Gian nan tổng thầu EPC trong nước
Trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu trong nước tham gia làm tổng thầu EPC các dự án lớn, trọng điểm, dần dần giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tự mình đảm nhận các khâu từ thiết kế, mua sắm, xây dựng, lắp đặt, hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà thầu nước ngoài, nâng cao nội lực. Tuy nhiên, đến nay các nhà thầu trong nước vẫn chưa xứng tầm với tư cách là một nhà thầu EPC độc lập, có thể cạnh tranh với các nhà thầu nước ngoài.
Mười năm kể từ ngày có chủ trương của Chính phủ, với tham vọng thành lập một tập đoàn công nghiệp nặng có thể tham gia các khâu của tổng thầu EPC, Chính phủ đã thành lập tập đoàn Xây dựng công nghiệp Việt Nam, mà nòng cốt là các doanh nghiệp mạnh thuộc các ngành xây lắp: Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Lilama, Tổng công ty Cơ khí xây dựng... để có thể đảm nhận hoàn toàn các khâu thiết kế, mua sắm, xây dựng. Tuy nhiên, không lâu sau đó mô hình này đã tan rã.
Các dự án mà các doanh nghiệp này thực hiện chủ yếu là các dự án dùng vốn nhà nước và được ưu tiên chỉ định thầu, chưa có dự án nào doanh nghiệp tự đấu thầu và thắng thầu EPC. Để có thể vực dậy và nâng cao năng lực các doanh nghiệp tổng thầu EPC trong nước, cần có những giải pháp quyết liệt từ phía Chính phủ và chính bản thân các doanh nghiệp tổng thầu.
Trước hết, cần nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực vì đây là yếu tố quan trọng nhất để quản lý, điều hành dự án thành công. Doanh nghiệp tham gia làm tổng thầu EPC phải có chuyên gia lành nghề trong các lĩnh vực liên quan như: thiết kế, xuất nhập khẩu, vận tải, logistics. Đội ngũ này có thể gửi đào tạo ở nước ngoài hoặc thuê từ các công ty cung cấp nhân sự hoặc các công ty chuyên ngành trong lĩnh vực đó. Các chuyên gia này sẽ làm việc tại doanh nghiệp thuê trong vòng 3-5 năm. Họ có nhiệm vụ đào tạo và chuyển giao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ doanh nghiệp.
Việc hình thành các doanh nghiệp tổng thầu EPC không nên đi theo mô hình cũ là sáp nhập các công ty có ngành nghề liên quan, mỗi doanh nghiệp phụ trách một khâu: thiết kế, lắp máy, xây dựng, mà nên tập trung vào các doanh nghiệp có lợi thế. Các doanh nghiệp phải tự mình xây dựng được một hệ thống nhà cung cấp (vendor) và nhà thầu phụ uy tín trong và ngoài nước để có thể đáp ứng nhu cầu về chất lượng cũng như giá cả hợp lý, đủ sức cạnh tranh.
Cần xóa bỏ tư tưởng “xin-cho” chi phí phát sinh. Do cơ chế hiện hành quy định các doanh nghiệp được chỉ định làm tổng thầu EPC theo cơ chế 797 và 400 thì giá gói thầu sẽ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự toán nên lâu nay các doanh nghiệp tổng thầu thường có suy nghĩ cứ thực hiện sau đó duyệt dự toán và xin thêm phần phát sinh. Chính do tư tưởng này nên các doanh nghiệp thường không hoặc cố tình tính toán không hết các khoản mục chi phí, khi thực hiện lại yêu cầu phát sinh nên đẩy tổng dự toán đầu tư lên cao, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Nên nhớ trong nền kinh tế thị trường, dự án thực hiện theo phương thức tổng thầu EPC đồng nghĩa với “chìa khóa trao tay” nên việc đòi thêm chi phí phát sinh đối với các chủ đầu tư không phải nhà nước là chuyện “mò kim đáy bể”. Không cách nào khác, doanh nghiệp tổng thầu EPC phải tính toán chính xác giá bỏ thầu và quản lý chặt chẽ chi phí để đảm bảo giá cạnh tranh và có lợi nhuận.
Cuối cùng, Nhà nước phải có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua cơ chế cấp tín dụng hoặc chính sách ưu đãi thuế. Đây là các chính sách mà các nước vẫn thường áp dụng và không bị ràng buộc bởi các chế tài của các hiệp định thương mại ASEAN hoặc WTO. Nhà nước thông qua hệ thống ngân hàng thương mại phải sẵn sàng tài trợ vốn cho các dự án mà các doanh nghiệp trong nước trúng thầu EPC. Dĩ nhiên các ngân hàng phải làm nhiệm vụ thẩm định dự án với quy trình chặt chẽ, thận trọng.
TS. Võ Duy Nghi
thời báo kinh tế sài gòn
|