Doanh nghiệp Việt Nam bị kiện tại Mỹ?
Những ngày cuối tháng 1 vừa qua các hãng thông tấn tại Mỹ đã đưa tin sự kiện Công ty Làng Văn (Lang Van, Inc.,) có trụ sở tại Westminster, California, Hoa Kỳ đã nộp đơn tại Tòa án California khởi kiện vụ việc xâm phạm bản quyền âm nhạc đối với CTCP VNG - Vinagame (công ty đăng ký hoạt động và có trụ sở chính tại TPHCM) và các công ty/quỹ đầu tư của IDG (có trụ sở tại Hoa Kỳ và Việt Nam).
Làng Văn cáo buộc VNG đã đăng tải 3.000 bài hát, bản ghi âm thuộc sở hữu của mình trên các trang web âm nhạc trực tuyến mp3.zing.vn thuộc sở hữu và điều hành bởi VNG. Làng Văn cũng khởi kiện IDG (đơn vị đầu tư vào VNG) vì cho rằng IDG đã trực tiếp trợ giúp, đóng góp vào quá trình điều hành, quản lý các trang web âm nhạc này. Người dùng ngoài việc có thể nghe trực tuyến các bài hát, bản ghi âm còn có thể tải chúng xuống để sử dụng sau đó. Tất cả các hoạt động này được thực hiện mà chưa có sự cho phép của Làng Văn trong khi Làng Văn đã từng yêu cầu VNG phải trả tiền cho việc sử dụng những bài hát, bản ghi âm này hoặc gỡ bỏ chúng khỏi các trang âm nhạc trực tuyến thuộc sự quản lý của họ.
Theo suy nghĩ thông thường có lẽ vụ kiện này nên được tiến hành tại Việt Nam nơi bị đơn chính tức VNG có trụ sở, nhưng Làng Văn lại kiện tại Hoa Kỳ. Sự lựa chọn này chắc chắn không ngẫu nhiên mà là bước đi có cân nhắc bởi lẽ đối với những vụ kiện liên quan đến mạng Internet từ lâu người ta đã tranh cãi xem thẩm quyền theo lãnh thổ để xét xử những vụ kiện này thuộc về tòa án quốc gia nào.
Internet về bản chất là mạng thông tin không có biên giới quốc gia. Do đó hành vi đăng tải các bài hát, bản ghi âm từ một trang web đặt tại Việt Nam cũng giống như việc đăng tải các bài hát, bản ghi âm này từ bất kỳ đâu trên trái đất và bất kỳ ai ở bất kỳ đâu về nguyên tắc cũng đều có thể truy cập để nghe, xem, tải các bài hát, bản ghi âm này. Như vậy nếu giả định rằng các bài hát, bản ghi âm đều được bảo hộ bản quyền tại tất cả các quốc gia thì xét dưới khía cạnh nào đó tòa án của tất cả các quốc gia đều có quyền thụ lý và xét xử. Trong vụ việc này một điều cũng rõ ràng là các bài hát, bản ghi âm đều được bảo hộ bởi pháp luật Việt Nam, pháp luật Hoa Kỳ, Công ước Berne cũng như Hiệp định Quyền tác giả Việt Nam - Hoa Kỳ, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ nên Tòa án Hoa Kỳ sẽ có thẩm quyền cả về nội dung lẫn thẩm quyền theo lãnh thổ.
Việc kiện tại Hoa Kỳ còn hướng tới một mục tiêu thực tế hơn đó là tối đa hóa khả năng đòi bồi thường thiệt hại bởi theo pháp luật Hoa Kỳ thì cách tính bồi thường thiệt hại không chỉ giới hạn ở nguyên tắc “thiệt hại thực tế” như trong pháp luật Việt Nam mà trong một số trường hợp nhất định thiệt hại có thể lên đến năm lần thiệt hại thực tế. Đó là chưa tính tới cách tính thiệt hại theo pháp luật Hoa Kỳ sẽ bao gồm rất nhiều chi phí mà nguyên đơn có thể đòi hỏi. Ngoài ra IDG là công ty có quốc tịch Hoa Kỳ nên nếu nguyên đơn yêu cầu IDG phải có trách nhiệm liên đới đối với những thiệt hại nguyên đơn phải gánh chịu, thì việc thực thi bản án (nếu tòa án phán quyết) tại Hoa Kỳ cũng sẽ thuận lợi hơn, cũng như các quỹ tham gia đầu tư vào VNG sẽ gây sức ép với VNG để tìm những cách thức giải quyết có lợi cho nguyên đơn.
Vụ kiện này bất luận sẽ kết thúc theo hướng nào đều là tiếng chuông cảnh tỉnh rất mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập. Sẽ rất sai lầm nếu nghĩ rằng hoạt động kinh doanh của mình chỉ gói gọn trong một quốc gia và do đó rủi ro cũng giới hạn trong phạm vi quốc gia. Giờ đây cùng với quá trình hội nhập sâu rộng, nhiều hình thức kinh doanh không có khái niệm biên giới quốc gia và cùng với nó là những rủi ro pháp lý có thể đến từ bất kỳ đâu nếu bản thân doanh nghiệp, người lãnh đạo không có tầm nhìn rộng mở sẽ rất dễ mắc phải những sai lầm có thể đưa doanh nghiệp đến chỗ rắc rối. Do đó bài học không thừa là thời hội nhập là phải có cách tư duy toàn cầu hội nhập.
Quốc Hùng
tbktsg
|