Thứ Năm, 13/02/2014 11:36

Cổ phần hóa: đừng bỏ lỡ cơ hội lần hai

The Blackstone Group - tập đoàn ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản khổng lồ của Mỹ - ít khi để mắt tới thị trường Việt Nam cho tới gần đây người ta nhìn thấy cái tên Blackstone trong số các đối tác nước ngoài sẵn sàng trở thành cổ đông của Tổng công ty Khí (GAS-Hose).

Vào trung tuần tháng 1-2014, GAS một lần nữa lại đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục cổ phần hóa. Đề xuất của GAS là hoặc Nhà nước bán bớt cổ phần đang sở hữu, hoặc tổng công ty sẽ phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn. Phần phát hành thêm chủ yếu hướng đến các tổ chức chiến lược nước ngoài. Số tiền thu được GAS sẽ sử dụng để cùng với tập đoàn Dầu khí và các thành viên chủ chốt của tập đoàn này, mua lại lô B Ô Môn ở miền Tây Nam bộ, mỏ khí mà trữ lượng được ước tính đủ cung cấp nguyên liệu cho hoạt động của năm nhà máy điện.

Cổ phần hóa bước hai nhìn từ GAS

Khoảng 70% vốn đầu tư vào lô B Ô Môn là của nước ngoài và 30% của PetroVietnam. Hiện tập đoàn Chevron (Mỹ) muốn nhượng lại phần dự án của họ do những đàm phán về giá bán khí không mang lại kết quả vì Chevron đòi giá quá cao. GAS muốn mua lại phần đầu tư xây dựng đường ống dẫn khí với tổng chiều dài 400 ki lô mét. Số vốn cần thiết lên tới cả tỉ đô la Mỹ. Chỉ có cách hoặc Nhà nước cho phép GAS giữ lại lợi nhuận sau thuế hàng năm để tái đầu tư, hoặc GAS tiếp tục cổ phần hóa để có tiền mua lại.

 Việc giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước ở những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối như GAS, Vinamilk, Habeco, Sabeco, Bảo Việt, các công ty dược phẩm... nên được tiến hành càng sớm càng tốt. Điều cần quan tâm là sự phát triển của những doanh nghiệp này đóng góp ra sao vào ngân sách quốc gia, vào quá trình tạo công ăn việc làm cho người lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nguồn tin từ GAS nói với TBKTSG, Chính phủ đã đồng ý về mặt nguyên tắc cho phép PetroVietnam (trong đó có GAS như một công ty con) mua lại dự án lô B Ô Môn trên cơ sở tự cân đối nguồn tài chính. Trong bối cảnh thu ngân sách đang khó khăn và Nhà nước chủ trương thu về ngân sách phần lợi nhuận từ các doanh nghiệp nơi Nhà nước vẫn còn giữ cổ phần chi phối, thật khó hình dung khả năng GAS sẽ được giữ lại toàn bộ hoặc một phần lợi nhuận sau thuế của năm 2013 để tái đầu tư. Để tham gia mua lại dự án lô B Ô Môn, phương án khả thi hơn cả là GAS cổ phần hóa bước hai.

Vì sao GAS phải dấn tiếp cổ phần hóa bước hai? Ngoài lý do đề cập ở trên, GAS phải thực hiện cam kết tiếp tục cổ phần hóa với các nhà đầu tư và cổ đông trong đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đầu tiên cuối năm 2010. Lần đó GAS đã phát hành thành công 62 triệu cổ phiếu, tương đương 3,28% cổ phần và Nhà nước sở hữu 96,72%. Tỷ lệ này vẫn không thay đổi cho đến nay. Từ khi niêm yết, GAS với mức vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán và tác động đáng kể đến biến động của chỉ số VN-Index, trở thành cổ phiếu gần như bắt buộc phải có trong danh mục của các tổ chức. Hiện nước ngoài đang nắm giữ 2,5% cổ phần của GAS (tính đến ngày 27-1-2014 theo dữ liệu cập nhật của Hose), và lượng cổ phiếu còn lại có thể giao dịch rất hạn chế với tỷ lệ 0,78%. Những con số này cho thấy tính đại chúng của GAS gần như không còn.

Cơ hội lần hai

Năm 2006-2007, trước và sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã có cơ hội có một không hai để đẩy nhanh cổ phần hóa, phát triển thị trường tài chính. Ngày ấy dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chực chờ trước cửa, đợi được giải ngân vào các đợt IPO của doanh nghiệp. Tiếc rằng cơ hội ấy đã không được tận dụng, nó đã vuột qua nhanh chóng.

Bây giờ là cơ hội lần hai, dẫu nhỏ hơn lần trước và đòi hỏi Việt Nam phải là người khơi lên ngọn lửa cũng như duy trì nguồn nguyên liệu cho ngọn lửa đó cháy lâu bền. Sau cuộc khủng hoảng kéo dài từ năm 2008, nền kinh tế đã có dấu hiệu tạo đáy và chuẩn bị đi lên. Sự đi lên hứa hẹn nhiều vất vả vì lần này nguồn lực tài chính không dư dả bởi nợ công đang tăng và tín dụng ngân hàng kiệt quệ do gánh nặng nợ xấu.

Có lẽ Nhà nước đã cảm nhận được điều đó khi tái khởi động tiến trình cổ phần hóa với sự tham gia của một số đại gia. Ngay trước Tết, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất cổ phần hóa Tổng công ty Hàng không (ACV), đơn vị đang khai thác, quản lý hàng chục sân bay trên toàn quốc, trong đó có Tân Sơn Nhất và Nội Bài. ACV với số vốn 14.693 tỉ đồng, dự kiến sẽ IPO 25% vốn, Nhà nước giữ 75%. Ngoài việc phát triển các cảng hàng không, ACV đang cần vốn để đầu tư sân bay Long Thành. Phương án cổ phần hóa ACV còn chờ Chính phủ phê duyệt.

Trong khi đó, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines toan tính sẽ cổ phần hóa xong trong năm nay và thu được 200 triệu đô la Mỹ từ đợt IPO đầu tiên. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển BIDV cho biết đang gấp rút tìm đối tác chiến lược ngoại để giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước. Tổng công ty Dệt may Vinatex chuẩn bị IPO...

Tuy nhiên chất lượng cổ phần hóa sẽ không chỉ dừng lại ở những doanh nghiệp IPO lần đầu, mà sự hội nhập cũng như cam kết cải cách triệt để khối quốc doanh phải đến từ các doanh nghiệp đã và đang cổ phần hóa dở dang. Việc giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước ở những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối như GAS, Vinamilk, Habeco, Sabeco, Bảo Việt, các công ty dược phẩm... nên được tiến hành càng sớm càng tốt. Điều cần quan tâm là sự phát triển của những doanh nghiệp này đóng góp ra sao vào ngân sách quốc gia, vào quá trình tạo công ăn việc làm cho người lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước không thể là đối tác chiến lược của những doanh nghiệp lớn. Lúc này cổ phần hóa cần sự góp sức của những tổ chức đầu tư cả nội lẫn ngoại. Thông thường các tổ chức ưa chuộng những doanh nghiệp mà tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước không còn chi phối. Đối với họ, đây là một trong những điều kiện để nâng cao trình độ quản trị công ty, điểm yếu của không ít doanh nghiệp nội địa. Làm sao GAS có thể kêu gọi vốn của Blackstone hay TokyoGas khi cổ phần Nhà nước sở hữu vẫn còn áp đảo? Làm sao Vinamilk có thể lớn nhanh khi mỗi lần cần quyết định đầu tư nhanh chóng như chớp thời cơ, công ty vẫn phải chờ cổ đông nhà nước xin ý kiến cấp trên phê duyệt? Người ta cũng không khỏi băn khoăn vì sao 5-6 năm qua Sabeco không niêm yết, không tìm được cổ đông chiến lược nước ngoài? Phải chăng tất cả là do VN-Index rớt thê thảm, do không thương lượng được giá bán hay còn do tầm nhìn thấy cái lợi trước mắt mà chưa thấy cái lợi lâu dài cho đất nước?

Marc Faber, một nhà đầu tư Thụy Sỹ, chủ bút của Gloom Boom & Doom Report có uy tín trong giới tài chính quốc tế, người đang góp vốn vào một quỹ ngoại chuyên đầu tư vào Việt Nam, ngày 28-1-2014 mới đây nói rằng ông thích Việt Nam, nơi “nền kinh tế vẫn còn những vấn đề của nó và thị trường đã giảm sâu. Nhưng nên để mắt đến Việt Nam. Đây là TPHCM, đây là sông Mê Kông, đây là Đà Nẵng...”. Từ “để mắt” đến rót tiền vào là một khoảng cách không nhỏ đối với giới đầu tư. Liệu bao giờ Việt Nam thu hẹp được khoảng cách đó?

Hải Lý

tbktsg

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp vẫn muốn giữ cổ phần chi phối (12/02/2014)

>   Thông báo mời chào làm đại lý đấu giá Công ty TNHH MTV Đăng kiểm xe cơ giới Tây Ninh (11/02/2014)

>   Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần của Công ty Cổ phần Xây lắp Thừa Thiên Huế (11/02/2014)

>   Chứng khoán khởi sắc sẽ hỗ trợ cổ phần hóa (10/02/2014)

>   Đột phá từ cổ phần hóa (06/02/2014)

>   Hàng loạt "ông lớn" sẽ lên sàn? (04/02/2014)

>   Cổ phần hóa Tổng công ty Công nghiệp ô-tô Việt Nam (28/01/2014)

>   Cơ chế mới: Làm nóng cổ phần hóa (24/01/2014)

>   Sẽ cổ phần hóa 500 DNNN trong 2 năm (23/01/2014)

>   Cổ phần hóa doanh nghiệp: Khi Bộ Tài chính cầm tay chỉ việc (21/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật