Doanh nghiệp mong mỏi một nền kinh tế kỷ cương
Tại hội thảo Kinh tế Việt Nam 2014 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 21/02, các chuyên gia cũng như doanh nghiệp đều cùng quan điểm cần sự quyết liệt từ Chính phủ cũng như việc thực hiện đồng bộ các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Nợ xấu ngân hàng như quả tên lửa tomahawh
Là một doanh nhân, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) chia sẻ, 6-7 năm vừa qua cộng đồng doanh nghiệp bị “trói tay chân”, mọi kết quả đều bị tàn phá sạch bởi khối nợ xấu ngân hàng giống như quả tên lửa tomahawh.
Vì thế, chưa khi nào mà doanh nghiệp mong mỏi một nền kinh tế kỷ cương như bây giờ. Bởi nếu Ngân hàng Nhà nước không thiết lập kỷ cương thì vẫn sẽ còn lũng đoạn ngân hàng, sở hữu chéo… và tất yếu sẽ tái diễn rủi ro khủng hoảng.
Đầu tư công hiện cũng còn nhiều vấn đề phải giải quyết khi mà chuyển kinh tế từ bao cấp sang kinh tế điều hành. “Nếu doanh nghiệp ở trong một nền kinh tế kiểu “thời tiết luôn luôn thay đổi” thì mệt lắm! Giống như khi doanh nghiệp vừa mới giương tàu ra khơi thì đã bị áp thấp nhiệt đới, chưa kịp quay tàu vào bờ thì bão số 1, 2 ập đến” – ông Vũ ví von. Vì thế cần có một chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, căn bản để doanh nghiệp xác định được hướng đi sắp tới.
Hiện Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn như tham gia TPP, Asean+6… nhưng nếu quyết tâm không đủ mạnh, đặc biệt là những điều kiện kinh tế không tạo được động lực cho doanh nghiệp thì sẽ mất cơ hội. Nếu chỉ cần hệ thống ngân hàng tốt, kỷ cương hơn thì sẽ có rất nhiều việc làm được duy trì.
“Khi nghe quyết tâm cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thì chúng tôi rất mừng, đó là tín hiệu tích cực bởi sẽ kiểm soát được tham nhũng vì tham nhũng là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá” - ông phấn chấn.
Ngược lại, ông Nguyễn Viết Mạnh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho rằng, vấn đề nợ xấu và những khó khăn doanh nghiệp gặp phải là tổng thể chung của nền kinh tế chứ không riêng ngân hàng, ngân hàng cũng chỉ nằm trong bối cảnh kinh tế. Bản thân Ngân hàng Nhà nước trong hai năm nay cũng tích cực và quyết liệt cơ cấu lại tổ chức tín dụng để hạn chế sở hữu chéo…
Về vấn đề nợ xấu, ông Trần Du Lịch – Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TPHCM bình luận, nợ xấu đang là vấn đề lớn phải xử lý bởi nó có nguy cơ làm nghẽn toàn bộ hệ thống tín dụng, hay làm đổ vỡ hệ thống ngân hàng. Hiện nợ xấu so với giai đoạn 2011-2013 đã cải thiện hơn với các giải pháp đang làm là đi đòi nợ, trích lập dự phòng và đi mua.
Chính phủ chỉ có thể làm “bà đỡ” tốt
Theo ông Trần Du Lịch, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2014 GDP tăng 5.8% và dự kiến 6% trong năm 2015. Kiểm soát CPI khoảng 7% trong giai đoạn 2014-2015 và sẽ kéo giảm dần trong các năm tiếp theo. Với sự thay đổi chính sách từ kiềm chế lạm phát bị động sang lạm phát mục tiêu sẽ tạo dư địa cho việc thực thi chính sách tài khóa và tiền tệ trong 2 năm 2014-2015.
“Chính phủ không thể và không nên cứu thị trường, chỉ có thể làm “bà đỡ” tốt với các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp” - ông nhấn mạnh.
Vì thế, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách thể chế, thì việc đẩy mạnh mục tiêu tái cơ cấu 3 lĩnh vực cũng được ưu tiên gồm đầu tư công, hệ thống ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước. Các giải pháp điều hành của Chính phủ trong năm nay đều hướng vào mục tiêu phục hồi khu vực kinh tế trong nước, giải quyết đồng bộ 4 vấn đề: Sức mua của thị trường; xử lý nợ xấu hệ thống NHTM gắn với chính sách tiền tệ linh hoạt; làm ấm thị trường bất động sản; hỗ trợ sự phục hồi tăng trưởng của 5 lĩnh vực kinh tế ưu tiên (nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ và sản phẩm công nghệ cao).
Tóm lại, trong 2 năm 2014-2015 có nhiều nhân tố để tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi dần tốc độ tăng trưởng, niềm tin của thị trường được củng cố và doanh nghiệp có triển vọng để phát triển bền vững hơn. Tất cả đều đặt vào kỳ vọng những nỗ lực của Chính phủ trong việc đổi mới mạnh mẽ thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm sự vận hành của cơ chế thị trường và sự lành mạnh trong cạnh tranh như thông điệp đầu năm của Thủ tướng.
Đồng quan điểm Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh doanh nhận định, trong năm 2014, xuất khẩu có thể duy trì tốc độ tăng trưởng như năm 2013 hoặc cao hơn và dự kiến tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa cũng cao lên, còn lại chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đầu tư nước ngoài tăng với tốc độ bằng hoặc cao hơn năm ngoái. FDI cuối năm ngoái có tốc độ tăng đột biến nhờ một số dự án lớn được ký kết, nhưng năm 2014 mức tăng về giải ngân thực tế có thể cao hơn. FII tăng do thị trường trái phiếu Chính phủ vẫn kỳ vọng tiếp tục sôi động bởi nhu cầu phát hành của Chính phủ tăng cùng với mức lãi suất sẽ hấp dẫn hơn.
Đầu tư công của Chính phủ tăng chút ít nhưng việc sắp xếp lại dự án, lựa chọn khắt khe hơn để tạo ra hiệu quả đầu tư cao hơn có thể tạo ra những lan tỏa nhất định đối với những ngành như xây dựng, bất động sản.
Tuy nhiên TS Nghĩa cũng lo ngại rằng, đầu tư khu vực tư nhân và doanh nghiệp nội địa phụ thuộc rất lớn vào chương trình tái cấu trúc tài chính của các NHTM và xử lý nợ xấu, đồng thời phụ thuộc khá lớn vào lòng tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư.
Tăng trưởng tín dụng vẫn xoay quanh 11-12% nếu trừ đi lạm phát, trừ đi lãi nhập vào gốc, trừ đi những khoản tăng “giả tạo” thì tăng trưởng ròng của tín dụng còn thấp. Điều đó không đủ kích hoạt khu vực tư nhân và doanh nghiệp nội địa lên. Vì vậy, vấn đề quan trọng hàng đầu là tập trung xử lý nợ xấu và phục hồi thị trường bất động sản.
Mặt khác, nhìn vào dài hạn, yếu tố kìm hãm sự phát triển ổn định kinh tế Việt Nam là thể chế, là thay đổi công nghệ, năng lực sáng tạo.
Việc tái cấu trúc hệ thống NHTM và xử lý nợ xấu tác động trên tất cả các lĩnh vực: Kiểm soát lạm phát, tăng trưởng tín dụng, cải thiện báo cáo tài chính; chuẩn mực kế toán và tăng cường kỷ luật ngành ngân hàng; tăng cường các biện pháp giám sát cẩn trọng và hiệu quả; củng cố và xử lý sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn.
Ông cũng cho rằng, tất cả những động thái trên cần được tiến hành một cách minh bạch, trật tự, ổn định hệ thống nhưng đừng hình sự hóa quá mức các quan hệ tín dụng.
Thanh Nụ ghi
Công lý
|