Doanh nghiệp nhà nước: Vẫn loay hoay với cổ phần hóa
Liên tiếp các thông điệp cải cách khối doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa DNNN được đưa ra. Lãnh đạo khối DN này cũng nêu quyết tâm hành động trong năm 2014.
Phương án cổ phần hóa Tập đoàn Dệt may Vệt Nam (Vinatex) đã trình Bộ Công thương và chờ thẩm định. Vinatex tin rằng, trong 6 tháng đầu năm 2014 sẽ thực hiện IPO công ty mẹ của Tập đoàn. Hiện nay tập đoàn đã thoái 70% vốn đầu tư ngoài ngành. Một số khoản vốn của Vinatex có giá bán trường cao hơn giá hạch toán hay giá đầu tư ban đầu.
Dự kiến sau cổ phần hóa, Vinatex sẽ có vốn điều lệ khoảng 5.000 tỷ đồng; trong đó bán 49% cổ phần ra bên ngoài, còn Nhà nước vẫn nắm giữ 51% cổ phần. Ðến sau năm 2017, Tập đoàn này sẽ tiếp tục bán tiếp phần vốn nhà nước còn lại.
Ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy VN (Lilama), cho biết, việc cổ phần hóa Lilama đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và theo lộ trình đến hết năm 2015 phải hoàn thành. Lilama hiện đã thành lập ban chuẩn bị để thực hiện nhiệm vụ.
Mục tiêu lẫn quyết tâm chính trị về việc cổ phần hóa đã được nêu lên rất cao. Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định, việc triển khai cần được thực hiện gấp rút hơn hơn nữa trong giai đoạn 2014 – 2015. Dự kiến đến năm 2015 sẽ cổ phần hóa 500 DN, 600 DN còn lại sẽ cổ phần hóa những năm tiếp theo lãnh đạo các DN, tập đoàn cũng chia sẻ "sẽ dốc toàn lực thực hiện”.
Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Đức Thành cho rằng cổ phần hóa 500 DNNN trong giai đoạn 2014 - 2015 không phải là quá khó, nếu có 100% chỉ cần bán 2% trong DNNN đã được coi là cổ phần hóa. Vấn đề là cổ phần hóa đến mức nào? Bao nhiêu tài sản nhà nước được chuyển ra khỏi Nhà nước, được bán cho người khác? Quan trọng hơn là số cổ phần hóa đó có lưu thông được trên thị trường chứng khoán hay không. Khi đó dân mới giám sát được quá trình hậu cổ phần hóa của DN.
Muốn cổ phần hóa thành công, và nhanh cần phải tạo cơ chế mở, xóa đi những cản trở quá trình cổ phần hóa DNNN liên quan đến vấn đề xác định giá trị DN; việc chọn đối tác chiến lược. Trong đó việc xác định giá DN luôn bị các lãnh đạo than phiền: "khó thực hiện khi chứng khoán chưa khởi sắc”. TS Trần Du Lịch cho rằng đối với những DNNN hoạt động trong các lĩnh vực mà Chính phủ có chủ trương kêu gọi đầu tư dưới hình thức PPP, thì nên ưu tiên cổ phần hóa, mà phần "đối tác nhà nước” trong những doanh nghiệp này chỉ dưới 30% để các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư.
Phần lớn các ý kiến chuyên gia đều cho rằng, cổ phần hóa DNNN, muốn không ỳ ạch, phải thay đổi tư duy của người quản lý. Việc tạo ra một cơ quan liên bộ chịu trách nhiệm giám sát và phối hợp trong công tác cải cách DNNN sẽ giúp thúc đẩy quá trình tái cơ cấu các DNNN. Cổ phần hóa là phải thay đổi được căn bản hệ thống động lực nội sinh và tạo áp lực thị trường đầy đủ đối với DNNN, qua đó tài sản quốc gia được quản lý và sử dụng có hiệu quả hơn, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế.
Hồ Hương
Đại đoàn kết
|