“Không muốn làm lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước”
“Con đường duy nhất là phải cổ phần hóa để làm sao Nhà nước chỉ là bệ đỡ, chứ không can thiệp vào chuyện kinh doanh của doanh nghiệp”, phát biểu của ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tại hội nghị tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, ngày 18/2.
Xuất phát từ quan điểm trên, nên theo Chủ tịch Sabeco, sang năm, nếu có tổ chức hội nghị tương tự như thế này thì ông mong muốn tham dự với tư cách không còn là lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước.
Hiện Sabeco do ông làm Chủ tịch có vốn lên tới 42.000 tỷ đồng, nhưng theo ông, nếu Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối thì cũng khó có sức bật để cạnh tranh. Ông kiến nghị Chính phủ nên quy định tỷ lệ cổ phần hóa cụ thể cho từng doanh nghiệp, trong đó phải nói rõ là bán cho ai, có bán cho nước ngoài không, bán bao nhiêu %, thông qua phương thức gì… để làm sao vẫn đảm bảo được thương hiệu Việt khi cổ phần hoá.
Ủng hộ quan điểm đẩy mạnh cổ phần hoá, song Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà lại cho rằng, không nên thoái vốn Nhà nước bằng mọi giá. Theo ông, hiện có một tâm lý bao trùm mọi tập đoàn, tổng công ty, đó là sợ thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
Nguyên nhân là do yêu cầu bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước trong bối cảnh thị trường chứng khoán không thuận lợi nên các doanh nghiệp muốn bảo toàn vốn hơn là thoái vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách. Trong khi đó, việc tìm kiếm đối tác trong bối cảnh thị trường khó khăn cũng khiến không ít doanh nghiệp lúng túng. Đó là chưa tính đến tình trạng sở hữu chéo cũng là áp lực khiến cho vấn đề thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa có hiệu quả cao.
“Nhiệm vụ là phải thoái vốn, song hiện nay cũng có doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành lỗ, nhưng cũng có doanh nghiệp hiệu quả nên không phải thoái bằng bất cứ giá nào. Tôi đồng ý có trường hợp phải thoái vốn dưới giá trị sổ sách, dưới mệnh giá nhưng trên nguyên tắc phải bù đắp được dự phòng và phải có lộ trình rõ ràng”, Chủ tịch BIDV nói.
Phản hồi lại ý kiến này, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, Chính phủ không ép doanh nghiệp phải thoái vốn bằng mọi giá. Ông nhấn mạnh, những khoản đầu tư có cơ hội hoặc sẽ có cơ hội thì chưa vội thoái nhưng tinh thần chung phải làm lành mạnh hóa tài chính của doanh nghiệp đầu tư ra ngoài ngành để các tập đoàn, tổng công ty tập trung vào đầu tư lĩnh vực chính.
Về phía Bộ Tài chính - đơn vị chủ trì tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cam kết sẽ hoàn chỉnh quy định tỷ lệ Nhà nước nắm cổ phần cho từng khối doanh nghiệp. Trong đó, với khối ngân hàng thương mại và Tập đoàn Bảo Việt thì cổ phần Nhà nước không thấp hơn 65%. Các doanh nghiệp khác sẽ tỷ lệ này tối đa không quá 65%.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, mặc dù kế hoạch cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đặt ra trong 2 năm tới lên tới 432 doanh nghiệp, song hiện vẫn còn gần 500 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% cổ phần chi phối là quá lớn.
Do đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu bổ sung thêm vào danh sách nói trên theo hướng giảm mạnh số doanh nghiệp giữ 100% cổ phần, giảm hơn nữa tỷ lệ nhà nước chi phối tại những doanh nghiệp đã, đang cổ phần hóa.
Thủ tướng nhấn mạnh cổ phần hóa là tất yếu phải làm, nhưng phải làm đồng bộ các lĩnh vực để các doanh nghiệp nhà nước làm đúng vai trò hiệu quả hơn. Cùng với đó là vai trò quyết liệt chỉ đạo của bộ trưởng, trưởng ngành. Những lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước chần chừ, không thông qua cổ phần hoá phải cách chức, chuyển sang làm nhiệm vụ khác ngay.
“Thực tiễn cho thấy các doanh nghiệp được cổ phần đều làm ăn có lãi nhờ công khai minh bạch, ngăn chặn được được tiêu cực. Vì vậy, càng phải quyết liệt cổ phần hóa nhưng nhất định không được để mất thương hiệu Việt khi cổ phần hoá”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Từ Nguyên
vneconomy
|