Chủ Nhật, 02/02/2014 21:58

Chứng khoán: Nhà đầu tư nội lấy động lực "ngoại"

“Hoạt động đầu tư chứng khoán của mình mấy năm nay không hiệu quả nên vợ quán triệt: Làm gì thì làm, mấy ngày giáp Tết phải ở nhà hỗ trợ cô ấy bán hàng,” anh Nguyễn Anh Tuấn-nhà đầu tư chứng khoán than thở.

Anh Nguyễn Anh Tuấn vốn là người từng "bám sàn" kỳ cựu tại Hà Nội, nhưng do kết quả đầu tư chứng khoán gần đây kém hơn trước, nên anh Tuấn đành phải nhận lời giúp vợ kinh doanh tạp hóa tại nhà. Đây cũng chính là nỗi niềm của nhiều nhà đầu tư chứng khoán thời nay.

“Hai chân hai mặt trận”

“Thế là hàng ngày, vừa ôm máy tính vừa chạy ra, chạy vào bán hàng cho khách, Mỗi khi khách đông, chúi đầu vào máy tính vợ lại quát,” anh Tuấn than thở.

Khi được hỏi, bận như vậy thì làm sao theo dõi thị trường, anh Tuấn ấm ức nói, “thế mới nói, tranh thủ kiếm cái ‘sóng’ cuối năm, vậy mà cứ tất bật bán hàng như thế này không theo sát biến động thị trường, mắc ‘chứng’ lại là mất hết lãi.”

Gần giống hoàn cảnh như trên, nhưng anh Nguyễn Minh Hùng, Long Biên, Hà Nội cũng phờ mặt với việc “tay trái” của mình.

Kinh doanh chứng khoán dường như ngấm vào “máu” của anh Hùng, mặc dù đã phải bán mất một cái nhà vì thua chứng khoán, mà nguyên nhân là do chạy theo “tổ lái” trên sàn hồi năm 2010.

Song anh Hùng vẫn kiên trì bám lấy thị trường, tuy nhiên nếu trước kia bỏ cả chục tỷ đồng đầu tư vào chứng khoán thì nay anh chỉ dám đầu tư vài trăm triệu đồng, phần vốn còn lại anh góp vốn cùng bạn kinh doanh lĩnh vực thiết kế nội thất vốn là chuyên ngành học của mình.

Anh Hùng cho biết, “chơi” chứng khoán bây giờ khác với trước rất nhiều, nếu như trước chủ yếu là các nhà đầu tư trong nước “cân não” với nhau thì bây giờ là đối thủ ngoại “sừng sỏ”.

Nền kinh tế nội địa còn nhiều khó khăn, các công ty niêm yết kinh doanh vẫn chật vật, bên cạnh đó các nhà đầu tư trong nước cũng cạn vốn trong quá trình kinh doanh ở các năm 2009-2011. Do đó, dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài làm nhiệm vụ dẫn dắt thị trường.

Diễn biến thị trường giáp Tết Giáp Ngọ cũng tương tự như giáp Tết năm ngoái, khối ngoại ồ ạt đổ tiền vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, kéo chỉ số VN-Index tăng ầm ầm.

“Điều đáng nói là khối ngoại đầu tư rất bài bản đồng thời các cổ phiếu được ‘đẩy lên’ là những blue-chip có kết quả kinh doanh tốt. Song, hàng tốt thì ít nên giá của các mã cổ phiếu này cũng được đẩy lên chóng mặt.”

Anh Hùng cho biết, đầu tư vào các mã cổ phiếu hàng hiệu cần vốn lớn và tỷ suất lợi nhuận lại không cao như đầu tư vào các cổ phiếu ‘nóng’ trước đây. Thêm vào đó, chạy theo các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất thụ động, nên cần phải bám sát thị trường.

“Có biến động là phải bán ngay, nhưng cuối năm việc nhiều, phải giám sát thi công suốt nên đành bỏ lỡ cơ hội sóng cuối năm nay vậy,” anh Hùng có phần tiếc nuối.

Đường đường là một thạc sĩ chuyên ngành tài chính, tham gia vào thị trường chứng khoán cùng bạn bè từ năm 2006 đến nay, vượt qua bao thăng trầm và may mắn là hai năm gần đây kinh doanh thị trường cũng khởi sắc hơn trước nên anh Tuấn cũng bắt đầu có những khoản lợi nhuận, bù đắp cho những khoản lỗ nặng trước đó. Tuy nhiên, để so với thu nhập từ cửa hàng của vợ thì anh Tuấn lại có phần yếu thế.

Về chiến thuật đầu tư, anh Tuấn cho rằng bản thân cũng đang ở trong thế bị động, không có điều kiện quan sát thị trường thường xuyên, nên anh Tuấn lựa chọn các mã cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt thuộc nhóm VN30.

“Năm 2013, nhóm cổ phiếu thuộc rổ VN30 có mức tăng trưởng khá tốt, song đây là các mã cổ phiếu được các quỹ ETF tạo hậu thuẫn, nên rủi ro vẫn thường trực bởi phụ thuộc vào động thái của các nhà đầu tư nước ngoài,” anh Tuấn chia sẻ.

Tận dụng động lực

Anh Nguyễn Tuấn Anh, nhà đầu tư trên sàn SSI cho biết, rút kinh nghiệm bản thân sau quá trình đầu tư lâu dài cộng với những bài học từ bạn bè, mặc dù cũng rất “say” với chứng khoán nhưng anh Tuấn không thể đầu tư thụ động như trước được nữa.

“Tôi trung thành với các mã chứng khoán có kết quả kinh doanh tốt và tôi phải trực tiếp nghiên cứu, nắm rõ tình hình, bên cạnh đó không vội vàng chạy theo xu thế của thị trường. Những lúc thị trường xả hàng, tôi tranh thủ và thận trọng mua vào. Mỗi khi thị trường sôi động và giá chứng khoán lên ầm ầm như tháng 1 này là tôi ngưng không mua nữa đồng thời đợi thời điểm thuận lợi là bán ra,” anh Tuấn Anh nói.

Anh Tuấn Anh tiết lộ, anh đã bán hết chứng khoán trong tài khoản trong các phiên gần đây và dừng đầu tư, đứng ngoài quan sát. Theo anh Tuấn Anh, “Mình không thể nào là đối thủ của các nhà đầu tư ngoại được. Mình chỉ mượn động lực từ khối ngoại để thúc đẩy hoạt động kinh doanh thôi.”

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cũng đồng tình và cho rằng, mỗi lực lượng tham gia thị trường chứng khoán đều có những lợi thế mà các đối tượng khác không có, vì vậy không nên lo ngại về việc tiềm lực và vốn của khối ngoại hơn mình.

Về xu thế thị trường trong năm tới, ông Giang nhận định, năm 2013 thị trường đã trải qua 3 giai đoạn với diễn biến tâm lý và sự vận động của dòng tiền rất khác nhau. Năm 2014 cũng tương tự, sự phân hóa sẽ tiếp diễn và biến đổi theo các giai đoạn, nên nhà đầu tư cần chuẩn bị một tâm thế linh hoạt, đón nhận sự thay đổi đó.

Linh Chi

vietnam+

Các tin tức khác

>   Chứng khoán 2014: “Cải thiện hơn nữa sự minh bạch” (01/02/2014)

>   Sở GDCK được huy động vốn cho hạ tầng (01/02/2014)

>   60% công ty chứng khoán tiếp tục lỗ (29/01/2014)

>   3 kênh hút tiền trong năm 2014 (29/01/2014)

>   Thị trường chứng khoán Việt Nam: Ấn tượng 2013, kỳ vọng 2014 (28/01/2014)

>   Năm Quý Tỵ và những chuyện hy hữu trên sàn chứng khoán (28/01/2014)

>   Giáp Ngọ - Mã đáo thành công! (30/01/2014)

>   PVX ra khỏi diện kiểm soát chuyển sang bị cảnh báo (27/01/2014)

>   Trên 30% CTCK có lãi lũy kế 2013 (27/01/2014)

>   MDC bị phạt 60 triệu đồng (27/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật