Vietnam Airlines tạo đà cho cú IPO triệu USD
Vietnam Airlines đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2014 cao gần 2 lần so với năm ngoái nhằm tạo đà thuận lợi cho việc thực hiện kế hoạch IPO, nhằm thu về 200 triệu USD tiền bán cổ phần.
Hẹp thị phần vẫn đặt lãi khủng
Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2014 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) chính là việc đặt mức lợi nhuận lớn, tới 969 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với năm 2013. Trong số này, lợi nhuận của Công ty Dịch vụ bay hàng không (Vasco) góp khoảng 31 tỷ đồng.
Vietnam Airlines sẽ hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2014 và thu được 200 triệu USD từ bán cổ phần
|
Trước đó, năm 2013, lợi nhuận của Vietnam Airlines đạt khoảng 533,5 tỷ đồng cho toàn hệ thống. Đây cũng là lần đầu tiên Vietnam Airlines báo lãi lớn sau quãng thời gian gần 3 năm kinh doanh vất vả, khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới.
Cải thiện hệ số nợ/vốn chủ sở hữu (công ty mẹ) xuống còn 3,14 lần; hệ số vay nợ/vốn chủ sở hữu (công ty mẹ) xuống còn 2,1 lần so với năm 2013, hay nâng cao tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (hiện đạt mới khoảng xấp xỉ 1%), là những mục tiêu được Vietnam Airlines đặt ra cho năm nay.
Tuy nhiên, các mục tiêu này cũng kèm theo điều kiện Vietnam Airlines hoàn thành cổ phần hóa trong năm nay và thu được 200 triệu USD từ bán cổ phần.
Dẫu vậy, theo một chuyên gia, Vietnam Airlines không dễ đạt được mục tiêu này do thị trường hàng không vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Phân tích của chính Vietnam Airlines cho thấy, tình hình cạnh tranh trên các đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam – phân khúc mang lại phần lớn lợi nhuận cho Vietnam Airlines, đang bị cạnh tranh ngày một khốc liệt, với sự tham gia ngày càng đông của các hãng hàng không giá rẻ.
Thị phần vận chuyển khách nội địa của Vietnam Airlines (bao gồm cả Vasco) năm 2013 đã sụt giảm rất mạnh, khiến hãng chỉ còn sở hữu khoảng 61,4% thị phần. Bên cạnh đó, xu hướng tiết kiệm chi phí bằng việc lựa chọn dịch vụ của các hãng hàng không giá rẻ khiến một lượng khách từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đã vào tay Jetstar Pacific và VietjetAir.
Tuy nhiên, mức lợi nhuận khá cao được đặt ra cho năm 2014 cũng được Vietnam Airlines dựa vào các khoản thu nhập bất thường như bán thành lý 2 tàu bay Forker70 (dự kiến được 90 tỷ đồng) và sử dụng khoản hỗ trợ tín dụng của Airbus (khoảng 18 triệu USD).
“Việc đạt được mức lợi nhuận kế hoạch năm 2014 có ý nghĩa quan trọng đối với kế hoạch cổ phần hóa của Tổng công ty”, ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines đánh giá.
Minh định kế hoạch IPO
Hiện Vietnam Airlines đã xác định sẽ hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong vòng 3 tháng, sau khi phương án cổ phần hóa được phê duyệt. Hãng cũng quyết tâm xây dựng xong tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong nửa cuối năm 2014, trước khi chính thức tiến hành bán cổ phần cho các đối tác.
“Chúng tôi đã cùng với tư vấn hoàn thành công tác xác định giá trị doanh nghiệp trình Bộ Giao thông Vận tải thông qua và gửi Kiểm toán Nhà nước thẩm định trong quý IV/2013”, ông Thanh cho biết.
Liên quan tới việc xử lý 10 đầu mối đầu tư ngoài ngành, Vietnam Airlines đã thoái xong vốn tại Techcombank trong năm 2013. Phần vốn góp tại bốn đơn vị gồm Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Công ty Giao nhận kho vận hàng không, Công ty cổ phần Cung ứng dịch vụ hàng không, France Telecom được lên kế hoạch thoái trong năm 2014. Vietnam Airlines cũng ước tính sẽ thu thêm khoảng 100 tỷ đồng từ việc thoái vốn này.
Một điểm sáng nữa trong tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên năm 2013 của Vietnam Airlines là nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty cổ phần Hàng không Jetstar Pacific (JPA) đã cho kết quả rất tích cực.
Được biết, sau khi tiếp nhận phần vốn nhà nước tại JPA từ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, Vietnam Airlines đã tiến hành tái cơ cấu toàn diện JPA về tài chính, nguồn nhân lực, đội tàu bay, mạng đường bay, trong đó nổi bật là việc hoàn trả toàn bộ tàu bay B737 không hiệu quả, thay thế dần nhân sự nước ngoài bằng người Việt…
Lợi nhuận năm 2012 của JPA - thời điểm trước khi chuyển về Vietnam Airlines là âm 201 tỷ đồng; năm 2013 ước lỗ 113 tỷ đồng (sau khi loại trừ hơn 100 tỷ đồng do chi phí trả tàu bay); năm 2014 dự kiến lãi 705 triệu đồng.
“Kết quả này cho thấy, việc tái cơ cấu JPA - một trong những công ty cổ phần lớn nhất của Vietnam Airlines đang đi đúng hướng”, một chuyên gia tài chính nhận định.
Anh Minh
đầu tư
|