Tôi không hiểu tại sao Cục Bảo vệ thực vật chỉ đàm phán với các thị trường có tiêu chuẩn rất cao, trong khi thị trường Trung Quốc chiếm tới 2/3 giá trị xuất khẩu trái cây thì mình lại không đàm phán”, ông Lập nói.
Bên cạnh đó, để nâng cao lợi thế cạnh tranh cho trái cây Việt, PGS, TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng, các nhà vườn cũng như doanh nghiệp trong nước cần phải liên kết sản xuất, chấm dứt tình trạng sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch hiện tại.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh công nghệ sau thu hoạch là hết sức cần thiết để có thể đưa trái cây Việt đi xa hơn, song song với việc áp dụng triệt để các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap trong sản xuất và việc đẩy mạnh công tác quảng bá tiếp thị, xây dựng thương hiệu.
Mai Khanh
doanh nhân sài gòn
|