Thứ Hai, 17/02/2014 11:15

IPO DNNN: Năm ăn năm thua

Rất nhiều ý kiến từ phía các NĐT nội cho rằng, nền kinh tế vĩ mô không là điều kiện quyết định sự thành công của các cuộc chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng, mà triển vọng từ nội lực của DN mới quyết định được sự thành bại của các đợt IPO.

Vĩ mô hỗ trợ

Về mặt vĩ mô, báo cáo mới nhất của Ngân hàng ANZ đã điều chỉnh dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2014 lên 5,6% từ mức 5,5% trước đó với sự hỗ trợ của nhu cầu trong nước đang dần tăng trở lại. Cũng theo ANZ, ngày 23/1 tổ chức định mức tín nhiệm Fitch đã là tổ chức đầu tiên ghi nhận sự phục hồi các nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Fitch cũng từng là tổ chức đầu tiên hạ bậc Việt Nam khi nền kinh tế xuất hiện những dấu hiệu bất ổn.

Mức dự báo này cũng trùng với dự báo của Ngân hàng HSBC đưa ra trước đó. Cụ thể, HSBC cho rằng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng mạnh trong năm nay, hỗ trợ nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 5,6%. Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng của HSBC (PMI - một chỉ số tổng hợp được tạo ra nhằm khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất) trong tháng 1/2014 cho thấy, tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã lấy lại được động lực vào đầu năm 2014. Mức đánh giá cao nhất trong 33 tháng qua với sản lượng, việc làm và đơn đặt hàng mới đều tăng mạnh.

Để IPO thành công, tiềm lực nội tại của doanh nghiệp mang yếu tố quyết định

Kinh tế vĩ mô đi vào ổn định, thị trường chứng khoán (TTCK) từ đầu năm 2014 cũng thể hiện nhiều yếu tố tích cực. Sau khi tăng hơn 20,6% trong năm 2013, chỉ số VN-Index tăng tiếp 10,3% trong tháng 1/2014, tốt hơn nhiều so với các thị trường trong khu vực. Nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài cũng đã mua ròng trong 5 tháng liên tiếp và theo ANZ, chỉ từ đầu năm 2014 đến nay, khoảng 70 triệu USD của các quỹ đầu tư nước ngoài đã chảy vào chứng khoán trong nước.

Bày tỏ quan điểm về triển vọng dòng vốn gián tiếp, ông Chad Ovel, Phó tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Mekong Capital cho biết, hầu hết dòng vốn đầu tư đều đến từ nước ngoài, không phải từ NĐT trong nước. “Chúng tôi rất có lòng tin vào nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ngành hàng tiêu dùng với tốc độ tăng trưởng rất cao trong vòng 10 năm tới. Chúng tôi đang làm mọi cách để thuyết phục các NĐT nước ngoài hiểu rằng, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều. Dòng vốn FII sẽ tăng trong thời gian tới”, ông Chad nói.

Với những dấu hiệu tích cực trên, hẳn trong hai năm tới, việc cổ phần hóa các công ty như Vietnam Airlines, Vinatex, hay MobiFone sẽ có thời cơ đồng loạt thực hiện - điều không thể tiếp tục trì hoãn khi mới đây người đứng đầu Chính phủ đã nhắc lại thông điệp này. Dự kiến, sắp tới sẽ có một lượng hàng khủng được chào bán trên thị trường và NĐT đang đứng trước cơ hội lựa chọn những cổ phiếu loại ưu.

Chưa hẳn IPO sẽ thành công

Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự đoán và thể hiện sự kỳ vọng của nhà môi giới, tổ chức quản lý quỹ hoặc các tổ chức tài chính có gắn lợi ích với các NĐT. Thực tế, rất nhiều ý kiến từ phía các NĐT nội lại cho rằng, nền kinh tế vĩ mô không là điều kiện quyết định sự thành công của các cuộc chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng (IPO), mà triển vọng từ nội lực của DN mới quyết định được sự thành bại của các đợt IPO.

NĐT trong nước hiện nay cũng đã có sự chuyển hướng, không còn lướt sóng nhiều như trước. Năm 2013 chứng kiến nhiều đợt tăng trưởng của các blue-chips, cho thấy NĐT đã đầu tư một cách chọn lọc và cẩn thận hơn nên IPO của các DNNN tốt mới được các NĐT trong nước quan tâm.

Thừa nhận điều này, ông Lê Đình Minh Phương, Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, ba năm vừa qua TTCK Việt Nam đi ngang nhưng cổ phiếu của những công ty như Vinamilk (VNM), hay những công ty ngành cao su vẫn được nhiều người săn đón, thay vì cổ phiếu mới được lên sàn BID (cổ phiếu BIDV). “Việc thành công của các IPO chủ yếu xuất phát từ bản thân công ty, hoạt động kinh doanh có thực sự hiệu quả hay không, tiềm năng tăng trưởng như thế nào. Nếu các điều kiện trên đều tốt thì chắc chắn sẽ thu hút được NĐT nước ngoài và IPO sẽ thành công”, ông Phương nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó trưởng Bộ phận nghiên cứu vĩ mô/thị trường của Công ty chứng khoán Bảo Việt cho rằng, các điều kiện thị trường đang tốt dần lên sẽ khiến nhu cầu mua chứng khoán của NĐT trong ngoài nước tăng. Chứng khoán mới hay cũ, miễn là tốt sẽ được đón nhận. Tuy nhiên, theo ông Bình, cũng phải nhìn lại quãng đường IPO của những DNNN trước đây. Có những DN IPO thành công nhưng không hẳn là tất cả. “Do vậy, để IPO thành công hay không phụ thuộc nhiều vào nội tại của DN đó, như lĩnh vực hoạt động có tiềm năng không, vị thế của công ty trong ngành như thế nào và kết quả kinh doanh công ty những năm trước ra sao”, ông Bình nói.

Rõ ràng, các DN kinh doanh không hiệu quả cũng không thể đảm bảo là sẽ thành công nếu IPO trong năm nay, khi những DN dẫn đầu ngành như MobiFone hay Vietnam Airlines sẽ rất hấp dẫn các NĐT. Nói thêm quan điểm, ông Bình cho rằng NĐT nước ngoài đánh giá cao sự ổn định kinh tế thời gian vừa qua, nhưng chỉ mới là bước đầu tiên. Việc Việt Nam có thực sự hồi phục trở lại mức tăng trưởng cao trước đây lại là một câu chuyện khác và vẫn có nhiều nghi ngại xung quanh vấn đề này.

“Thúc đẩy TTCK đi lên không thể bằng cách hô hào, mà phải từ bản chất, từ nội lực của từng DN, của nền kinh tế. Rất khó để tin rằng, sẽ có một nguồn lực nào đủ mạnh để thúc thị trường đi lên, bởi thị trường đã đủ lớn đến mức chỉ có sự tự nguyện tham gia của các NĐT, các thành viên trong đó, mới có thể tạo nên sự bứt phá”.

Ông Nguyễn Thế Minh, Tổng giám đốc CTCK SHB


Kim

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp nhà nước: Vẫn loay hoay với cổ phần hóa (16/02/2014)

>   Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần của Công ty CP Than Miền Nam (14/02/2014)

>   Cổ phần hóa: đừng bỏ lỡ cơ hội lần hai (13/02/2014)

>   Doanh nghiệp vẫn muốn giữ cổ phần chi phối (12/02/2014)

>   Thông báo mời chào làm đại lý đấu giá Công ty TNHH MTV Đăng kiểm xe cơ giới Tây Ninh (11/02/2014)

>   Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần của Công ty Cổ phần Xây lắp Thừa Thiên Huế (11/02/2014)

>   Chứng khoán khởi sắc sẽ hỗ trợ cổ phần hóa (10/02/2014)

>   Đột phá từ cổ phần hóa (06/02/2014)

>   Hàng loạt "ông lớn" sẽ lên sàn? (04/02/2014)

>   Cổ phần hóa Tổng công ty Công nghiệp ô-tô Việt Nam (28/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật