Thứ Năm, 06/02/2014 13:24

Đừng để doanh nghiệp mất niềm tin

Nhìn trong lĩnh vực kinh tế, các chuyên gia cho rằng đặt ra hai chữ niềm tin trong một năm được dự báo kinh tế còn tiếp tục khó khăn là rất đúng. Và để tạo dựng niềm tin cần phải đột phá vào khâu thể chế, tái cơ cấu đầu tư, đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa...

Từ trái qua phải: Ông Trần Du Lịch - Ông Mai Xuân Hùng - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.

* Ông MAI XUÂN HÙNG (phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):

Nói thật, làm thật

"Thiếu niềm tin vào sự phát triển, thiếu niềm tin vào thể chế, chính sách thì nhà đầu tư, người kinh doanh sẽ không dám làm gì"

Ông Mai Xuân Hùng

Tôi nghĩ rằng chúng ta đặt ra hai chữ niềm tin trong một năm được dự báo kinh tế còn tiếp tục khó khăn là rất đúng. Tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, có đại biểu đã nói rằng “mất niềm tin là mất hết”. Đối với thị trường, niềm tin càng có tính nhạy cảm đặc biệt. Thiếu niềm tin vào sự phát triển, thiếu niềm tin vào thể chế, chính sách thì nhà đầu tư, người kinh doanh sẽ không dám làm gì. Nhìn vào những hậu quả, hệ lụy của thị trường bất động sản dễ thấy rằng một khi niềm tin đã suy sụp thì các biện pháp cứu vãn sẽ rất khó khăn.

Nền kinh tế nước ta bước vào giai đoạn khó khăn từ năm 2008 đến nay, để lại nhiều di chứng, nhưng tôi tin rằng khó khăn đang ở điểm cuối của một chu kỳ và năm 2014 đã thấy được những tia sáng le lói của nền kinh tế.

Vậy những tia sáng ấy đến từ đâu? Nhìn sang châu Âu, một trong những thị trường lớn của VN đã thoát khỏi khó khăn và bắt đầu chu kỳ tăng trưởng tốt. Bản thân nền kinh tế nước ta đang nhận được sự hỗ trợ rất tốt của các nhà đầu tư nước ngoài, đáng kể nhất là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Các nhà đầu tư từ Mỹ, châu Âu cũng đang đến VN ngày càng nhiều và tìm thấy những cơ hội lớn ở đây. Thị trường xuất khẩu của VN ngày càng được mở rộng và củng cố. Ở trong nước, tình hình doanh nghiệp VN cũng đang tốt lên. Các doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả đang từng bước được tái cơ cấu và đặc biệt là Thủ tướng vừa truyền đi thông điệp phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.

Một trong những đạo luật đang được chờ đợi mà Quốc hội sẽ thông qua vào kỳ họp tới đây là Luật đầu tư công. Đạo luật này ra đời với niềm tin lớn là sẽ chấm dứt được tình trạng đầu tư tràn lan, dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả suốt giai đoạn dài vừa qua. Những người quyết định đầu tư sai, đầu tư kém hiệu quả sẽ bị xử lý. Tái cơ cấu đầu tư, đặc biệt là đầu tư công, sẽ có tác động lớn tới sự phát triển chung của nền kinh tế và của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nói thẳng rằng sau một giai đoạn kinh tế khó khăn, cân đối vĩ mô nhiều lúc bất ổn, có những chính sách thay đổi gây khó khăn cho sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, có những chính sách đúng nhưng khâu thực hiện lại yếu kém gây trở ngại, rồi tình trạng nói không đi đôi với làm, nói dối làm dối... đã làm giảm sút lòng tin của người dân và doanh nghiệp. Niềm tin đã có những lúc biến động theo chiều hướng xấu. Chúng ta cũng đã thấy rõ cái giá phải trả cho việc niềm tin bị giảm sút. Vì vậy, đòi hỏi của người dân và doanh nghiệp đặt ra cho Quốc hội và Chính phủ là phải sớm triển khai các quy định của Hiến pháp, luật vào cuộc sống; các quy định và chính sách phải được triển khai kịp thời và đồng bộ; thường xuyên kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức và kiểm nghiệm chính sách, pháp luật trong cuộc sống; nói đi đôi với làm và nói thật làm thật...

* Đại biểu Quốc hội TRẦN DU LỊCH (phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM):

Đột phá vào đổi mới thể chế

"Đầu tư để đổi mới thể chế ít tốn kém nhất và hiệu quả nhất, song lại rất khó làm vì đụng tới lợi ích của từng bộ phận"

Ông Trần Du Lịch

Những kết quả nỗ lực của năm 2013 đạt được là tăng trưởng kinh tế ở mức vừa phải nhưng kiểm soát được lạm phát và những chính sách hỗ trợ để phục hồi có tác dụng. Người ta cũng thấy được những nỗ lực của Chính phủ trong hỗ trợ thị trường. Về chống tiêu cực, tham nhũng thì những vụ án đưa ra xét xử đã cho thấy tính nghiêm khắc, chứ không phải nói mà không làm. Trên cả hai mặt, những kết quả ổn định vĩ mô và những nỗ lực trong chống tiêu cực thì tôi cho rằng bước vào năm 2014 niềm tin được phục hồi hơn. Cùng với điều đó, vào đầu năm Thủ tướng có thông điệp về đổi mới thể chế và đây phải là đột phá hàng đầu.

Đầu tư để đổi mới thể chế ít tốn kém nhất và hiệu quả nhất, song lại rất khó làm vì đụng tới lợi ích của từng bộ phận. Tôi ví dụ như đổi mới về đầu tư công thì đụng tới lợi ích của nhiều địa phương và bộ, ngành vì đã quen chạy để chia nhau ngân sách. Hay đổi mới ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì đụng tới lợi ích của từng tập đoàn, tổng công ty. Vừa rồi Thủ tướng nói phải quyết liệt cổ phần hóa 500 đơn vị. Nếu như làm được những điều này thì đây cũng là cách củng cố niềm tin.

Tới đây, điều rất rõ để củng cố niềm tin là kết quả của ba tái cấu trúc: đầu tư công, hệ thống ngân hàng thương mại và làm cho được đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo đúng tinh thần cái gì Nhà nước không giữ là cổ phần hóa hết. Còn riêng đối với bộ máy hành chính, điều đang trông chờ là Hiến pháp đã có hiệu lực rồi thì tổ chức lại bộ máy chính quyền địa phương như thế nào, phân cấp, phân quyền và trách nhiệm ra sao cho rõ ràng về hành chính công, tài chính công. Điều này đang chờ Quốc hội thông qua các đạo luật về tổ chức Quốc hội, tòa án, viện kiểm sát, chính phủ, chính quyền địa phương. Kết quả thông qua những đạo luật này trong 2014 - 2015 theo hướng đổi mới mạnh mẽ sẽ góp phần củng cố niềm tin.

* Ông ĐINH TIẾN DŨNG (bộ trưởng Bộ Tài chính):

Tạo niềm tin cho người nộp thuế

"Bộ Tài chính tiếp tục rà soát các chính sách thu hiện hành. Mục tiêu là chính sách phải minh bạch, rõ ràng và tạo công bằng cho mọi đối tượng"

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng

Năm 2014, giá mặt hàng xăng dầu, điện, than bán cho điện, giá dịch vụ công sẽ theo cơ chế thị trường, minh bạch và có sự điều tiết của Nhà nước. Tôi muốn nhấn mạnh là cơ chế điều hành giá xăng dầu sẽ tiếp tục theo thị trường, tức là giá thế giới tăng thì giá trong nước cũng phải tăng theo. Vì hiện nay kinh tế VN đã hội nhập với thế giới rồi. Mặt khác, để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ngành tài chính sẽ phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra giám sát doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối qua khâu nhập khẩu và cung ứng xăng dầu, bảo đảm không được để thiếu nguồn, không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, gây bất ổn cho thị trường trong nước.

Đối với giá điện, Bộ Công thương quản lý nhưng Bộ Tài chính sẽ giám sát theo đúng quy định của Luật giá và các văn bản liên quan làm sao việc điều chỉnh giá được thực hiện theo đúng lộ trình. Nguyên tắc điều chỉnh là có kiềm chế, có tính đến điều kiện kinh tế, xã hội và phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, hạn chế tác động đến sản xuất và đời sống xã hội.

Liên quan đến điều hành chính sách thuế và hải quan, để tạo môi trường đầu tư - kinh doanh, trong năm nay Bộ Tài chính tiếp tục rà soát các chính sách thu hiện hành. Mục tiêu là chính sách phải minh bạch, rõ ràng và tạo công bằng cho mọi đối tượng. Chính sách mà minh bạch sẽ giúp ngăn chặn được gian lận và tạo dựng niềm tin cho người nộp thuế.

L.KIÊN - Q.THANH - L.THANH ghi

 

Chấp nhận đau đớn để thay đổi về giáo dục

Nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc đã bày tỏ sự đồng cảm với các tâm sự đầu năm trong Bàn tròn “Tạo dựng niềm tin”: Không thể quay lưng với thân phận con người (Tuổi Trẻ ngày 5-2), đặc biệt là các ý kiến về giáo dục.

Lớp trẻ cần hướng dẫn

Tôi không đồng ý với câu nói của TS Thụy Anh cho lắm: “Chúng tôi để cho trẻ tự trải nghiệm, tự rút ra kinh nghiệm, tự tìm thấy cái tốt, cái tử tế, tìm thấy và biết lòng tin của mình nên đặt ở đâu. Như thế các em sẽ vững vàng hơn, không dễ bị sụp đổ”. Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ không quan tâm về vấn đề giáo dục trong tương lai cho con. Chúng tôi phải tự mày mò, tìm kiếm và trải nghiệm nên vấp ngã, sai lầm và tốn rất nhiều thời gian để định hướng con đường mình đi. Tôi nghĩ bây giờ xã hội đầy rẫy những cám dỗ, chúng ta không thể để cho con mình tự mày mò tìm đường đi mà bố mẹ cần có sự quan tâm hướng dẫn thì hay hơn.

thietrain@...

Đau lòng lắm chứ!

Chúng tôi buộc phải chắt bóp cho các con đi học xa, để học cái hay, cái tử tế, để tị nạn giáo dục. Đau lòng lắm chứ! Tiền bạc không phải ai và không phải lúc nào cũng đủ tài trợ cho cuộc lánh nạn giáo dục cho con. Có bậc làm cha mẹ nào không trằn trọc, xót lòng khi con trẻ đi xa. Rồi mai này con trưởng thành cũng buộc phải mong con có việc làm tử tế đâu đó. Ở góc độ này, nỗi cô đơn, sự hiu quạnh của chúng tôi là sự thật, là hiển nhiên, logic đúng như sự vận động của nó. Vâng, xin giơ hai tay cao đồng ý với các anh: Thay đổi giáo dục phải được làm trước, làm ngay, làm nhanh, chấp nhận đau đớn, không thể chờ đợi thêm được nữa.

loctruong08pdp@...

Nên mở diễn đàn

Báo Tuổi Trẻ mở ra một chủ đề hay và rất nóng: Không thể quay lưng với thân phận con người. Các ý kiến trong cuộc bàn luận sắc sảo và rất thực tế. Theo tôi, báo nên đẩy thành diễn đàn cho lớp trẻ xem họ nói gì về cuộc sống hôm nay. Bởi cả trăm nghìn cử nhân dài cổ chưa có việc sẽ nhiều chuyện rất hay. Bởi chẳng thiếu cô bác ở các vùng quê từ khá giả chỉ vì dành tất cả cho mấy đứa con học hành mà giờ khánh kiệt. Con ra trường không việc, gia đình trong bầu không khí nặng nề. Vậy thì tạo dựng niềm tin cách chi?

Đỗ Quang Đán

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Gia nhập TPP: Năm cơ hội và năm thách thức (06/02/2014)

>   Kinh doanh hàng không lãi to (06/02/2014)

>   Chỉ số Big Mac có mặt Việt Nam (06/02/2014)

>   Nhộn nhịp xuất khẩu đầu năm (05/02/2014)

>   Cam kết đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (05/02/2014)

>   Việt Nam thu hút có chọn lọc FDI trong giai đoạn mới (05/02/2014)

>   Kinh doanh nhà hàng tiệc cưới - cuộc chơi ngày càng khốc liệt (05/02/2014)

>   Sao lại là “Ảo”? (05/02/2014)

>   Sống, Chết vì tôm (05/02/2014)

>   Mỹ thông qua dự luật gây khó cho cá da trơn Việt Nam (05/02/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật