Thứ Bảy, 22/02/2014 15:21

Đi để về lớn mạnh hơn

Vượt qua những khó khăn trong nước, thời gian qua, nhiều DN Việt Nam đã mở đường ra nước ngoài tìm những những vùng đất mới. Và có một hướng đầu tư đáng chú ý là DN đầu tư ra nước ngoài để quay về chiếm lĩnh thị trường nội địa hoặc tạo cơ sở hỗ trợ cho chiến lược sản xuất kinh doanh bền vững trong nước.

Hoạt động sản xuất tại Công ty may Đức Giang. Ảnh: TRẦN VIỆT

Ra đi…

Những ngày cuối cùng của năm 2013, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) công bố thông tin đã nhận được đăng ký kinh doanh và thành lập Công ty Angkor Dairy Products có vốn đăng ký 420 tỷ đồng tại Campuchia. Đầu tháng 12-2013, Vinamilk cũng quyết định chi 7 triệu USD mua công ty sữa của Mỹ là Driftwood Dairy để mở rộng thị trường. Nhưng một điểm nhấn đáng chú ý khác trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Vinamilk là động thái rót thêm hơn 14 triệu USD cho dây chuyền sản xuất sữa tươi tại New Zealand. Đến nay, sữa tươi tiệt trùng nhãn hiệu Twin Cows do chính Vinamilk sản xuất tại New Zealand đã được đưa trở về kinh doanh và cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm ngoại ở thị trường nội địa.

Theo tổng kết của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), trong 4 năm hoạt động, từ tháng 12- 2009 đến hết năm 2013, tổng vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam vào Campuchia đã đạt trên 3 tỷ USD với 126 dự án, gấp gần 6 lần về tổng vốn đầu tư và trên 3 lần về số lượng dự án so với trước năm 2010. Việt Nam hiện xếp thứ 5 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Campuchia.

Mặc dù xu hướng đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam hiện nay chủ yếu là các nước láng giềng nhưng điều đáng nói là phương thức này không còn là trường hợp cá biệt trong đầu tư của DN Việt Nam.

Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, do nắm được tâm lý của người dân Việt Nam hiện nay là thích hàng ngoại, nên chính các DN Việt đã sản xuất những thương hiệu như Dr Kool hay nước rửa tay Dr. Clean ở nước ngoài rồi sau đó đưa hàng hóa quay về Việt Nam để tiêu thụ. Việc nhiều DN ra đi để quay về trong tâm thế lớn mạnh hơn - đầu tư sản xuất ở nước ngoài theo tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao sức cạnh tranh với hàng ngoại ở ngay thị trường nội địa - còn sẽ là thách thức mới đối với các DN sản xuất trong nước.

… để quay về

Không chỉ đơn thuần là sản xuất hàng hóa có thương hiệu ngoại nhập để cạnh tranh, xu hướng đầu tư ra nước ngoài để tạo cơ sở hỗ trợ cho chính chiến lược sản xuất kinh doanh bền vững trong nước của DN cũng đang được DN chú ý. Năm 2015, Việt Nam sẽ là thành viên của Cộng đồng kinh tế chung ASEAN. Khi đó, ASEAN là một thị trường duy nhất, hướng tới tự do hóa các dòng chảy hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư và lao động. Do đó, nếu đầu tư sản xuất ở các nước trong khối ASEAN, DN vừa tận dụng được thế mạnh bản địa vừa tiết giảm chi phí sản xuất mà hàng hóa vẫn đạt được tỷ lệ sản xuất nội khối để tận dụng ưu đãi thuế theo các Hiệp định thương mại tự do mà khối ASEAN ký kết với các thị trường quốc tế khác.

Ông Nguyễn Văn Châu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thúy Đạt chuyên XNK sản phẩm dệt may cho biết, đây chính là cơ hội cho DN khi hướng đến việc xuất ngoại để trồng bông nguyên liệu cho hàng dệt may XK của DN mình. Hiện dự án trồng bông nguyên liệu tại Lào nhằm hoàn thiện quy trình khép kín từ trồng bông đến sản xuất sản phẩm dệt may và XK của Công ty Thúy Đạt đã được Chính phủ Lào cấp 9.500 ha đất, tất cả thủ tục đã hoàn tất và cuối năm 2014 dự án sẽ chính thức triển khai. Nói về dự án hướng tới sự phát triển bền vững này của DN, ông Nguyễn Văn Châu nhận định, trồng nguyên liệu là để thực hiện giải pháp về xuất xứ hàng hóa. Dệt may của Việt Nam hiện là ngành có kim ngạch XK lớn nhưng là XK sức lao động, do đó nếu có công nghiệp phụ trợ, đầu tư vùng nguyên liệu giá trị XK sẽ lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Châu cũng cho rằng, đầu tư trồng nguồn nguyên liệu lợi nhuận không cao, chỉ giúp DN ổn định và chủ động trong hoạt động sản xuất, điều này khiến các DN ngại đầu tư, do đó Nhà nước cần hỗ trợ DN có lợi nhuận ban đầu nhằm khuyến khích các DN đầu tư mạnh hơn theo xu hướng này.

Hiện mỗi năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam đều đạt những con số ấn tượng nhưng theo các DN Chính phủ cũng cần tạo điều kiện cho DN đầu tư ra nước ngoài đem để lợi tức về cho đất nước. Ví như Nhật Bản, một quốc gia có lợi tức từ hoạt động đầu tư nước ngoài lớn hơn lợi tức tạo ra trong nước. Hiện nay, DN Việt Nam đầu tư ra ngoài chưa lớn, chủ yếu là những nước láng giềng, ngoài mục tiêu kinh tế việc đầu tư còn góp phần gắn kết quan hệ chính trị, ngoại giao... Nhưng trong tương lai xa, DN Việt chắc chắn sẽ mở rộng phạm vi đầu tư, vươn ra biển lớn. Ra đi để trở về lớn mạnh hơn, đây thực sự là một trong những phương thức hiệu quả để DN nước ta học cách vững tay chèo khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu và rộng hiện nay.

An Tư

báo hải quan

Các tin tức khác

>   Những mặt hàng xuất khẩu chính tháng 1-2014 (22/02/2014)

>   Doanh nghiệp mong mỏi một nền kinh tế kỷ cương (22/02/2014)

>   Khoảng trống khó hiểu! (22/02/2014)

>   Xuất khẩu gỗ sẽ đạt hơn 6 tỷ USD năm 2014 (22/02/2014)

>   Bác đề nghị quản lý giá hàng không của Bộ Giao thông (22/02/2014)

>   Tháng 2, cả nước nhập siêu khoảng 1,2 tỷ USD (22/02/2014)

>   Xây dựng mới hơn 1.600 công trình thủy lợi ở Tây nguyên (22/02/2014)

>   Thị trường bánh kẹo: Đường đã bớt ngọt? (21/02/2014)

>   Chủ tịch Quốc hội: “Làm gì có doanh nghiệp của Bộ Giao thông Vận tải” (21/02/2014)

>   Đàm phán TPP: Mỹ tập trung rào cản thương mại nông sản (21/02/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật