Thứ Bảy, 01/02/2014 21:34

Chứng khoán 2014: “Cải thiện hơn nữa sự minh bạch”

Theo TS.Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trên cơ sở những giải pháp kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước thuận lợi hơn, thị trường chứng khoán 2014 dự báo sẽ có những cải thiện rõ rệt hơn, đặc biệt là sự minh bạch.

Vẫn còn nhiều mục tiêu dang dở

Nhiều đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2013, trong đó có Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đều cho rằng thị trường chứng khoán khá ổn định. Trong khi đó, nếu nhìn vào thực tế diễn biến trên thị trường vẫn thấy sự trồi sụt lên xuống của các cổ phiếu, các doanh nghiệp lỗ và thoái lui khỏi thị trường.... Thưa ông, sự ổn định như đánh giá gồm những gì?

Thị trường chứng khoán năm 2013 diễn ra trong bối cảnh có sự đan xen giữa các yếu tố thuận lợi và không thuận lợi của kinh tế vĩ mô. Năm 2013, kinh tế vĩ mô đã có khởi sắc hơn so với năm 2012 cả về tín hiệu trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, đặc biệt là mặt bằng lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng lên, cán cân thanh toán được cải thiện, thu ngân sách đạt mức dự toán, thị trường hoá một bước căn bản hệ thống giá cả..., một loạt các giải pháp tài chính hỗ trợ thị trường chứng khoán đã được triển khai.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tín hiệu hồi phục đáng khích lệ. Điểm đáng chú ý là với sự tăng trưởng của chỉ số chứng khoán, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới.

Mức vốn hóa của thị trường cũng như giá trị giao dịch, huy động vốn và dòng vốn đầu tư nước ngoài đều cải thiện hơn so với năm 2012 và duy trì được mức tăng trưởng ổn định.

Trong năm 2013, mức vốn hoá thị trường đã tăng hơn 199 nghìn tỷ đồng, bằng 31% GDP. Thanh khoản thị trường được cải thiện hơn dựa trên tiêu chí khối lượng giao dịch/tổng mức vốn hoá và khối lượng giao dịch bình quân/ngày.

Ở tiêu chí khối lượng giao dịch/tổng mức vốn hoá, Việt Nam đạt gần 70%, khá khả quan, nhất là trong bối cảnh khó khăn như 2013 bởi một thị trường được xem là có thanh khoản tương đối tốt thì tỷ lệ khối lượng giao dịch/tổng mức vốn hoá sẽ dao động trong khoảng 70-90%.

Đối với tiêu chí khối lượng giao dịch bình quân ngày: trái phiếu tăng 31% và cổ phiếu tăng 5%. Thực ra mức tăng 5% của cổ phiếu cũng là tín hiệu tốt bởi mức tăng này là so với năm 2012, mà năm 2012 khối lượng giao dịch tăng rất mạnh (riêng giao dịch cổ phiếu tăng 40-50% so với 2011) do áp dụng các biện pháp kỹ thuật như: nới biên độ, tăng thời gian.

Đối với vốn đầu tư nước ngoài, mặc dù 2013 nhiều biến cố trên thị trường chứng khoán quốc tế, dòng vốn nước ngoài khó khăn, có sự dịch chuyển vào ra nhưng tính chung cả năm 2013 có tăng lên, nếu tính cả vốn vào qua sáp nhập không qua thị trường chính thức sẽ tăng 30% so với 2012.

Vậy ông có hài lòng với những kết quả đạt được trong năm 2013 không?

Nếu xét trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong ngoài nước 2013 còn khó khăn, kết quả đạt được khá hài lòng nhưng so với mong muốn và mục tiêu muốn được làm mà mình đặt ra từ cuối năm 2012 và đầu năm 2013 thì chưa thực sự hài lòng.

Được nhiều hơn kỳ vọng

Sau 1 năm thực hiện tái cấu trúc, sự thay đổi của thị trường chứng khoán được thể hiện là gì, thưa ông?

Tái cấu trúc thị trường chứng khoán đang được đẩy mạnh, không chỉ đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán, hàng hoá mà thực hiện tái cấu trúc mạnh đối với cơ sở nhà đầu tư, cấu trúc thị trường.

Dưới góc độ quản lý thị trường thì năm 2013 công tác tái cấu trúc được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đẩy mạnh trên cả 4 trụ cột. Trong đó những quy định về nâng cao chất lượng hàng hóa, quản trị công ty, công bố thông tin đã được áp dụng triển khai. Hệ thống các nhà đầu tư tổ chức đã có sự cải thiện đáng kể.

Đặc biệt là các khuôn khổ pháp lý và sự ra đời của 10 quỹ mở, tạo bước chuyển mềm hơn cho các quỹ đóng, góp phần giảm thiểu những tác động không tốt tới thị trường. Đối với công tác tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán có một bước phát triển nhanh chóng. Bản thân các công ty chứng khoán cũng đã tự tái cấu trúc, tự nâng cao chất lượng tài chính, tái cấu trúc lại mạng lưới cơ sở hoạt động, nâng cao quản trị công ty và quản trị rủi ro.

2013 được xem là năm bản lề thực hiện tái cấu trúc khối công ty chứng khoán một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả đạt được không nhiều. Điều đó có đúng không, thưa ông?

Tái cấu trúc các công ty chứng khoán nếu nhìn bề ngoài thì sẽ dễ cho cảm giác đang diễn ra khá chậm chạp, nhưng thực ra bên trong, công cuộc tái cấu trúc khối công ty chứng khoán đang diễn ra rất thầm lặng và quyết liệt. Nếu nhìn ra bên ngoài, thì sẽ không có khối nào khi thực hiện tái cấu trúc lại có được một kết quả đầy đủ các loại hình như tái cấu trúc công ty chứng khoán.

Điều đó có nghĩa là, quá trình tái cấu trúc công ty chứng khoán bao gồm cả: nhóm công ty chứng khoán tự thực hiện tái cấu trúc và làm một cách rất làm quyết liệt; nhóm công ty chứng khoán thực hiệp hợp nhất với nhau; nhóm công ty chứng khoán bị Ủy ban Chứng khoán đưa vào diện kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, tự nguyện rút nghiệp vụ, rút giấy phép... ; bằng áp lực của cơ quan quản lý, một số công ty chứng khoán buộc phải giải thể, rút giấy phép.

Nếu điểm tên từng công ty chứng khoán thì cho đến nay chưa có công ty chứng khoán nào bị xoá sổ hoàn toàn nhưng thực tế hoạt động thì đến cuối năm 2013 đã có 15 công ty chứng khoán rút khỏi thị trường, không còn họat động liên quan đến kinh doanh chứng khoán nữa.

Chưa xoá sổ hoàn toàn được công ty chứng khoán, liệu đó có phải là khó khăn nhất trong quá trình tái cấu trúc công ty chứng khoán không, thưa ông?

Thực ra các khó khăn trong quá trình tái cấu trúc công ty chứng khoán đã và đang được tháo gỡ theo hướng vừa làm vừa xử lý. Khi hoạt động của nhiều công ty chứng khoán còn bị thua lỗ do hậu quả của việc đầu tư tự doanh rủi ro trước đây, chất lượng báo cáo tài chính kiểm toán còn chưa cao; ý thức tuân thủ đạo đức nghề nghiệp đã có cải thiện, có các công ty chứng khoán do hoạt động kinh doanh chưa khả quan trong khi khó huy động vốn nên chỉ tiêu an toàn tài chính của nhiều công ty chứng khoán chưa bảo đảm.

Mặt khác, việc phân loại công ty chứng khoán hiện nay dựa vào chỉ tiêu tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro theo quy định của Thông tư 226/2010/TT-BTC, dựa vào xếp loại theo Camel. Tuy nhiên, vấn đề đầu vào của dữ liệu (dựa trên cơ sở báo cáo kiểm toán) còn một số điều bất cập do hệ thống kế toán và các chuẩn mực kế toán có liên quan còn cần phải điều chỉnh để đảm bảo tính toán chính xác các chỉ tiêu an toàn tài chính.

Thu hút khối ngoại, tăng sức cầu cho thị trường

Năm 2014, những điểm sáng nào được xem là những thuận lợi và sẽ tạo cơ hội cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển thưa ông?

Năm 2014 sẽ có nhiều thuận lợi hơn vì những giải pháp và chương trình của Chính phủ triển khai trong năm 2012 và 2013 đã bắt đầu phát huy tác dụng và những giải pháp này đang đi đúng hướng. Trên cơ sở những giải pháp kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có thuận lợi hơn thì thị trường chứng khoán sẽ có những bước tăng trưởng hơn so với năm 2013 và mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tín hiệu sẽ tốt hơn năm 2013.

Khi sự minh bạch được cải thiện, niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ được cải thiện. Tôi đã nhìn thấy điều này trong năm 2013 và chắc chắn năm 2014, cải thiện sự minh bạch, cải thiện niềm tin của nhà đầu tư sẽ rõ ràng hơn nữa. Tôi cảm nhận là lòng tin vào chính sách của Chính phủ đang tốt hơn. Đây là một tiền đề rất quan trọng để năm 2014 có bước khởi sắc hơn.

Trong năm 2013, một trong những kỳ vọng lớn nhất của thị trường chính là giải pháp về nới room cho khối ngoại được thực hiện. Là cơ quan chắp bút cho việc nghiên cứu và xây dựng văn bản pháp quy liên quan đến giải pháp này, ông có thể chia sẻ về quan điểm cũng như giải pháp thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong năm 2014?

Chủ trương của lãnh đạo cao nhất, từ Chính phủ đến các bộ ngành là có sự đột phá để thu hút tốt hơn vốn ngoại. Giải pháp trước mắt sẽ là thực hiện nới room cho các doanh nghiệp niêm yết bởi phạm vi áp dụng sẽ hẹp hơn, các doanh nghiệp niêm yết có độ minh bạch cao, thông tin tốt, việc kiểm soát cũng sẽ tốt hơn. Chúng tôi đã trình Bộ Tài chính và Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng về quy định này.

Để thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, bên cạnh việc sửa quyết định 55 về đầu tư nước ngoài theo hướng mở rộng đối với các lĩnh vực, ngành nghề không cần kiểm soát; phù hợp với các cam kết quốc tế và lộ trình phát triển thị trường vốn, trong năm 2014, Ủy ban Chứng khoán sẽ phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, nghiên cứu và tiến tới đàm phán với các quốc gia châu Âu theo tinh thần của Nghị định châu Âu ESMA và với các quốc gia Bắc Mỹ nhằm công nhận Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán tại Việt Nam, để huy động thêm vốn từ các quỹ đại chúng tại châu Âu và Bắc Mỹ.

Ngoài ra, sẽ nâng cao điều kiện chuyển đổi đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sang công ty cổ phần để niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam; triển khai thực hiện việc chào bán cổ phần không có quyền biểu quyết và sản phẩm NVDR.

Phần lớn trong số 10 quỹ mở hiện nay là được cấp phép trong năm 2013. Điều này thể hiện kỳ vọng gì từ sức cầu của nhóm nhà đầu tư tổ chức, thưa ông?

Việc ra đời quỹ mở sẽ giúp linh hoạt hơn quỹ đóng trong các hoạt động đầu tư, góp phần hút vốn đầu tư từ nước ngoài. Từ quỹ mở đi vào phát triển thế hệ các sản phẩm mới như: quỹ ETF, quỹ bất động sản, cũng thuận lợi hơn. Còn hy vọng nhiều vào quỹ mở để tăng sức cầu thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhìn nhận với quan điểm khá thận trọng.

Bởi quỹ mở rủi ro hơn và phụ thuộc thị trường hơn quỹ đóng. Việc hình thành một quỹ mở chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian, và chúng tôi chưa hoàn toàn nghĩ đó là một kênh hút vốn thành công, vì vậy việc cho triển khai quỹ mở phải thực hiện từ từ và bắt đầu tư thí điểm, trước khi áp dụng đại trà.

vneconomy

Các tin tức khác

>   Sở GDCK được huy động vốn cho hạ tầng (01/02/2014)

>   60% công ty chứng khoán tiếp tục lỗ (29/01/2014)

>   3 kênh hút tiền trong năm 2014 (29/01/2014)

>   Thị trường chứng khoán Việt Nam: Ấn tượng 2013, kỳ vọng 2014 (28/01/2014)

>   Năm Quý Tỵ và những chuyện hy hữu trên sàn chứng khoán (28/01/2014)

>   Giáp Ngọ - Mã đáo thành công! (30/01/2014)

>   PVX ra khỏi diện kiểm soát chuyển sang bị cảnh báo (27/01/2014)

>   Trên 30% CTCK có lãi lũy kế 2013 (27/01/2014)

>   MDC bị phạt 60 triệu đồng (27/01/2014)

>   VN-Index suy giảm, PVX đưa HNX-Index bay cao trong phiên cuối năm Quý Tỵ (27/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật