Chứng khoán 2014 và 2009: Tương đồng và Khác biệt
Thị trường đã có một đợt bứt phá vào tháng 10/2009, nhưng sau đó giằng co và sụt giảm mạnh kéo dài. Liệu kịch bản này có lặp lại vào thời điểm hiện nay?
Những nét tương đồng
Sự bứt phá mạnh mẽ và liên tục trước đó của thị trường. Điều này được thể hiện qua sự tăng trưởng rất tốt của VN-Index trong những tháng liền kề trước đó của các thời điểm này.
Cụ thể, chỉ số thị trường VN-Index đã tăng trưởng đến 43.1% trong giai đoạn tháng 07/2009 – tháng 09/2009. Giai đoạn tháng 11/2013 – tháng 01/2014 cũng khá ấn tượng với mức tăng 11.2%.
Thanh khoản ổn định ở mức khá cao. Khối lượng giao dịch phản ánh hoạt động của nhà đầu tư trong khoảng thời gian nhất định. Khối lượng thường được sử dụng cùng với việc phân tích sự chuyển động của giá nhằm xác nhận sức mạnh của xu hướng hiện hành hoặc để xác định khả năng đảo chiều của giá. Theo Charles H Dow, khối lượng thường đi trước giá và được xem là động lực tăng trưởng chính của giá.
Trong tháng 10/2009 và tháng 02/2014, sự dịch chuyển của giá và khối lượng những tháng trước đó đều có cùng chiều tăng. Bên cạnh đó, khối lượng tại hai thời điểm này đều cao và nằm trên mức trung bình 20 phiên trước đó.
Sự khác biệt rõ nét trong tháng 10/2009
Động thái trái ngược của khối ngoại. Giao dịch của khối ngoại chính là sự khác biệt lớn nhất giữa tháng 10/2009 và tháng 02/2014. Để so sánh, chúng ta sử dụng chỉ số NetValForVN và đường EMA 5 ngày của chỉ số này.
Đường EMA 5 ngày của NetValForVN hầu như duy trì bên dưới đường 0 trong những tháng trước và sau tháng 10/2009. Điều này cho thấy khối ngoại bán ròng liên tục và rút vốn ra khỏi thị trường. Kết quả là dẫn đến sự đảo chiều xu hướng và một đợt sụt giảm khá mạnh. Còn hiện tại thì khối ngoại vẫn đang mua ròng mạnh giai đọan trước và trong tháng 02/2014 nên khả năng đảo chiều và giảm sâu đã được hạn chế rất nhiều.
Sự xuất hiện của các phân kỳ giá xuống. So sánh VS100 và hai chỉ số thuộc nhóm dao động là Stochastic Oscillator, Relative Strength Index..., chúng ta sẽ thấy thêm một sự khác biệt nữa giữa tháng 10/2009 và tháng 02/2014.
Vào tháng 10/2009, chỉ báo Stochastic Oscillator đã hoàn thành phân kỳ 3 đoạn trong vùng overbought và báo hiệu cho một đợt giảm giá mạnh và kéo dài. Trong khi đó, ở thời điểm hiện nay, vẫn chưa có phân kỳ giá xuống nào thực sự hoàn thành nên khả năng tăng trưởng vẫn còn.
Dòng tiền thông minh rút ra khỏi thị trường. Chỉ số VS-NVI VN duy trì tốt bên trên EMA 5 ngày trong những tuần đầu tiên của tháng 02/2014. Điều này cho thấy dòng tiền thông minh vẫn đang bơm vào thị trường trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, VS-NVI VN vẫn duy trì bên trên EMA 20 nên xu hướng tăng trưởng trung hạn cũng đang được duy trì tích cực.
Trong khi đó, VS-NVI VN không ổn định và liên tục suy giảm trong tháng 10/2009 và những tháng trước đó. Điều này đã báo trước cho sự thoái lùi mạnh của thị trường những tháng tiếp theo.
Kết luận: Sự khác biệt giữa hai giai đoạn là khá rõ ràng, đặc biệt là dưới góc độ dòng tiền của thị trường. Vì vậy, khả năng duy trì đà tăng trong năm 2014 là khá lớn nếu như các điều kiện hiện tại được giữ vững.
Nguyễn Quang Minh
công lý
|