Đề án chính quyền đô thị Tp.HCM sắp trình Bộ Chính trị
Ngày 17/2, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tp.HCM đã tổ chức hội nghị thông qua đề án chính quyền đô thị để chuẩn bị trình Chính phủ vào tháng 3 tới.
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND Tp.HCM Lê Hoàng Quân cho biết, sau khi được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua hồi cuối tháng 9/2013, đề án chính quyền đô thị vẫn tiếp tục được thành phố tiếp thu, bổ sung để đề án hoàn chỉnh hơn, trong đó đáng chú ý là kết quả tích cực lẫn hạn chế qua 4 năm thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, phường xã trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, theo Chủ tịch Lê Hoàng Quân, thay vì việc triển khai thực hiện đề án thí điểm tại một số quận, huyện, Tp.HCM kiến nghị triển khai trên toàn thành phố vì thí điểm ở quy mô nhỏ, cấp quận, huyện sẽ không phát huy được hiệu quả của đề án.
Cũng theo lãnh đạo Tp.HCM, trên cơ sở ý kiến đóng góp của Bộ Nội vụ, thành phố đã đề nghị thống nhất tên gọi là UBND cho tất cả các chính quyền cấp quận huyện, kể cả địa phương không tổ chức hội đồng nhân dân, thay vì tên gọi Uỷ ban hành chính như dự kiến.
Đồng thời, do không tổ chức hội đồng nhân dân ở 13 quận nên Tp.HCM cũng kiến nghị Trung ương cho phép tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố từ 95 lên 200 người.
Ngoài những điểm đổi mới trên, bộ máy chính quyền đô thị Tp.HCM vẫn được tổ chức thành hai cấp hoàn chỉnh, gồm cấp thành phố và 4 thành phố vệ tinh trực thuộc nhằm tăng tính tự quản và tự chịu trách nhiệm.
Phát biểu tại hội nghị Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ, ngành Trung ương phối hợp với Tp.HCM tiến hành rà soát cụ thể các kiến nghị của thành phố trong việc phân cấp, phân quyền các lĩnh vực mà thành phố đề xuất. Tp.HCM cũng cần nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của các ban, bộ, ngành Trung ương để hoàn chỉnh đề án để các cơ quan Trung ương cùng thẩm tra, để Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị vào ngày 13/3 tới, trước khi trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5/2014.
Theo đề án chính quyền đô thị do Tp.HCM xây dựng, trong thời gian tới tại Tp.HCM sẽ được tổ chức theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bao gồm chính quyền Tp.HCM là thành phố trực thuộc Trung ương và chính quyền bốn đô thị thành lập mới trên cơ sở 13 quận hiện hành.
Cơ sở của đề án là do mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay đang ngày càng bộ lộ nhiều bất cập so với yêu cầu quản lý và phát triển đô thị, đặc biệt là mô hình quản lý 3 cấp (thành phố, quận huyên và xã phường) cho thấy kém hiệu quả do quá cồng kềnh, trùng lắp nhiều chức năng, trách nhiệm không rõ ràng…
Đặc biệt, với mô hình chính quyền hiện tại khiến cho nhiều hoạt động không thực quyền mà chỉ mang tính hình thức, không có cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp.
Song Hà
vneconomy
|