Cam kết đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Cuối năm qua, tại diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: quyết tâm 2 năm tới sẽ cổ phần hóa thêm gần một nửa số DNNN, tương đương khoảng 500 doanh nghiệp, đặc biệt, sẽ cổ phần hóa 1 tập đoàn kinh tế, 5/10 tổng công ty 91 và hầu hết các tổng công ty 90.
Trong cuộc họp trực tuyến với các địa phương cuối tháng 12, lần đầu tiên, Thủ tướng gắn nhiệm vụ cổ phần hoá DNNN với trách nhiệm của người đứng đầu: “Năm 2014 dứt khoát phải tái cơ cấu DNNN sau khi các đề án đã được phê duyệt xong. Nếu cán bộ lãnh đạo ở DNNN không chịu cổ phần hóa thì phải thay thế”.
Hiện tại Chính phủ đang xem xét việc cho phép các DNNN trong trường hợp cần thiết có thể thoái vốn đã đầu tư ngoài ngành với mức gía thấp hơn giá trị mua ban đầu. Doanh nghiệp có thể chịu lỗ trước mắt nhưng về lâu dài sẽ tăng hiệu quả hoạt động sau khi thoái vốn.
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, hàng loạt các quy chế và phát ngôn của Chính phủ Việt Nam đang và sẽ tạo một nền tảng pháp lý để đẩy nhanh cải cách DNNN.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói: “Đã có các quy chế buộc DNNN phải công bố thông tin minh bạch hơn. Đã có quy định phải nộp ngân sách với cổ tức cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn Nhà nước. Đã có những quy chế gắn lương thưởng của các lãnh đạo DNNN với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, chắc chắn phải kể tới chủ trương yêu cầu DNNN phải thoái vốn ngoài ngành. Nếu những nhóm giải pháp này cùng được áp dụng đồng bộ trong năm nay thì chắc chắn sẽ có chuyển biến tích cực cho cải cách DNNN”.
Nguyễn Trang
vtv news
|