Thứ Tư, 05/02/2014 13:21

Sống, Chết vì tôm

Có 2 cách chống bão. Một là đào hầm trú, chằng chống nhà cửa, và Hai là đương đầu, chống chọi. Với doanh nghiệp, ngoài cách nấp, tránh thì còn có thể dựng cột để thu sức mạnh của bão mà tạo nên sự khác biệt. riêng ngành thủy sản chỉ có chọn một, đó là phải biết tạo nên "sự khác biệt" bằng biện pháp đoạn tuyệt với công nghệ cũ, sử dụng công nghệ mới phù hợp với yêu cầu thị trường thì mới mong tồn tại trong bối cảnh này.

Từ khó khăn nhìn ra cơ hội

Năm 2013 được đánh giá là một năm khó khăn với bức tranh kinh tế ảm đạm. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2013, Đà Nẵng đã có 272 doanh nghiệp giải thể, 492 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, 454 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vì nhiều lý do. Hiện toàn thành phố có khoảng 20 doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu thủy sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2013 đạt 120 triệu USD.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu chỉ tập trung ở một vài doanh nghiệp như Công ty CP XNK Thủy sản miền Trung với sản lượng xuất khẩu đạt 30,45 triệu USD. Và điển hình nhất phải nói đến là Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước Đà Nẵng (Cty thủy sản Thuận Phước) với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 90 triệu USD, chiếm 75% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả TP. Đà Nẵng. Số còn lại chủ yếu sản xuất sản phẩm cấp đông với hàm lượng chế biến thấp, giá trị gia tăng trong sản phẩm không đáng kể vì vậy đều lâm vào cảnh khó khăn.

Đầu năm 2013, giá tôm hạ khiến nông dân bỏ hồ, các doanh nghiệp thiếu nguồn nguyên liệu trong khi đã ký kết đơn hàng. Đến giữa năm, doanh nghiệp chưa kịp mừng vì giá bắt đầu "ấm" lên và điều này đã kích thích nông dân thả tôm trở lại thì lại phải đối mặt với việc thương nhân Trung Quốc đẩy giá tôm nguyên liệu lên đến 200%. Trong khi giá xuất khẩu chỉ tăng 20%.

Không giao hàng như ký kết thì doanh nghiệp mất uy tín, mà giao thì lỗ nặng về mặt tài chính, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm có hàm lượng chế biến thấp, thành phần giá trị gia tăng trong sản phẩm không cao tiếp tục lâm vào tình cảnh phá sản.

Làm cách nào để có thể "vượt bão" và đạt kết quả thành công trong bối cảnh kinh tế suy giảm như hiện nay? Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT - Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước đã trả lời: "Chúng tôi đã chọn đúng khi đưa tôm chế biến là sản phẩm chiến lược của Thuận Phước. Với chiến lược đó, trong năm 2013, chúng tôi đã xuất khẩu hàng vạn tấn tôm chế biến có thành phần giá trị gia tăng đến 80% giá trị xuất khẩu đến các thị trường Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Úc, Hàn Quốc... mang lại lợi nhuận đáng kể cho doanh nghiệp.

Sản lượng xuất khẩu năm 2013, Thuận Phước đạt 90 triệu USD, tăng gần 160% so với con số 59 triệu USD năm 2012. Chi trả lợi nhuận cho cổ đông bằng tiền mặt đạt 10% và dự kiến trả cao hơn trong năm nay. Không chỉ vậy, Thuận Phước còn tạo công ăn việc làm cho hơn 2.000 lao động thường xuyên và hơn 1.000 lao động thời vụ. Tết này, công nhân của Thuận Phước sẽ yên tâm ăn Tết với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người và mức thưởng hơn 2 tháng lương. Đây sẽ là động lực thúc đẩy Thuận Phước phát triển trong năm 2014", Ông Trần Văn Lĩnh cho biết.

Đánh giá được sự rủi ro cao và tính bấp bênh của ngành thủy sản, ngay từ năm 2008, Thuận Phước đã tìm hiểu và đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng khu vực châu Âu và châu Á. Theo đó, thực hiện chiến lược phát triển riêng cho mình cả về nguồn nguyên liệu cũng như hàm lượng công nghệ trong sản phẩm xuất khẩu.

Mạnh dạn đoạn tuyệt với công nghệ cũ

Để có thị trường ổn định như hiện nay Cty thủy sản Thuận Phước đã chuẩn bị gần 10 năm nay từ công nghệ, thị trường đến nguồn nguyên liệu. Quan trọng nhất là phải nhìn ra hướng đi và dám quyết tâm đầu tư.

Đánh giá thị trường thủy sản mà con tôm sẽ là sản phẩm chủ đạo nên Thuận Phước đã mạnh dạn hợp tác, xây dựng nguồn nguyên liệu với nhiều đối tác uy tín. Con tôm thẻ chân trắng là vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu miền Trung, trở thành nguồn nguyên liệu chủ lực thay thế cho con tôm sú trước đây.

Tuy nhiên, hướng đi bấy giờ gặp không ít trở ngại do bị cấm đoán. Nhiều năm sau, hiệu quả kinh tế của con tôm thẻ chân trắng, công sức của Thuận Phước mới được ghi nhận. Lớn hơn, tên tuổi Thuận Phước trên thị trường thế giới đã gắn liền với sản phẩm tôm thẻ chân trắng. "Đó là một bước tiến về công nghệ nuôi trồng mà chúng tôi đã đi trước, là tiên phong trong khu vực miền Trung", ông Lĩnh tự hào nói.

Cùng với đó, Cty thủy sản Thuận Phước đã áp dụng một loạt các thiết bị, công nghệ thế hệ mới tiết kiệm năng lượng, điều khiển tự động của châu Âu như: máy đông rời, máy đông siêu nhanh,... nhằm cung cấp sản phẩm ổn định về mặt chất lượng, đúng sản lượng, thời gian và nhất là mức giá phù hợp đến các siêu thị danh tiếng thế giới như Wallmart, Metro...

Khi miền Trung chưa có một doanh nghiệp nào dám mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà xưởng với trị giá 30 triệu USD và có thể nâng cấp lên 50 triệu USD thì Thuận Phước đã làm với quy mô. Chính vì vậy, trong khi doanh nghiệp khác đau đầu vì nguồn nguyên liệu, thì chính các đối tác lại là người hỗ trợ, khai thác nguồn nguyên liệu có mức giá hợp lý, giúp doanh nghiệp vượt qua được "cơn bão" suy thoái kinh tế trong thời gian qua.

Ông Lĩnh chia sẻ một triết lý: "...Có 2 cách chống bão. Một là đào hầm trú, chằng chống nhà cửa, và hai là đương đầu, chống chọi. Với doanh nghiệp, ngoài cách nấp, tránh thì còn có thể dựng cột để thu sức mạnh của bão mà tạo nên sự khác biệt. Cụ thể với ngành thủy sản, phải biết đoạn tuyệt với công nghệ cũ, áp dụng công nghệ mới phù hợp với yêu cầu thị trường thì mới mong tồn tại trong bối cảnh này. "

Xuân Mai

lao động

Các tin tức khác

>   Mỹ thông qua dự luật gây khó cho cá da trơn Việt Nam (05/02/2014)

>   Cạnh tranh siêu thị điện máy: Cuối cùng ai thắng? (05/02/2014)

>   Doanh nghiệp kỳ vọng gì năm 2014? (05/02/2014)

>   Biến rác thành hàng triệu USD (05/02/2014)

>   Tình hình sản xuất, kinh doanh diễn ra bình thường (04/02/2014)

>   Tương lai, công ty mẹ sẽ không kinh doanh (04/02/2014)

>   Cắt giảm thuế theo cam kết tạo sức ép cho DN nội địa (04/02/2014)

>   “Thiếu hụt nguồn cung” trong TPP (04/02/2014)

>   Xuất khẩu thủy sản 2014: Nỗ lực vượt mức 6,7 tỷ USD (04/02/2014)

>   Kinh tế Việt Nam "thoát đáy" khủng hoảng (03/02/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật